Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐài Loan hạ thủy tàu ngầm nội địa đầu tiên?

Đài Loan hạ thủy tàu ngầm nội địa đầu tiên?

Theo kế hoạch ban đầu, chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ có chuyến hải hành trong nửa đầu năm 2024 trước khi được đưa vào hoạt động vào năm 2025. Tuy nhiên, giới chức phòng vệ Đài Loan cho hay chuyến hải hành đầu tiên nên diễn ra vào tháng 9/2023”.

Đài Loan đặt mục tiêu tự đóng 8 tàu ngầm mới.

Trung Quốc triển khai tới 103 máy bay quân sự xung quanh Đài Loan, trong đó, hơn 40 chiếc bay qua đường trung tuyến nằm giữa Trung Quốc đại lục và hòn đảo. Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, động thái trên của Trung Quốc được phát hiện diễn ra từ sáng ngày 17 đến sáng ngày 18/9, nghĩa là trong 24 giờ đồng hồ, khi đàn máy bay này tiến vào vùng nhận diện phòng không phía nam và tây nam hòn đảo, sau đó quay đầu về căn cứ ở Trung Quốc đại lục.

Nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của động thái trên của Bắc Kinh, phía Đài Loan khẳng định đây là một trong những đợt triển khai lực lượng không quân lớn nhất của Trung Quốc đại lục xung quanh hòn đảo trong thời gian vừa qua. Cùng với lượng khổng lồ máy bay trên bầu trời, nhà chức trách Đài Loan còn phát hiện 9 tàu chiến quân sự của Trung Quốc lảng vảng vùng biển quanh hòn đảo.

Thông tin được bỏ lửng. Nhưng, căn cứ vào đó, các chuyên gia quốc tế đọc ngay ra sự hàm ý khó chịu của phía Đài Loan, rằng: Chẳng thể là ngẫu nhiên, việc đồng thời hiện diện với quy mô lớn cả hải quân và không quân quanh Đài Loan chứng tỏ Bắc Kinh một lần nữa muốn tập dượt sự phối hợp không quân và hải quân cho những tình huống quân sự cần thiết trong tương lai.

Nói trần trụi ra, “tình huống quân sự cần thiết” đó là trường hợp cần thu hồi Đài Loan – vùng lãnh thổ thiêng liêng về với đại lục – bằng vũ lực, như lâu nay Bắc Kinh vẫn khẳng định là không loại trừ, bất chấp Đài Bắc và cả người đứng sau là Mỹ luôn phản đối.

Tất nhiên, chính quyền Đài Loan hiện thời của “tài nữ” Thái Anh Văn thừa hiểu, trước một Trung Quốc đã thành siêu cường thứ hai; một Trung Quốc thách thức cả Mỹ; một Trung Quốc mà GDP hiện thời đã gần 20 nghìn tỷ Mỹ kim, chỉ vài bốn năm nữa, có thể soán ngôi Mỹ để thành nền kinh tế số 1 thế giới…, nếu chỉ phản ứng bằng cách phản đối “suông” là tự sát. Thế nên, Đài Bắc, trong nhiều năm qua đã nỗ lực bằng mọi cách để nâng cao năng lực quốc phòng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mà Bắc Kinh có thể làm khi cho rằng Đài Loan hết cách bảo ban uốn nắn, Đài Loan không ưa ngọt bùi, phải dùng ‘roi vọt”.

Sự phát triển kinh tế thần kỳ, trong thực tế, đã hóa “rồng” về kinh tế từ nhiều năm nay, thậm chí, nắm giữ tới 90% nguồn cung chip bán dẫn– sản phẩm chiến lược của kỷ nguyên công nghệ – các đã hỗ trợ hòn đảo nhỏ thực hiện mục tiêu trên. Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan luôn 2% – 3% GDP, tương đương khoảng 10 – 11 tỷ USD hằng năm, gấp đôi so với Việt Nam (khoảng 5,5 tỷ USD/năm) là quốc gia được giới quân sự đánh giá là có năng lực quốc phòng mạnh nhất Đông Nam Á.

Với khoản ngân sách này, Đài Loan có nhiều lựa chọn trong các hợp đồng vũ khí với nước ngoài, nhất là vũ khí của Mỹ. Chỉ có điều, Mỹ bênh Đài Loan chằm chặp và cảnh báo Trung Quốc về các hành vi manh động nhằm thay đổi hiện trạng. Nhưng quan điểm “một Trung Quốc” khiến Mỹ cũng không phải cứ muốn là bán ngay tắp lự cho Đài Loan mọi thứ vũ khí mà Đài Loan có nhu cầu, phòng Bắc Kinh lại “khùng” lên.

Tuy nhiên, không lúc này thì lúc khác; không kiểu này thì kiểu khác, rốt cuộc Washington cũng đã trang bị được cho Đài Loan những loại vũ khí tối tân, như tiêm kích F16, như xe tăng M1A1 Abrams…Mới đây, Mỹ đã thông qua thương vụ bán 500 triệu USD cảm biến hồng ngoại trên tiêm kích F-16 cho Đài Loan. Đầu năm nay, Đài Loan cũng được Washington duyệt bán gói vũ khí 619 triệu USD bao gồm tên lửa dùng cho đội tiêm kích F16…

Cùng với “ngoại lực” chủ yếu được hậu thuẫn từ Mỹ, Đài Loan còn đạt được những thành tựu đáng gườm về trong phát triển công nghiệp quốc phòng. Hòn đảo này đã gần như tự chủ sản xuất các loại vũ khí từ cơ bản cho đến phức tạp sử dụng đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, trong đó có đấu cơ F-CK-1 Ching Kuo; tên lửa đất đối không Tien Kung II có tầm bắn 232km.

Là một hòn đảo, Đài Loan ý thức rõ vai trò của hải quân trong phòng thủ. Hải quân Đài Loan hiện có hạm đội 120 tàu chiến, gồm: 18 tàu chiến có lượng giãn nước trên 3.800 tấn, 4 tàu khu trục lớp Kee Lung, 8 tàu lớp Cheung Kung, 6 tàu frigat lớp Kang Ting, 8 tàu frigat lớp Chi Yang, 12 tàu tấn công nhanh lớp Jing Chiang, 34 tàu lớp Kung Hua VI, 4 tàu ngầm thông thường lớp Hai Shih…

Tuy nhiên, tứ bề là biển, cũng có nghĩa là “tứ bề thọ địch”, Đài Loan vẫn nỗ lực để làm chủ công nghệ đóng tàu ngầm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của bà Thái Anh Văn, từ năm 2021, hòn đảo này đã nỗ lực trong âm thầm cho mục tiêu trên, đã chi khoản kinh phí lên tới 1,75 tỉ USD cho việc đóng chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên. Tờ Liberty Times (Thời báo Tự do, của Đài Loan) từng rò rỉ; “Theo kế hoạch ban đầu, chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ có chuyến hải hành trong nửa đầu năm 2024 trước khi được đưa vào hoạt động vào năm 2025. Tuy nhiên, giới chức phòng vệ Đài Loan cho hay chuyến hải hành đầu tiên nên diễn ra vào tháng 9/2023”. Thông tin còn cho biết, nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch mới – nghĩa là hoàn thành sớm hơn 2 năm – lực lượng phòng vệ Đài Loan muốn có ngân sách đóng thêm 8-12 chiếc tàu ngầm, với những chiếc sau tiên tiến hơn chiếc đầu tiên.

Nếu tin đó là thực, thì thời điểm này, hoặc chỉ ít lâu nữa, sự kiện hạ thủy tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ diễn ra. Không cần là các chuyên gia quân sự cũng đoán biết, tại sao giới chức phòng vệ của Đài Loan lại muốn hối hả muốn biên chế chiếc tàu ngầm này sớm hơn dự kiến tới 2 năm. Còn sao nữa, nếu không phải từ những tuyên bố và hành động ngày càng quyết liệt, quyết đoán của Bắc Kinh trong mục tiêu thu hồi Đài Loan về Đại lục.

Như động thái xua tới 103 máy bay, 9 tàu chiến quần thảo, gầm rít trên trời, dưới biển quanh Đài Loan ngày 17-18/9 vừa qua chẳng hạn.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới