Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiADIZ trên Biển Đông – nỗi lo trở lại

ADIZ trên Biển Đông – nỗi lo trở lại

“Việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để nước này thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Trên đây là ý kiến của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 25/9 vừa qua, khi báo chí hỏi về thông tin nóng Trung Quốc triển khai hai trạm định vị vệ tinh tại Đá Bắc và Đá Bông Bay.

Thực ra, câu trả lời là có thể đoán trước. Chẳng thể khác được lời bà Hằng. Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc Hoàng Sa. Trước nay, Hà Nội luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, dù quần đảo này đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974 khi nó thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngay thời điểm ấy, ai cũng biết, Trung Quốc chẳng thể làm nổi điều đó nếu không nhận được tính hiệu “đèn xanh” từ Mỹ. Nói cách khác, đã có một thỏa thuận ngầm, một sự “mặc cả” giữa Bắc Kinh và Washington trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của tổng thống Mỹ Richard Nixon – sự kiện được ví như “cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên kia Thái Bình Dương” khiến Việt Nam, cả miền Bắc và miền Nam, đều thành nạn nhân trong cuộc chơi lợi ích quy mô lớn của các nước lớn.

Thế nên, với dư luận, phản ứng của Việt Nam chỉ là một khía cạnh. Điều đáng quan tâm hơn là động thái mới (đặt trạm nhận dạng tàu thuyền tự động) của Bắc Kinh có thể khiến Biển Đông đã phức tạp, nghiêm trọng, càng phức tạp nghiêm trọng hơn nữa. Nó cũng khiến cộng đồng quốc tế có lý do để củng cố thêm dự đoán từ trước, rằng: vì tham vọng độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh sẽ không dừng lại; và đừng tin vào những gì Bắc Kinh to tiếng thề thốt, cam đoan về trách nhiệm của một cường quốc đối với sự ổn định của khu vực Đông Nam Á và hòa bình thế giới.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhắc lại một tiết độ cách đây hơn 3 năm về trước. Tháng 5/2020, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đã lên kế hoạch thiết lập Vùng nhận điện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ năm 2010.

Thông tin khiến dư luận rúng động bởi ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định ra và bắt buộc mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. ADIZ Trung Quốc dự kiến đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, nếu điều đó thành hiện thực, coi như Trung Quốc đã thiết lập trạm BOT trong khu vực này vậy.

Ngỡ South China Morning Post là người đầu tiên đánh động dư luận. Hóa ra không. Trước đó, ngày 13/7/2016, đúng một ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quốc, Trung Quốc làm cú ví như trả đũa bằng việc tổ chức họp báo quốc tế công bố “Sách Trắng về các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông”. Tại đây, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã khẳng định: “Về việc Trung Quốc có lập ADIZ ở Hoa Nam (Biển Đông) hay không, đầu tiên chúng tôi cần phải nói rõ rằng Trung Quốc có quyền đó… Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thiết lập tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Trung Quốc phải đối mặt”.

Thật mỉa mai, cái gọi là “Trung Quốc có quyền”, thì trước đó 1 ngày, nó đã bị bác bỏ trong phán quyết của PCA. Còn về cái gọi là “mức độ đe dọa” ông Lưu nói, ai cũng hiểu, chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.

Ai “đe dọa” Trung Quốc trên Biển Đông? Việt Nam ư? Philippines ư? Hay Malaysia? Nực cười, những nước đó đều là nạn nhân gây hấn ngang ngược của Trung Quốc lâu nay, cũng là những quốc gia bị chiếm quyền kiểm soát một số đảo, đá, bãi cạn trong khu vực. Việc Trung Quốc tung ra một mối đe dọa tưởng tượng trên, thực chất, là nhằm biện minh và dọn đường dư luận trước cho những việc vô pháp mà họ muốn và sẽ làm, trong đó có âm mưu lập ADIZ.

Vì lòng tham, Trung Quốc chẳng gì mà không thể. Chỉ có điều, những nhà lãnh đạo Trung Nam Hải vẫn muốn tốt nhất là được cả lợi ích lẫn thể diện. Chính thế, trong tính toán của họ, còn cái gì có thể, thì làm, như vừa qua, họ đã đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa – quần đảo họ đã cướp quyền kiểm soát của Việt Nam. Còn cái gì chưa đến lúc, như lập ADIZ chẳng hạn, thì hãy…đợi đấy và chuẩn bị dư luận.

Thêm nữa, đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa cũng là một cách thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế, trước hết, là phản ứng của các bên có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Nếu Việt Nam và dư luận không có phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt, rất có thể, họ sẽ hiện thực hóa âm mưu thập thò bấy nay về cái gọi là “quyền thiết lập ADIZ” trên Biển Đông như từng khẳng định. Tới lúc đó, câu chuyện Biển Đông sẽ coi như thêm một bước ngoặt nguy hiểm thực sự.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới