Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đánh bóng” BRI?

“Đánh bóng” BRI?

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ ba sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, từ ngày 17 đến 18/10 như hoạt động quan trọng kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào, xây dựng nguồn vốn dự án BRI, băng qua một cây cầu sông Dương Tử, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Bắc Kinh chắc chắn kỳ công chuẩn bị để sự kiện tầm cỡ quan trọng bậc nhất trong năm 2023 này diễn ra hanh thông, suôn sẻ, qua đó khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh một cường quốc hàng đầu với nền kinh tế quy mô thứ 2 thế giới (chỉ còn xếp sau Mỹ) 18.000 tỷ USD, đưa quốc gia 1,4 tỷ dân này vào hàng các nước có thu nhập cao.

Thu nhập chỉ là một khía cạnh. Điều quan trọng hơn, là sau gần 50 năm thực hiện chính sách mở cửa, Trung Quốc đã có những bước tiến thần kỳ về kinh tế, khoa học – công nghệ, quân sự…, đang thực sự phà hơi nóng vào Mỹ. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Washington, trong những năm vừa qua, đã hối hả mở các cuộc chiến thương mại và công nghệ nhằm vào quốc gia châu Á đang bám đuổi và âm mưu lật đổ địa vị cường quốc số 1 thế giới của mình.

Liên quan BRI, Mỹ càng có lý do để mà sốt ruột. Số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế cho biết, tính tới thời điểm năm 2019, Trung Quốc đã chi 200 tỷ USD cho BRI. Dự đoán, con số sẽ tăng lên 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

Đồng tiền có sức quyến rũ khó cưỡng, nhất là những nước nghèo, nước đang phát triển quá khát khao các nguồn tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các lĩnh vực cần thiết khác. Vì thế, tới nay, đã có hơn 200 văn kiện hợp tác với 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế được ký kết với Trung Quốc. Từ năm 2013 đến năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và kim ngạch đầu tư trực tiếp phi tài chính giữa Trung Quốc với các quốc gia tham gia BRI tăng trưởng với tỷ lệ trung bình năm lần lượt là 8,6% và 5,8%; tổng đầu tư hai chiều với nhiều nước vượt quá 270 tỷ USD.

Những quốc gia nghèo khó, như Lào chẳng hạn, không nhờ BRI, đố mà có được tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane với thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sau 5 năm xây dựng đấy. Hoặc “xứ sở Chùa tháp” Campuchia, hiện đang tỏ ra hưng phấn với kế hoạch ưu tiên phát triển 150 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 30 tỷ USD trong 10 năm tới. 10 năm là khoảng thời gian dài nên số tiền vẻ như không thực lớn nếu chia ra bình quân/năm. Tuy nhiên đây sẽ là con số giật mình nếu biết rằng, quy mô GDP (năm 2021) của Campuchia chỉ là 27 tỷ USD.

Trước sự lo lắng trên, có người an ủi rằng: Trung Quốc – người anh thân thiết – cho vay chứ ai đâu mà sợ?

Thì vẫn, ai mà không biết Bắc Kinh và Phnom Penh “thân thiết” với nhau thế nào. Và tận tụy nữa. Sự tận tụy mà ai cũng hiểu Phnom Penh đánh đổi, để có được nguồn tiền bạc ồ ạt từ Bắc Kinh chảy vào chiếm tới 54% vốn đầu tư nước ngoài của Campuchia. Không thế, sao có chuyện Campuchia lợi dụng vị thế chủ nhà phá ngang yêu cầu của Việt Nam, Philippines, Indonesia đề cập tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào văn bản thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 năm 2012, khiến văn kiện này bị gác lại. Nhớ lại điều chưa từng có trong lịch sử ASEAN này, nhiều người tới nay vẫn còn tức giận. Và nay nữa, cộng đồng quốc tế đang eo xèo về quân cảng Ream được Phnom Penh ưu ái cho Trung Quốc sử dụng, dù ngoài miệng thì ông Hun Sen khi còn là Thủ tướng đã chối bai bải…

Tuy nhiên, chơi với Trung Quốc ví như chơi dao vậy. Nghĩa là phải cẩn thận, nếu không muốn đứt tay, chảy máu.

Không phủ nhận những giá trị mà BRI mang lại trong 10 năm qua, cũng như những gì nó có thể mang lại trong thời gian tới, trong đó, đáng kể nhất với các nước nghèo, các nước đang phát triển là tranh thủ nguồn vốn phát triển hạ tầng; là gia tăng cơ hội phát triển thương mại; là thu hút đầu tư nước ngoài; là tranh thủ công nghệ hiện đại; là giải phóng, phát huy tiềm năng du lịch; là giải quyết công ăn việc làm… Có điều, phàm thân phận đi vay, ngay từ thời điểm ôm được đống tiền, phải hiểu rằng, tiền đó phải trả; tiền đó, nếu không chắt chiu, sử dụng hiệu quả, sẽ thành gánh nợ nặng nề khiến thế hệ sau phải còng lưng, è cổ trong oán thán.

Còn đó, bài học Sri Lanka: quyết định xây dựng cảng nước sâu Hambantota từ vốn vay của Trung Quốc, đã dẫn tới việc chính phủ phá sản và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm để trả nợ… Quốc gia Đông Phi Djibouti từng nợ Trung Quốc số tiền chiếm tới 80% GDP, nguyên nhân khiến nước này phải chuyển giao quyền kiểm soát các cảng quan trọng cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại đây vào năm 2017.

Và Lào, thâm tình với Trung Quốc đến thế là cùng, ngay sau khánh thành và vận hành tuyến tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên cuối năm 2021, thì liền sau đó, năm 2022, đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà nguyên nhân do nợ nần quá nhiều, trong đó, riêng món nợ Trung Quốc đã tới 6 tỷ USD. Tình hình nghiêm trọng tới mức, thời điểm đó, có chuyên gia nhận định, vỡ nợ ở “đất nước triệu voi” chỉ còn là vấn đề thời gian…

Vẫn còn một phương án cho các quốc gia, nền kinh tế tham gia BRI nếu lâm vào khủng hoảng nợ. Phương án đó là “vay giải cứu” để trả nợ cũ, tránh vỡ nợ.

Nhưng vấn đề là ai cho vay? Hóa ra, lại cũng chính là Trung Quốc – chủ nhân của BRI. Thế nhưng, cuộc khảo sát do AidData (Viện Minh bạch, Công nghệ thông tin, Mã hóa địa lý được thành lập vào ngày 23 tháng 3 năm 2009, trụ sở chính đều ở Williamsburg, Virginia – Mỹ) công bố hồi tháng 5 năm nay, khoản vay giải cứu khẩn cấp của Trung Quốc không lãi suất trung bình có thể lên tới 5%, cao hơn nhiều so với mức lãi suất khoảng 2% của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) Điều đó nghĩa là gì nếu không phải là tưởng thoát, hóa ra con nợ bị xiết chặt thêm một vòng dây nợ nần mới. Nói cách khác, đảo nợ thực chất là nợ chồng nợ.

Nợ chồng nợ – hậu quả thế nào, hẳn ai cũng rõ. Điều đáng quan tâm là, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba với sự hiện diện của người đàn ông quyền lực Tập Cận Bình, trong số 130 nhà lãnh đạo đại diện cho 130 quốc gia, nền kinh tế, có ông/bà nào can đảm, quả cảm mà nói ra điều đó hay không?

Khó tới vậy sao? Khó quá đi chứ, bởi tham dự Diễn đàn này, ai chẳng biết, cùng với sự kỳ công, thịnh tình, tươm tất đặc biệt trong công tác tổ chức, mục tiêu của Bắc Kinh còn là “đánh bóng” lại BRI sau 10 năm, khi có người đã nhìn thấy cái vành đai này đã có những điểm hoen rỉ. Nói ra thì mất mặt chủ nhà. Còn không nói, mang cái đau mà nguồn cơn do cái “bẫy nợ” BRI, thì khó chịu lắm.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới