Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines: khi niềm tin tới đáy

Philippines: khi niềm tin tới đáy

Cuộc tập trận hai tuần mang tên Sama Sama 2023 diễn ra trên khu vực phía nam của đảo Luzon – Philippines được coi là dấu hiệu cho thấy niềm tin của Manila với Bắc Kinh đã chạm đáy.

Cuộc tập trận quân sự hàng hải mang tên Sama Sama không phải tới năm 2023 này mới có, mà được tổ chức thường niên giữa hải quân Mỹ (USN) và hải quân Philippines (PN), tham gia có một số nước khác. Mục tiêu cơ bản vẫn thế, nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân Philippines, nhất là tác chiến ngoài khơi như tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tác chiến phòng không và điện tử.

Vậy thì tại sao, năm nay, dư luận lại quan tâm đến vậy? Chưa hết, cùng với quan tâm, không ít nhà phân tích quốc tế còn bình luận rằng, đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin của Manila với Bắc Kinh đã “chạm đáy”.

Với những người theo sát tình hình Biển Đông cũng như diễn biến mối bang giao Philippines – Trung Quốc, câu trả lời không quá khó.

Thứ nhất, về quy mô của Sama Sama 2023. Liên quan điều này, chính ông Toribio Adaci, Chuẩn đô đốc Hải quân Philippines, đã nhấn mạnh rằng: “Với màn phô diễn lực lượng và sự tham gia tích cực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, Sama Sama 2023 vượt xa các cuộc tập trận quân sự đơn thuần”. Về lực lượng, đã có tới 1.800 nhân sự từ Mỹ – đồng minh hiệp ước của Philippines – cũng như từ các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Anh và Canada đã tham gia. Con số đó vượt hơn bất cứ một Sama Sama nào khác đã từng diễn ra trước đây. Đó là chưa kể, Hải quân Úc, Pháp, Indonesia và New Zealand cũng tham gia trong tư cách quan sát viên.

Thứ hai, Sama Sama 2023 tuy là thường niên, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực gia tăng căng thẳng. Cùng với eo biển Đài Loan, Biển Đông là điểm “nóng” dai dẳng, liên tục. Biển Đông “lạnh” mới lạ; còn “nóng” là chuyện thường ngày. Vấn đề là, nếu trước kia, các cuộc va chạm gần như “dàn ra” với các bên liên quan tranh chấp như Việt Nam, Malaysia, thêm nữa là Indonesia, thì thời gian gần đây, Trung Quốc nhằm vào Philippines nhiều nhất.

Chẳng khó khăn nếu muốn dẫn ra những vụ gây hấn đó. Hồi đầu tháng 2, là vụ tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu laser quân sự vào một tàu của của Philippines đang thực hiện những hoạt động bình thường trong vùng biển của họ.

Việc thủy thủy đoàn của tàu Philippines bị lóa mắt chỉ là một việc. Cái chính, “chiếu laser quân sự” là một hành vi nguy hiểm, bị cấm trong hàng không, hàng hải. Chính thế, đích thân tổng thống Philippines, ông Ferdinand Jr. Marcos đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila tới để phản đối và phản ứng việc gia tăng tần suất và cường độ các hành động của phía Trung Quốc nhằm vào lực lượng tuần duyên và ngư dân Philippines.

Không chỉ Philippines, hành vi của Trung Quốc cũng bị một số quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, Mỹ cũng phản đối; nặng lời nhất là Mỹ, với tuyên bố của ngôn viên ngoại giao Ned Price, ngày 13/02, nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã “đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định và làm tổn hại đến quyền tự do hàng hải trên Biển Đông”.

Tuy nhiên, tất cả các phản ứng trên ví như “nước đổ đầu vịt”. Bắc Kinh không những không chùn bước, trái lại, còn có những hành động quyết đoán hơn, nhằm vào Philippines. Nếu bỏ qua vụ xua hàng trăm tàu dân quân biển trá hình tàu cá làm cái việc gọi là “trú bão” một cách khả nghi trong lúc trời yên biển lặng hồi tháng 4/2022 trong khu vực đá Ba Đầu, thì ít nhất, cũng cần “tính sổ” 2 vụ việc gần đây. Nó gồm: Vụ tàu cảnh Trung Quốc, ngày 5/8, “xịt vòi rồng” chặn đường tàu Philippines đến Bãi Cỏ Mây tiếp tế cho toán lính Philippines trên chiếc tàu cũ Sierra Madre trong khu vực bãi Cỏ Mây, và vụ việc Trung Quốc tạo ra “hàng rào nổi” ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt trong khu vực bãi cạn Scarborough.

Cả hai vụ việc căng thẳng từng khiến dư luận lo ngại, nghĩ tới những cuộc va chạm và đối đầu. Thậm chí nhiều người còn lo ngại một tình huống mất kiểm soát về quân sự dẫn đến có nổ của súng đạn.

May thay, cuối cùng, chuyện cũng nguội dần khi Philippines tiếp tế được cho tiểu đội lính đồn trú trong chiếc tàu cũ Sierra Madre; phá được đoạn phao chắn dài khoảng 300m mà không gặp phản ứng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bằng con mắt phân tích, những chuyên gia quốc tế thừa biết rằng, với Manila, thế là hết hy vọng. Hy vọng gì? Hy vọng vào sự thiện chí cũng như những lời hứa đường mật của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải về cái gọi là quan hệ hữu hảo, trong các lần gặp nhau tại Bắc Kinh cũng như tại Manila.

Ai cũng biết, trong bang giao quốc tế, niềm tin chính trị là tối quan trọng, là tiền đề để có thể tính tới các câu chuyện khác. Chính thế, cuộc tập trận mang tên Sama Sama năm 2023, dù được tổ chức thường niên, nhưng nhiều người, bằng sự nhạy cảm và căn cứ vào thời điểm, quy mô, vẫn chỉ ra những điều khác thường.

Suy cho cùng, những điều khác thường đó lại là bình thường nhằm chuẩn bị cho Philippines có thể sẵn sàng đối phó với những tình huống ngỗ ngược hơn từ của phíaTrung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới