Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiền đề cho niềm tin chính trị

Tiền đề cho niềm tin chính trị

Nhận lời mời của hai nhà lãnh đạo Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12.

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2015

Thời điểm này, một số người đang quy cho tội Hà Nội “thậm thụt” với Bắc Kinh thu xếp chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Bình. Bằng chứng là, tận vài ngày trước sự kiện, bộ Ngoại giao Việt Nam mới thông tin cho báo chí. Có trang mạng vốn định kiến, đã cho rằng: Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam như một sự…hạ cố; để được cái gật đầu tới Hà Nội của ông Tập, Việt Nam phải chấp nhận các thua thiệt lợi ích kinh tế trong các văn kiện sắp được ký kết, thậm chí, phải nhân nhượng ít nhiều chủ quyền biển đảo,v.v…

Để thuyết phục dư luận, những người có quan điểm trên dẫn việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp “cáo già” ngoại giao Vương Nghị khi ông này có chuyến thăm Việt Nam hai ngày đầu tháng 12 như một bằng chứng “lép vế” của lãnh đạo một nước “chư hầu”…

Nhưng các ý kiến tiêu cực như trên chỉ là thiểu số, và mang mang tính võ đoán. Còn lại, những người am hiểu thời cuộc đều nhận định: chẳng có gì khuất tất hay hoài nghi đáng đặt ra cho Hà Nội trong sự kiện này; Hà Nội đủ khôn vận dụng cây gậy “ngoại giao cây tre” để tiếp tục tồn tại một cách độc lập và vững chắc trước một ông láng giềng hung hăng, tham vọng…

Những ý kiến “bênh” Hà Nội như trên liệu có khách quan? Hay nó nằm trong một kế hoạch tuyên truyền bài bản, tinh vi do các cơ quan ngoại giao cùng cơ quan tuyên giáo, báo chí của Hà Nội triển khai?

Nghĩ thế chẳng khác nào thêm một sự suy diễn, làm phức tạp thêm một quan hệ ngoại giao vốn đã phức tạp và quá nhạy cảm. Trong thực tế, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã được đề cập từ trước, tuy không có thời điểm cụ thể.

Tháng 4 năm nay, Hà Nội từng loan báo: trong chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, một yếu nhân hàng đầu của Ba Đình, là bà Trương Thị Mai, đã được giao nhiệm vụ quan trọng “chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam trong năm 2023”.

Bản tin không nêu phản ứng của ông Tập, nhưng dư luận có thể đoán ông chủ Trung Nam Hải hẳn đã “vui vẻ nhận lời”. Và sau đó, các kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước hai phía đã bận rộn túi bụi để chuẩn bị cho sự kiện có thể đoán định sẽ diễn ra vào cuối năm, trùng dịp kỷ niệm 15 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Chốt lại sự chuẩn bị đó là sự hiện diện của ông Vương Nghị tại Hà Nội để kết hợp cùng phó Thủ tướng của Việt Nam Trần Lưu Quang, đồng chủ trì phiên họp lần thứ 15 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc…

Như vậy, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập ngày 12/12 này rõ ràng nằm trong kế hoạch. Nằm trong kế hoạch nên chẳng thể coi là bất ngờ. Nằm trong kế hoạch nên cũng không nên tự ty như ai đó mà suy diễn thành sự “hạ cố” của nhà lãnh đạo một siêu cường dành cho nước láng giềng Việt Nam bé nhỏ.

Thứ hai, dù thể nào cũng chẳng thể phủ nhận sự lợi hại của đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Nên nhớ rằng, “ngoại giao cây tre” này chẳng bỗng dưng mà có. Nó chính là bài học kinh nghiệm thu được từ kết quả và hạn chế; từ thành công và sự trả giá; từ ấu trĩ và sáng suốt…trong lịch sử bang giao của quốc gia hình chữ S nhỏ bé bên bờ Thái Bình Dương, với nước láng giềng Trung Hoa phương Bắc.

Trong bối cảnh quốc tế diễn ra những biến động lớn, chưa có tiền lệ, dẫn đến những thách thức đối với sự ổn định và phát triển, nền ngoại giao Việt Nam năm 2023 vẫn thu được những thành tựu to lớn là nhờ vận dụng chủ động và linh hoạt quan điểm, phương châm ngoại giao mềm dẻo này. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có các đối tác quan trọng, các nước láng giềng.

Điểm nhấn hoạt động ngoại giao Việt Nam gần đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng cuối năm ngoái, ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20; và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden vào nửa đầu tháng 9/2023 với kết quả khá bất ngờ nâng cấp bang giao Việt – Mỹ lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nên nhớ rằng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là mức độ bang giao cao nhất của Việt Nam. Nó được hiểu là hai bên đối tác xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cả hai cùng có lợi, đồng thời xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược…

Nhận định về chuyến thăm Việt Nam của ông Biden, không ít nhà nghiên cứu quốc tế bình luận rằng: thành công của nó đã khiến Trung Quốc sốt ruột. Sốt ruột bởi nó phá vỡ thế tương quan ngoại giao giữa Bắc Kinh, Washington với Hà Nội. Sốt ruột bởi Bắc Kinh lo rằng: Hà Nội sẽ “ngả” về Washington một khi trên Biển Đông, Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc gây hấn như lâu nay…

Nói cách khác, mối thâm tình giữa Hà Nội và Washington là điều mà Bắc Kinh không hề muốn, nếu không nói là khó chịu.

Tuy nhiên, trong thực tế, mọi sự khó chịu trước đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ, nếu có, đều có nguồn cơn từ tham vọng cùng sự suy diễn của Trung Quốc. Việt Nam là một quốc gia yêu hòa bình. Từ nhiều năm nay, trong quan điểm cũng như hành động, Việt Nam luôn nhất quán đề cao yêu cầu và mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình để có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước. Khát vọng đó, yêu cầu đó hoàn toàn đáng tin ở một dân tộc trải nhiều chiến tranh, thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh hơn bất kỳ một dân tộc nào khác, như Việt Nam.

Do vậy, nếu nhìn nhận một cách khoa học, trung thực, trách nhiệm, Trung Quốc hoàn toàn có thể tin rằng Hà Nội luôn sẵn lòng, cũng như luôn mong muốn về một tình hữu nghị và hợp tác chân thành, sâu sắc, toàn diện với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó, có Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa láng giềng. Do vậy, chỉ cần nhìn nhận một cách khách quan, chẳng có lý do gì để đặt ra những câu hỏi có tính suy diễn về quan điểm, thái độ, thiện chí của Hà Nội khi thể hiện sự trọng thị, thịnh tình và thiện chí trong việc mời, đón, và tiếp ông Tập Cận Bình lần này. Đó cũng chính là một trong những tiền đề để có được niềm tin chính trị trong bang giao quốc tế vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới