Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCách chống tham nhũng của TQ - Kỳ I: Nhận diện tham...

Cách chống tham nhũng của TQ – Kỳ I: Nhận diện tham nhũng

Kể từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế bắt đầu công bố Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) hàng năm trên toàn thế giới. CPI sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn, các tổ chức và các thể chế khác, nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thang điểm từ 0 (tức là tham nhũng rất cao) đến 100 (tức là rất minh bạch, rất trong sạch). Điểm số càng cao có nghĩa là quốc gia đó càng minh bạch và ít tệ nạn tham nhũng hơn so với những nước khác.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc

Theo bảng xếp hạng năm 2022 được công bố vào đầu năm 2023, các quốc gia đứng đầu trong chỉ số CPI là Đan Mạch với 90 điểm, Phần Lan và New Zealand mỗi quốc gia 87 điểm. Trong khi đó, các nước tham nhũng nhiều nhất là Syria và Nam Sudan với 13 điểm, còn Somalia với 12 điểm xếp cuối bảng theo chỉ số CPI.

Cũng theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2022, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, bao gồm các nền kinh tế tiên tiến như Vương quốc Anh 73 điểm, Áo 71 điểm và Qatar 59 điểm. Trong khi đó, Mỹ sau khi rớt khỏi top 25 vào năm 2021 đã lên lại vị trí 24 trong năm 2022 với 69 điểm. Việt Nam nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ đã cải thiện đáng kể điểm số CPI với 42 điểm, tăng từ 30 điểm vào năm 2012, đồng thời xếp thứ 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, thập kỷ qua Trung Quốc cũng tăng hạng đáng kể trong năm 2022, Trung Quốc xếp hạng thứ 65/180 quốc gia và vùng lãnh thổ với 45 điểm. Đất nước tỷ dân hiện cũng được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong công cuộc thanh trừng loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này trong những năm gần đây.

Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm, giai đoạn từ 2013 – 2017, để chống tham nhũng nhằm lấy lại lòng tin của người dân, chấm dứt các cuộc biểu tình đòi công bằng xã hội, cũng như giải quyết những trở ngại do tham nhũng đã gây ra trong quá trình đổi mới kinh tế. Vậy cụ thể, Trung Quốc đã có những kế sách gì để trừng phạt và chống tham nhũng?

Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện ở Trung Quốc mà chúng đã bám rễ ngay từ khi thành lập nền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ thời Mao Trạch Đông và đã xuất hiện nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tham nhũng trong thời kỳ đương đại có nhiều điểm khác biệt về hình thức, quy mô và mức độ trầm trọng. Nhìn chung, tệ nạn này diễn ra rất phổ biến và được chia thành ba loại cơ bản.

Thứ nhất, Tham nhũng đen. Nó bao gồm các hành vi đút lót, hối lộ, gian lận, tham ô, tống tiền, buôn lậu và trốn thuế … Các hiện tượng này cấu thành tội phạm kinh tế khi mà nó là hình thức làm giàu cá nhân bất chính.

Thứ hai, Tham nhũng xám. Theo đó, cơ hội để dung túng cho loại này là sự yếu kém, thiếu đồng bộ của thể chế nhà nước và quy tắc luật lệ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó, nhiều quan chức đã lợi dụng để trục lợi cá nhân hay là thiên vị lợi ích cho tổ chức của mình thông qua nhiều thủ đoạn hợp pháp và bất hợp pháp. Bên cạnh đó, họ còn hình thành các tổ chức kinh doanh hay mạng lưới các công ty vệ tinh ăn bám vào thể chế nhà nước để rút ruột ngân sách công. Liên quan tới loại tham nhũng này có thể kể tới hiện tượng chi tiêu hoang phí nguồn lực công như là triển khai dự án tràn lan, mua sắm tài sản vô tội vạ, xây dựng công trình quá mức cần thiết … Từ đó sẽ gây thất thoát và tạo gánh nặng ngân sách cho hoạt động hành chính.

Thứ ba, tham nhũng trắng. Hiện tượng này rất phổ biến trong cuộc sống, gắn chặt với những mối quan hệ gần gũi và thân quen cá nhân của các quan chức nhà nước và thường nhận được sự ưu ái đặc biệt trong những khâu tuyển dụng nhân sự hay thăng tiến hoặc những quan chức sẽ lách luật trục lợi cho họ hàng, bạn bè, thiên vị trong phân bổ nguồn lực công cho người quen … Từ đó nhận lại những khoản lợi được phân chia. Loại tham nhũng này có thể được gói gọn trong một câu: ‘Một người làm quan, cả họ được nhờ.’

Chiến dịch ‘Đả hổ diệt ruồi’

Các chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc được tiến hành thường xuyên trong nhiều thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước đây. Những cuộc chiến chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được triển khai từ năm 2006. Tuy nhiên, chỉ đến khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc người ta mới cảm nhận rõ những biện pháp quyết liệt và những đợt thanh trừng chấn động trong hàng ngũ của các cán bộ cấp cao tại quốc gia này.

Ông Tập được mệnh danh là ‘Hoàng đế Trung Hoa thế kỷ 21.’ Sở dĩ Tập được gọi như vậy là vì ông ta mang một tham vọng rất lớn, đó chính là muốn thực hiện ‘Giấc mơ Trung Hoa’ Để có thể thực hiện hóa giấc mơ này, chính quyền Bắc Kinh phải mạnh tay trong vấn đề chống tham nhũng.

Chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập Cận Bình đưa ra lần đầu vào Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 11/2012. Khi ấy, ông đã tuyên bố rằng dù quan chức Trung ương hay địa phương, dù chức vụ lớn hay nhỏ, đều phải xử lý bằng pháp luật nếu tham nhũng hay có lối sống xa hoa, hủ bại. Từ lâu đã là một căn bệnh nan y có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của một quốc gia. Nó chỉ làm sung sướng một số người nhưng lại làm khổ nhân dân rất nhiều. Vì vậy, người đứng đầu Trung Nam Hải đã bày tỏ rõ quyết tâm sẽ dẹp sạch và tuyên bố rằng quyết tâm không nhân nhượng đối với loại hình tội phạm này. Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng chừng nào còn đất và điều kiện cho tham nhũng sản sinh thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không thể dừng lại, dù chỉ một phút.

Tháng 1/2013, chiến dịch ‘Đả hổ diệt ruồi’ chính thức được bắt đầu. Chiến dịch này nhắm tới cả ‘hổ,’ tức là những cán bộ cấp cao, lẫn ‘ruồi,’ là những cán bộ cấp thấp, nhằm mong muốn tạo ra một môi trường trong sạch từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất.

Ngoài ra, để tránh các tội phạm này có thể bỏ trốn ra nước ngoài định cư, chính quyền Trung Quốc còn phối hợp với quốc tế để truy lùng họ thông qua các chiến dịch ‘Lưới Trời’ và ‘Săn Cáo’. Trong đó, chiến dịch ‘Săn Cáo’ do Bộ Công An đứng đầu, còn chiến dịch ‘Lưới Trời’ do Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao lãnh đạo.

Chiến dịch chống tham nhũng này được tổ chức và điều phối bởi Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, viết tắt là CCDI, do Ủy viên Bộ chính trị Vương Kỳ Sơn đứng đầu, người được ví như cánh tay phải đắc lực hay Bàn tay sắt của ông Tập Cận Bình.

Nhắc đến ông Vương Kỳ Sơn trong giới quan trường Trung Quốc đã râm ran câu nói ‘Thà gặp Diêm Vương chứ không gặp lão Vương’ để nói lên mức độ cứng rắn và quyết đoán trong việc trừ tệ nạn tham nhũng của người đứng đầu CCDI. Dưới sự lãnh đạo của ông, CCDI đã hạ bệ hàng loạt các quan chức cấp cao thuộc những thành lũy vốn tưởng như không thể chạm tới, như là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất và cả các cơ quan giám sát của Nhà nước. Nay Vương Kỳ Sơn đã về hưu. Ngày 23/10/ 2022, ông Lý Hy, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, đã được bầu làm Bí thư của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 20.

Song song với việc thực hiện mạnh mẽ và điều tra xử lý các cán bộ vi phạm, chính quyền Bắc Kinh còn triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng. Tháng 1/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành bộ quy tắc ‘Tám quy định’ và ‘Sáu điều cấm’ đối với cán bộ, đảng viên. Theo đó, bộ quy tắc này áp đặt những hạn chế và các điều cấm như là cấm đón tiếp thảm đỏ, cấm sử dụng xe công cho việc riêng, cắt giảm các cuộc họp mang tính hình thức, tránh gây rối loạn do giao thông với các lý do như cấm đường chào đón các quan chức và ra lệnh ‘thắt lưng buộc bụng’ trong chi tiêu các khoản ăn uống, du lịch, nhà ở…

Ngoài ra, còn có các quy chế về việc sử dụng quỹ công cho các hoạt động du lịch của các cá nhân trong nước và nước ngoài, quy chế về việc sử dụng các phương tiện có sẵn và được cung cấp, quy chế về việc xây dựng các tòa nhà trái phép, quy chế về các khoản thanh toán không hợp lệ hoặc cho các lợi ích bất hợp pháp, quy chế về việc tặng những món quà đắt tiền hay chi phí quá lớn dành cho các đám cưới hay đám tang. Đồng thời, có những quy chế về việc vi phạm kỷ luật và các quy tắc trong công việc.

Cuộc chiến không có ngoại lệ

Nhiều đại biểu đã nhận định và thừa nhận rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy định bất thành văn trong giới chính trị của nước này, bởi vì nó không chỉ khiến hàng triệu quan chức Trung Quốc bị trừng phạt mà nó còn chứng tỏ rằng không có một ranh giới đỏ nào được vạch ra. Những người bị nhắm tới bao gồm từ các trưởng thôn và quản lý nhà máy đến các bộ trưởng trong chính phủ và các tướng lĩnh trong quân đội, vốn là những nơi luôn được xem là vùng cấm trong chống tham nhũng. Thậm chí đến cả các quan chức về hưu, những người thường được cho là đã ‘hạ cánh an toàn’, nhưng cũng không tránh khỏi bị ‘sờ gáy’.

Phát súng đầu tiên và những ‘con hổ lớn’ sa lưới

Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng mang thương hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình ra đời và được đưa vào triển khai, những cơn địa chấn làm rung chuyển chính trường đại lục đã xuất hiện ồ ạt. Trong đó, cơn địa chấn mạnh mẽ và đáng chú ý nhất là vụ bắt giữ và xét xử đối với ông Bạc Hy Lai, vốn là cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Trùng Khánh. Ông Bạc Hy Lai là con trai của ông Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người ta thường ví ông như là ‘Thái tử Đảng’, vì vậy mà con đường thăng quan tiến chức của ông Bạc khá suôn sẻ.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007, tên tuổi của ông càng được phổ biến rộng rãi hơn nữa. Bạc Hy Lai đã đưa thành phố có hơn 30 triệu dân này vươn lên trở thành một trong những đô thị có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông còn gây dựng các phong trào quần chúng cũng như mạnh tay truy quét các băng đảng tội phạm và doanh nghiệp bất minh. Do vậy mà Thái tử Đảng rất được lòng dân.

Trước khi sự nghiệp xuống dốc, Bạc Hy Lai đã xây dựng cho mình một vị thế rất lớn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do có thời gian chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư với Tập Cận Bình mà Bạc còn được coi là đối thủ chính trị chính của ông Tập. Vốn là một ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc nhưng cuộc đời của Bạc Hy Lai lại kết thúc với án tù chung thân vào ngày 22/9/2013 do phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ và có liên quan đến vụ giết doanh nhân người Anh của vợ ông này là bà Cốc Hai Lai.

Sự ra đi của Bạc Hy Lai trở thành phát súng đầu tiên của chiến dịch Đả hổ diệt ruồi. Quá trình “đả hổ” càng thêm nóng khi có thêm sự góp mặt của Chu Vĩnh Khang. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2012, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an và có 5 năm nắm giữ vị trí được đánh giá là người đứng thứ ba trong bậc thang quyền lực của Trung Quốc. Khi người giám sát trên ông chỉ có Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư và Thủ tướng.

Có thể nói rằng, thời điểm còn đương nhiệm, Chu Vĩnh Khang là một người thét ra lửa trong chính trường Trung Quốc. Cùng với đó, trên cương vị của mình, ông Chu có ảnh hưởng đối với lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật nhà nước. Bởi thế mà dù đã rời xa chính trường, nhưng ông Chu và gia đình vẫn được cho là hưởng lợi khổng lồ từ vị trí của mình, đặc biệt ông này cũng là người đỡ đầu cho Bạc Hy Lai khi từng có ý định dàn xếp để ông Bạc vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị.

Để tóm được ông Chu, các nhà điều tra đã nhắm đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và các công ty con của ông này. Đầu tiên, họ bắt giữ sáu giám đốc điều hành cấp cao là tay chân của ông Chu, sau đó triển khai một cuộc điều tra nhắm vào ông này và các thân tín Bộ hạ của ông Chu lần lượt sa lưới, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn và Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh.

Hơn 300 nhân thân, đồng minh chính trị, bạn làm ăn, thuộc hạ và nhân viên của Chu Vĩnh Khang đều đã bị bắt giữ và bị thẩm vấn. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ một lượng tài sản khủng trị giá ít nhất là 14,5 tỷ đô la từ các thành viên gia đình và cộng sự của ông Chu.

Vụ việc sau đó đã được chuyển tới Cơ quan Công tố Tối cao và chính thức mở đường cho phiên xét xử, khiến cho Chu Vĩnh Khang trở thành vị quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc phải đối mặt với các tội danh tham nhũng trong lịch sử, như nhận tiền hối lộ, lạm dụng quyền lực để hưởng lợi bất chính cho gia đình và người thân bạn bè, làm lộ bí mật quốc gia, ngoại tình… Chu Vĩnh Khang còn bị cáo buộc là xây dựng mạng lưới tội phạm quy mô, bao gồm mạng lưới ở tỉnh Tứ Xuyên trong ngành dầu khí, ngành công an, mạng lưới các thư ký và mạng lưới các gia đình họ hàng. Đến ngày 11/ 6/ 2015, thì ông này đã bị tuyên án chung thân.

Trong những năm sau đó, trọng tâm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã mở rộng ra cả các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành mà ông Tập xem là đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với an ninh quốc gia và ổn định xã hội, bao gồm tài chính, năng lượng, công nghệ, quốc phòng, bảo hiểm, y tế và thể thao.

Lấy việc chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc là một ví dụ, tiếp sau Chu Vĩnh Khang, “con hổ” lớn thứ hai là Thượng tướng Từ Tài Hậu, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và sau đó đã bị hạ gục khi khối tài sản khổng lồ do nhận hối lộ của ông ta trong thời gian tại chức từ năm 2004 – 2012 bị phanh phui. Nhờ các thương vụ buôn bán chức vụ và quân hàm mà Từ Tài Hậu đã nhận được những khoản tiền hối lộ khổng lồ và sở hữu nhiều bất động sản rải rác khắp Trung Quốc. Thậm chí tại căn biệt thự nguy nga rộng 2000 mét vuông của gia đình ông này ở khu nhà cao cấp tại Tề Nam, các điều tra viên đã phát hiện ra căn hầm bí mật chứa hơn một tấn tiền mặt, bao gồm rất nhiều loại tiền tệ khác nhau như đô la, euro, bảng Anh, nhân dân tệ, các loại đá quý cùng các bảo vật cung đình Trung Hoa có niên đại từ hàng nghìn năm.

Sau Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu có thêm hai con hổ lớn tiếp tục sa lưới trong Chiến dịch Chống tham nhũng của ông Tập. Đó là Lệnh Kế Hoạch, Nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quách Bá Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Còn nữa…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới