Monday, May 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSau “chiến thuật bắp cải” đến “con ếch chết luộc”

Sau “chiến thuật bắp cải” đến “con ếch chết luộc”

Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc có nhiều chiến thuật gây bất ngờ cho đối phương. Đến nay thì các chiến thuật dần bị bại lộ. Và để cứu vãn tình hình, chính quyền Bắc Kinh lại giở bài mới.

Các chiến thuật của Trung Quốc thường có mẫu số chung là “cây gậy và củ cà rốt”, bao giờ cũng núp dưới lợi ích kinh tế để che đậy những toan tính về an ninh, quốc phòng. Chúng ta đã biết đến các chiến thuật “vùng xám”, chiến thuật “bắp cải”, chiến thuật “tằm ăn dâu”. Gần đây là chiến thuật “con ếch chết luộc”.

Không rõ khái niệm luộc ếch xuất xứ ở đâu, chỉ biết nó được nói đến gần đây từ một chuyên gia quân sự – ông John “Lung” Aquilino. Ông này là Đô đốc, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Mới đây ông John nói với The Financial Times (Thời báo tài chính ra hàng ngày tại London và 23 thành phố trên toàn thế giới): “Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến thuật “con ếch chết luộc” (boiling frog) trên Biển Đông”.

Biểu hiện rõ nhất là, Trung Quốc tăng tốc phát triển quân sự, gia tăng những hoạt động gây bất ổn, tấn công từ nhiều phía, kéo các nước trong khu vực (kể cả Lào, Thái Lan) vào các hành động hung hăng hơn, nguy hiểm hơn trên Biển Đông.

Chiến thuật “con ếch chết luộc”, theo cách nói giản dị của người Việt Nam là cho chết từ từ, chết từ chân lên đầu, sống mà không biết mình sắp chết. Con ếch ấy đang ngồi trong nồi nước. Có ai đó đun nước sôi từ từ, nhiệt tăng dần và con ếch sẽ thích ứng dần với nhiệt độ mới mà không nhảy ra khỏi đó. Thương thay, đến khi nước gần đến điểm sôi, con ếch không thể nhảy ra được nữa.

Bây giờ cái nồi nước đang nóng dần ấy đã xuất hiện. Xin nêu một vài dẫn chứng. Đó là việc Trung Quốc hợp tác với Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, quân cảng Ream ở Vịnh Thái Lan. Đó là việc họ xây các đập nước thượng nguồn Mekong, các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa, mới nhất là việc phát triển các “nhà máy điện hạt nhân” nổi tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà họ mới tôn tạo.

Không chỉ có kênh đào Phù Nam Techo mà Campuchia sắp khởi công xây dựng. Dự án kênh đào Kra ở Thái Lan hiện còn nằm trên giấy nhưng nếu nó được xây dựng thì sẽ được kết hợp với các cơ sở khác của Trung Quốc (như quân cảng Ream ở Campuchia), góp phần phát triển năng lực kiểm soát ba chiều trong khu vực – kiểm soát trên không, trên biển, và đất liền.

Còn một kết nối không gian quan trọng là mối liên hệ từ mặt đất tới bầu trời, từ vùng trời Vịnh Thái Lan tới phía Nam Biển Đông. Dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream là một phần trong khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Campuchia. Ngoài cải tạo và mở rộng các tòa nhà trong căn cứ Ream, Bắc Kinh cũng sẽ hỗ trợ nâng cấp các tàu chiến của Phnom Penh, xây các cầu cảng, nâng cấp các ụ sửa chữa trong căn cứ và bệnh viện quân – dân y.

Hiện chưa rõ Trung Quốc có triển khai khí tài quân sự tới sân bay ở Ream hay không. Một khi sân bay Ream thuộc về Trung Quốc thì vùng trời ở Vịnh Thái Lan và phía Nam Việt Nam, khu vực mà đối với Việt Nam là vùng kiểm soát TP. Hồ Chí Minh, đều có thể bị lọt vào tầm bao quát của Trung Quốc.

Nguy hiểm là ở chỗ, do tính chất lưỡng dụng của cơ sở của Trung Quốc, nhất là căn cứ hải quân Ream và các cơ sở khác của Trung Quốc chung quanh đó, khiến cho Việt Nam rất khó xử lý. Nếu có ý kiến phản đối, họ sẽ nói rằng, đây là các công trình phục vụ mục đích dân sự là chính. Sau này các tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc cập cảng vào được quân cảng Ream thì họ có thể chuyển sang quân sự bất kỳ khi nào họ muốn.

Không chỉ có Việt Nam khó xử, chính tính lưỡng dụng này mà không ít quốc gia trên thế giới đang bị lừa, hoặc không có cơ sở để lên án họ. Và đây chính là mối đe dọa rất lớn đối với hòa bình, an ninh.

Hiện nay chưa có gì căng thẳng lớn giữa hai nước Việt-Trung, ngoài những “vướng mắc thế kỷ” trên Biển Đông, những căng thẳng khi âm ỉ lúc bùng lên dữ dội. Khi tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không hề suy giảm, thì Việt Nam khó tránh khỏi đối đầu căng thẳng với Trung Quốc. Và nếu xảy ra một cuộc chiến không ai mong muốn trên Biển Đông thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi Trung Quốc có quân cảng Ream.

Suy nghĩ rộng hơn về quân cảng Ream, nếu Trung Quốc dùng nó để thực thi tham vọng “Đường lưỡi bò” trên thực tế thì họ dễ dàng kiểm soát được khu vực đó. Họ sẽ kiềm chế được Việt Nam. Nếu trên Biển Đông xảy ra căng thẳng thì Trung Quốc có thể sử dụng nhiều cách, trong đó có việc tận dụng biên giới Việt Nam-Campuchia. Đó có thể là biên giới đất liền, hoặc có thể sử dụng biên giới trên biển với Campuchia.

Khi bàn đến vấn đề biên giới biển Việt Nam – Campuchia lại là những tiềm tàng rủi ro. Nan giải nhất là hai nước chưa tiến hành phân định biên giới trên biển, vì thế Trung Quốc có thể gây sức ép lên Việt Nam từ nhiều hướng, trong đó có quân cảng Ream. Ấy là chưa kể Thái Lan cũng có dự phóng về một kênh đào xuyên qua eo đất Kra. Có thể Trung Quốc tham gia vào dự án kênh đào Kra ở Thái Lan thì lợi ích của họ qua kênh đào này càng được thúc đẩy, vòng tay ôm của họ càng lớn.

Xin hãy hình dung, khi kênh đào Kra thành hiện thực, thì Trung Quốc sẽ không còn phụ thuộc vào eo biển Mallaca. Còn khi kế hoạch xây dựng Kra không thành, Trung Quốc vẫn có thể kết nối và triển khai năng lực ở khu vực phía nam biển Đông.

Sự kết nối này không chỉ từ các đảo ở Trường Sa xuống vùng biển Natuna, mà còn có thể đi từ khu vực Vịnh Thái Lan xuống Natuna. Nếu đi từ Vịnh Thái Lan với quân cảng Ream xuống vùng biển Natuna còn ngắn hơn thời gian xuất phát từ Trường Sa. Nếu như có thêm sân bay bên cạnh quân cảng Ream thì năng lực kiểm soát ba chiều của Trung Quốc (trên không, trên mặt biển, dưới mặt biển) sẽ tăng lên rất đáng kể.

Vậy là nồi nước đã đặt lên bếp. Ếch đã ngồi trong nồi. Khi đã nhận ra có người sắp châm lửa thì cách tốt nhất là báo động để chú ếch tìm cách thoát khỏi mối hiểm nguy đe dọa.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới