Giới chức Trung Quốc kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới cùng nghiên cứu mẫu vật từ vùng tối Mặt trăng, tuy nhiên đề cập đến một số giới hạn với Mỹ.
Trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Bắc Kinh ngày 27-6, các quan chức trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ Trung Quốc cho biết nước này chào đón giới khoa học quốc tế cùng tham gia nghiên cứu mẫu vật từ vùng tối Mặt trăng.
Tuy nhiên, nước này vẫn đề cập đến một số giới hạn trong việc hợp tác, đặc biệt đối với Mỹ.
Theo đó, giới chức Trung Quốc cho biết mức độ hợp tác sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có bỏ đạo luật cấm hợp tác song phương trực tiếp với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hay không, theo Hãng tin AP.
“Nguyên nhân gây ra trở ngại trong việc hợp tác hàng không vũ trụ Trung Quốc – Mỹ đến từ Tu chính án Wolf.
Nếu Mỹ thật sự muốn hợp tác thường xuyên với Trung Quốc, tôi nghĩ họ nên thực hiện các biện pháp dỡ bỏ hạn chế”, ông Bian Zhigang – phó chủ tịch Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) – cho biết.
Tu chính án Wolf được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011 và đặt theo tên của thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lúc đó là Frank Wolf.
Đạo luật này cấm NASA hợp tác với Trung Quốc, trừ khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác nhận không có rủi ro an ninh quốc gia nào khi chia sẻ thông tin với Trung Quốc.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn hợp tác với các nhà khoa học từ quốc gia khác. Nước này đã làm việc với các chuyên gia từ châu Âu, Pháp, Ý và Pakistan trong sứ mệnh Hằng Nga 6.
Ông Liu Yunfeng – giám đốc văn phòng hợp tác quốc tế của CNSA – khẳng định Trung Quốc hoan nghênh các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đăng ký nghiên cứu mẫu vật từ vùng tối Mặt trăng và chia sẻ lợi ích chung.
Thế nhưng Trung Quốc công bố rất ít thông tin về thành tích đáng ghi nhận của tàu Hằng Nga 6.
Các quan chức nước này cũng từ chối tiết lộ khối lượng và thông tin chi tiết liên quan đến mẫu vật.
“Tôi e rằng vấn đề này hiện sẽ không được tiết lộ. Vì vậy tôi hy vọng mọi người có thể kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp”, trưởng nhóm thiết kế tàu Hằng Nga 6 nói với báo giới cùng ngày 27-6.
Trước đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết mô đun chứa mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng đã đáp thành công xuống khu vực được chỉ định tại khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc vào ngày 25-6.
Sự kiện này giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thu thập các mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng và mang trở về Trái đất thành công.