BienDong.Net: “Thời buổi hiện đại rồi, ai hát ru nữa chú, nhưng mọi người muốn thì tôi hát nghe chơi”.
Bà hát, không micro, không ánh đèn sân khấu, không áo mão xanh đỏ tím vàng: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”.Thôn Đông, xã An Vĩnh, cách đây chỉ mấy trăm mét, là biển. Lý Sơn đảo nhỏ, biển đang chơi điệu slow, hiền hòa lắm. Vào đình An Vĩnh cuối tháng Tư, thấy mấy lão ngư đang tất bật đóng bè thả hoa đăng, làm thuyền thả trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa….
Bà Đỗ Thị Hảo, người hát ru duy nhất ở đảo Lý Sơn (Ảnh Trung Việt)
Hằng năm, cứ tháng Tư là cả đảo như sống trong linh thiêng, như lắng lại. Sống ở biển, người ta cần một khoảng lắng để nghĩ về mình, về nghề, về cha ông, về những điều chỉ có trời và biển mới hiểu. Và lễ tế ông cha một thuở hùng binh trên biển ra Hoàng Sa dựng mốc chủ quyền như là cơ hội để họ thăng thiên suy tư khỏi sóng nước. Cái cảm giác một lần đến dự rồi về, thật khó mà hiểu được hết cái giá trị tâm linh đó, bởi lễ không hề là chuyện đến hẹn lại lên. Có lẽ vì thế, không hề là chuyện chạy đua danh tước, lễ khao lề của cư dân Lý Sơn, nếu như quốc gia không công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thì người dân Lý Sơn vẫn làm, như đã trải mấy trăm năm. Một lễ hội lớn, hiếm hoi không chen lấn, chụp giựt.
Bà hát. Giọng biển mà thanh lạ. Một anh ở ngành văn hóa tỉnh kể, khi bà lặn lội vào thành phố thi, hát xong, cả hội trường chết lặng vì ngạc nhiên. “Cô biết hát từ lúc mẹ đẻ em cho bồng, khóc quá, nghe mẹ ru rồi hát theo”. Câu ru này đã tồn tại từ lâu lắm rồi, từ những bà già quê sau lũy tre làng, “Cô mất đi thì ở đây không còn ai hát đâu. Con gái cô làm phòng văn hóa huyện hát cũng không được”. Bà nói trong quãng nghỉ. Mọi người cố lắng nghe có tiếng thở dài không. Không có. Nhưng không phải. “Cách đây hơn mười năm, khi được đi vào tỉnh dự thi hát ru, cô đã nói với mấy ông làm văn hóa, là tìm mấy đứa trẻ hát được, cô truyền lại cho, nhưng không ai nghe”. Gió lọt kẽ mành qua mấy vạt hành non. Hình như đây mới là tiếng thở dài. “Ở Lý Sơn, đàn bà quanh năm chờ chồng đi biển về, đi gần thì không lo, nhưng đi Hoàng Sa là cả tháng trời, vợ ở nhà ăn ngủ chập chờn. Ngày xưa, tháng Hai, Ba gió nồm là đi, đến tháng Tám mới về. Đi đánh cá chuồn, lỡ có trôi thuyền qua tận nước nọ nước kia cũng về được, chứ đánh cá lớn ở Hoàng Sa là cam go. Cho nên, khi con chim tu hú kêu vào hạ, cá chuồn đã hết mùa, mà nỗi mong chờ vẫn ngụp lặn trong giấc ngủ “đến mùa tu hú kêu thăm, cá chuồn đã mãn sao anh chưa về”. Mấy người xúm quanh ngồi thừ ra, rồi năn nỉ bà hát lại để ghi. Bà cười: “Dễ mà, lúc nào cô hát cũng được”.
Ai muốn nghe hát ru ở Lý Sơn thì đến gặp bà Đỗ Thị Hảo. Một lần ra đảo, ngồi tàu cao tốc mở nhạc trẻ điếc tai, có anh bạn ngành văn hóa than, đừng tưởng tất cả những gì về văn hóa phi vật thể ở Lý Sơn còn nhiều. Nếu không ra tay kịp thì mai này tỉnh ra đã muộn, người như bà Hảo, chỉ có một. “Cô nay đã 67 tuổi rồi, bắt đầu quên nhiều câu hát ông bà truyền lại, đâu có thời gian mà luyện để nhớ”. Bà như bao người đàn bà miền biển, sống với sóng nước, nhớ mong chồng con, phập phồng trong âu lo, mắt lúc nào cũng như có khói sóng. Chồng đi biển, đau ốm nặng, chạy chữa nhiều khiến gia đình bà kiệt quệ. Bà vừa thôi kiêm thêm việc cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình của xã. “Gần gũi chị em, mình đã khổ, biết thêm tâm sự họ, cái cực như thấm nặng hơn”.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng niệm những binh phu theo lệnh vua ra khai thác quần đảo Hoàng Sa cách nay hàng thế kỉ (Ảnh BienDong.Net)
“Người ta mời đi hát để kiếm cái bằng khen, xong, ra về, còn lại mình hát mình nghe. Cô nói bao nhiêu lần, cái này là của cha ông mình, không phải tôi nghĩ ra đâu, cha ông sinh ra thì con cháu phải dưỡng, sau này biết mà truyền lại, nhưng hình như họ sao ấy…”. Bà nhắc lần nữa và cười mà nghe như có muối. Đàn bà miền biển ăn gió nói sóng nhưng khi đề nghị phát biểu là ấm ớ, mặt đỏ bừng rồi xua tay cười tìm chỗ lủi. Bà thì khác. Trời cho dáng nhẹ, giọng thanh. “Vui nhưng khổ. Mỗi lần nghe ai đó chết ở Hoàng Sa, quen miệng lại hát, ngó qua thì thấy vợ con nó khóc, đứt ruột. Đây này: “À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta”. Thuở đó, người đi mấy người về hả mấy chú, nên mới có câu: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Bà lại hát: “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua nên phải quyết lòng ra đi”. Mà cha ông đâu chỉ dạy vậy. Bao người đã chết để con cháu sống, để bờ cõi tạc ghi. “Đúng đó, ơn nghĩa cha ông, bao người trước mình quên thân để có hôm nay, nên mới có câu: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.
Bà dừng hát, hạ giọng: “Nhưng câu hát buồn thì nhớ nhiều”. Mắt bà sáng bừng đến lạ, quay nhìn ra ngõ. Chợt nghĩ, sao người ta không dựng tượng đàn bà chờ chồng trên biển? Hãy về đó và nhìn vào mắt họ, mắt của những người gánh cực khổ từ miếng cơm manh áo và bi kịch hôn nhân từ những chuyến đi định mệnh của chồng con, hẳn sẽ có một bức tượng để đời. Nhìn kỹ, nước mắt họ đã hóa thành muối mặn, trắng như bọt sóng, như tóc họ phai theo tháng năm… Bà phá im lặng: “Mỗi lần ông Hồ Cương Quyết (tên Pháp là André Menras – PV) ra đây đều ghé thăm cô”. Thì ra, câu hát của bà là một trường đoạn trong phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát“ của tác giả người Pháp này. Mấy người bảo cô tìm cái võng với đứa con nít, ru để con quay video đi, bà lại cười “muốn gì cũng được” rồi hát “à ơi – tao nôi đứt đoạn, thiếp mất chàng từ đây”.
Chào bà ra về, bà hát tiễn: “À ơi – Đưa chàng xuống bến gió lay/Gió thì mặc gió, thiếp đây không phụ chàng”. Và chợt hiểu thêm một lần nữa những gì đang chảy trong mạch máu người đàn bà biển khi quyết lấy chồng mà “hồn treo cột buồm”: Hy vọng! Chính điều đó đã nâng bước họ đi qua phong ba…
BDN (theo báo Phụ nữ)