Biendong.net – Trong các ngày gần đây, với giọng điệu hiếu chiến, báo chí Trung Quốc, trong đó có tờ Thời báo Hoàn Cầu lại có bài cảnh cáo đích danh Việt Nam cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rằng các quốc gia này “cần chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác” nếu như vẫn tiếp tục đối chọi với Trung Quốc.
Tờ báo này cũng cho rằng các nước nói trên đang lợi dụng “lập trường ngoại giao ôn hòa” của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình trên Biển Đông. Để hiểu rõ hơn về lập trường của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông, Biendong.net trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết của ông Hoàng Trường đăng trên báo Đại Đoàn kết số thứ 7, nội dung như sau:
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 11 đến 15-10-2011), Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Thỏa thuận). Việc ký kết Thỏa thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp. Nội dung Thỏa thuận còn một số điểm chưa thật sự rõ ràng, song có thể nói Thỏa thuận đã xác định được một số nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Để hiểu và có cách nhìn đúng đắn về những nội dung của Thỏa thuận vừa được ký kết, chúng ta hãy đi sâu phân tích những nội dung chính của Thỏa thuận.
Một là, nội dung về tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông nêu tại điều 2 của Thỏa thuận đã xác định căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng vì nó sẽ là cơ sở pháp lý để hai bên đi vào trao đổi giải quyết vấn đề trên biển. Nếu hai bên tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này thì nhất định sẽ tìm ra được giải pháp công bằng hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc. Ảnh: Internet.
Trong điều 2 của Thỏa thuận cũng nêu rõ “cần tôn trọng đầy đủ các chứng cứ pháp lý” nghĩa là những bằng chứng, tài liệu mang tính pháp lý sẽ được lấy làm cơ sở chính để giải quyết các tranh chấp, còn các yếu tố khác như lịch sử, địa hình… sẽ được xem xét như một yếu tố bổ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc giải các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên thế giới. Thực tiễn giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ cho thấy yếu tố lịch sử cùng với các yếu tố liên quan khác như địa hình, quản lý trên thực tế chỉ được tính đến một khi các chứng cứ pháp lý chưa rõ ràng. Với nội dung này thì những văn bản pháp lý về chủ quyền của các Nhà nước phong kiến Việt Nam như các Châu bản, Sắc chỉ… sẽ là những tài liệu hết sức quý giá khi giải quyết vấn đề quần đảo Hoàng Sa vì đây là những tài liệu thể hiện rõ sự quản lý của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Yếu tố lịch sử ở đây không có nghĩa là nói về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì trong lịch sử chưa bao giờ Trung Quốc có sự quản lý trên thực tế đối với “đường lưỡi bò”, hơn thế nữa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không nhận được sự ủng hộ của bất cứ nước nào.
Hai là, điều 3 của Thỏa thuận nêu rõ “trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. DOC là văn kiện quan trọng được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó đã đưa ra nhiều quy định (gồm: tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông; kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định; cam kết tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin; có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và quan trọng nhất là quy định về việc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông) mà các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, do vậy việc thực hiện nghiêm túc các nội dung DOC là trách nhiệm của mỗi bên tham gia ký kết.
Ba là, một nội dung hết sức quan trọng thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về phương thức giải quyết vấn đề trên biển là cả song phương lẫn đa phương đã được ghi nhận trong điều 3 của Thỏa thuận là “đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác”. Điều này có nghĩa là Việt Nam – Trung Quốc chỉ có thể giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa hai nước, như tranh chấp Hoàng Sa, cửa vịnh Bắc Bộ, không thể giải quyết các tranh chấp liên quan đến các bên khác, như vấn đề Trường Sa. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một văn bản chính thức trong đó nói rõ tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì phải trao đổi ý kiến với các bên đó. Nội dung này của Thỏa thuận đã mở ra khả năng về giải quyết đa phương tranh chấp ở Biển Đông. Điều này là phù hợp với quan điểm chung của các nước trong và ngoài khu vực, phù hợp với thực tế tranh chấp ở Biển Đông và phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Vấn đề Biển Đông hết sức phức tạp liên quan đến lợi ích của nhiều nước, nhiều bên. Với nội dung này trong điều 3 của Thỏa thuận, chúng ta có thể hiểu rằng đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thì những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc như vấn đề phân định vùng biển chồng lấn ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vấn đề quần đảo Hoàng Sa sẽ được trao đổi giải quyết song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc; vấn đề quần đảo Trường Sa sẽ phải bàn bạc giải quyết giữa các bên liên quan trong tranh chấp; vấn đề duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông cần phải trao đổi bàn bạc giữa tất cả các bên liên quan và có lợi ích trong vấn đề này.
Bốn là, một nội dung đáng chú ý trong Thỏa thuận là tại điều 4 hai bên xác định “trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, hai bên bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thoả thuận này”.
Với nội dung này, hai bên đã đưa ra khả năng về một giải pháp mang tính quá độ đối với các khu vực tranh chấp, bao gồm cả việc hợp tác cùng phát triển theo nguyên tắc đã nêu ở điều 2 của Thoả thuận, nghĩa là căn cứ vào luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác cùng phát triển là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Dàn xếp tạm thời về “hợp tác cùng phát triển” được khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Theo đó, các quốc gia khi chưa tìm được giải pháp phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì có thể thoả thuận về các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn; các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng. Trên thế giới đã có nhiều thoả thuận về các dàn xếp tạm thời “hợp tác cùng phát triển” dưới nhiều hình thức và trong các lĩnh vực khác nhau (nghề cá, dầu khí…). Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có: Hiệp định về khai thác chung Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1974 ở khu vực biển chồng lấn giữa hai nước; Hiệp định về phát triển chung vùng biển chồng lấn ở Biển Đông Timor giữa Úc và Indonesia năm 1989. Năm 1992, Việt Nam cũng đã ký với Malaysia Thoả thuận về khai thác chung dầu khí tại 01 khu vực biển chồng lấn giữa hai nước và đến nay đang được triển khai.
Thoả thuận đã cho thấy thái độ và tinh thần hợp tác nhằm duy trì hoà bình ổn định trên biển. Một điều cần nhấn mạnh trong nội dung này là điều 76 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng quy định rõ mỗi quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thậm chí có thể mở rộng ra đến 350 hải lý. Như vậy, giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác cùng phát triển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu của mỗi quốc gia ven biển. Do vậy, hợp tác cùng phát triển chỉ có thể được thực hiện ở những khu vực thực sự có tranh chấp ngoài thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Ngoài ra, Thoả thuận đã nêu ra một số nguyên tắc khác là giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Hai bên cũng đã nhất trí cơ chế gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ 2 lần/năm; thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thoả đáng vấn đề trên biển.
Kết quả đàm phán luôn là một sự dung hoà của các mối lợi ích để tìm ra tiếng nói chung mà hai bên đều có thể chấp nhận được chứ không thể đòi hỏi chỉ giành phần thắng lợi về mình. Nội dung Thoả thuận về cơ bản đã đảm bảo được những nguyên tắc lớn trong quan điểm lập trường của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc DOC nhằm duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cả song phương lẫn đa phương; hợp tác cùng phát triển phải phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nghĩa là tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
Tóm lại, với những nội dung phân tích trên đây thì việc ký kết Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bàn bạc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, công việc tiếp theo sẽ còn hết sức khó khăn. Để có thể tìm kiếm một giải pháp quá độ tạm thời hay giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, nhất là cần thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc đã được xác định trong Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Mặt khác, vấn đề Biển Đông là vấn đề nhạy cảm được cả cộng đồng quốc tế quan tâm, do vậy trong quá trình giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan ở Biển Đông, cần thực hiện công khai hoá, minh bạch hoá. Việc đăng toàn văn Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ngay sau khi ký kết là cách làm đúng đắn, cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Long Đặng