Bắc Kinh nên giảm bớt nỗ lực tuyên truyền nhằm thay đổi cách nói của nhiều nước về đại dịch COVID-19 và kiểm soát tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vì những nỗ lực này có thể phản tác dụng và ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Trung Quốc, các chuyên gia và cựu cán bộ ngoại giao của chính Trung Quốc đánh giá.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao được gọi là “Chiến binh sói” (được đặt tên theo một bộ phim về chủ nghĩa dân tộc mà nhiều người Trung Quốc yêu thích).
Trong tuần qua, Chính phủ Pháp đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối bài viết đăng trên trang web của cơ quan này có nội dung nói rằng nhân viên các viện dưỡng lão của Pháp đã bỏ việc, khiến người già sống trong đó phải chịu đựng bệnh tật và thiếu ăn.
Quan hệ hữu nghị với châu Phi mà Bắc Kinh luôn ca ngợi cũng rơi vào khủng hoảng sau khi xuất hiện nhiều bài báo về tình trạng người châu Phi ở Quảng Châu bị đối xử không đúng mực.
Bắc Kinh đang gặp phải một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng ở châu Phi sau khi những bài báo về tình trạng kỳ thị người châu Phi ở Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 gây phẫn nỗ trên khắp lục địa đen.
Hiếm khi các nhà quan sát ở Trung Quốc đưa ra cảnh báo thẳng thừng về chiến thuật của nước mình, đặc biệt từ khi Trung Quốc tích cực khẩu chiến với Mỹ và các đồng minh phương Tây trong 2 năm qua.
Nhưng PGS Shi Zhan, Giám đốc Trung tâm chính trị thế giới tại ĐH Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc trong đội ngũ cán bộ ngoại giao của nước này đặc biệt nguy hiểm vì sẽ gây ra tình trạng mất lòng tin và khiến các nước phương Tây tránh xa Trung Quốc.
Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mất lòng tin và uy tín còn gây hại hơn cả vấn đề suy giảm nhu cầu hàng hoá và mất đơn hàng, PGS Shi nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng Zhisland.com.
Ông nói rằng những phát biểu như của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhằm làm chệch hướng những chê trách về chất lượng khẩu trang và các hàng y tế khác của Trung Quốc chỉ phản tác dụng.
“Đối với người nước ngoài, ông Triệu nói như thể đang sử dụng khẩu trang để đe doạ và nó sẽ ngay lập tức trở thành một vấn đề an ninh nếu khẩu trang bị vũ khí hoá”, ông Shi nói.
Nhà nghiên cứu này cũng cảnh báo thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới.
“Những lời nói làm gia tăng ngờ vực và đối đầu sẽ gây tổn hại cho ngành sản xuất của Trung Quốc hơn cả virus. Cách sử dụng các chiến binh sói là không bền vững vì càng nói nhiều thì bạn càng bị tránh xa”, ông Shi nói.
Phát biểu tại một hội thảo ở Bắc Kinh ngày 15/4, Cheng Tao, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mali và Morocco, nói rằng dù hoạt động viện trợ y tế của Bắc Kinh có ý định tốt nhưng hiện có rất nhiều chỉ trích Trung Quốc từ khắp thế giới, trong đó có cả các nước châu Phi.
“Để hiểu và chuẩn bị hứng những quan điểm chua cay về Trung Quốc, chúng ta phải có đánh giá hợp lý và chính xác về chính mình và vị trí của mình trên thế giới. Đó là điều quan trọng nhất để chúng ta hiểu về những hạn chế của chính mình”, tạp chí Caixin dẫn lời ông Cheng.
Cựu cán bộ ngoại giao này nói rằng COVID-19 nên được coi là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với chính phủ và người dân Trung Quốc trong thế giới ngày càng hỗn loạn này, khi Trung Quốc đang đối mặt với một đòn kinh tế khủng khiếp và sự cạnh tranh gia tăng từ Mỹ và đồng minh.
Nói đến thay đổi trong hành vi và phát biểu của nhiều nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc, ông Cheng cảnh báo nên thận trọng với những phát ngôn giật gân, vênh vang và hả hê trước tình cảnh của nước khác. Ông Cheng nói rằng những điều này “không giúp ích gì, mà sẽ quay lại ám chính chúng ta”.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, bênh vực ngoại giao kiểu chiến binh sói. Trong bài viết đăng ngày 16/4, tờ này gọi đó là kết quả tự nhiên từ “thay đổi sức mạnh của Trung Quốc và phương Tây”.
Báo này nói rằng so với giọng điệu ngoại giao nhu mì trước đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên sắc sảo hơn, bớt tế nhị hơn trước những lời chỉ trích cũng như bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Một số ý kiến khác cũng cho rằng Trung Quốc phải bảo vệ mình một cách mạnh mẽ khi các chính trị gia ở các nước khác thúc ép Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho đại dịch hiện nay.
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc phải có “tinh thần chiến đấu”, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên quyết liệt hơn trên vũ đài thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh thường sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong các vấn đề chiến tranh thương mại, biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong hay số phận tập đoàn viễn thông Huawei.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng kích thích chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt khi kết hợp với chủ nghĩa cơ hội trong thời buổi dịch bệnh, sẽ là con dao hai lưỡi, dễ dàng phản chủ và khó dẫn đến những quyết định ngôn ngoan và hợp lý.
Wu Sike, cựu đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập và Ả-rập Xê-út, nói rằng Bắc Kinh cần cẩn thận trước những quan điểm chỉ trích từ các nước bạn bè, như Iran.
“Chúng ta cần tỉnh táo vì có cả những tiếng nói và nhận thức khác nhau từ các nước bạn bè”, ông Wu nói.
Ông này xác nhận thông tin trên báo chí về mâu thuẫn ngoại giao hiếm thấy giữa Tehran và Bắc Kinh vào đầu tháng này.
Trên Twitter, Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của số liệu chính thức do Trung Quốc đưa ra về COVID-19, đặc biệt là số người tử vong khá thấp. Ông Jahanpur gọi đây là “trò đùa cay đắng”. Nhưng ông đã xoá đoạn tweet này sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Tehran Chang Hua lên tiếng phản đối.
Theo ông Wu, ông Jahanpur không phải người duy nhất ở Iran thất vọng với Bắc Kinh vì virus corona, mà một số nghị sĩ Iran cũng đã lên tiếng bày tỏ không hài lòng.
“Nhưng chúng ta không thể để mối quan hệ tương đối tốt với những nước đó bị ảnh hưởng chỉ vì quan điểm chỉ trích. Đó là nền tảng thực sự cho ngoại giao của Trung Quốc”, ông Wu nói.