Vụ 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở khu công nghiệp Laydaya, thành phố Yangon, Myanmar bị cướp bóc và đốt phá chiều 14/3 đang khiến căng thẳng tăng cao tại nước này.
Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đưa tin, tính đến chiều ngày 15/3 (giờ địa phương), vụ đập phá đã gây thiệt hại cho 32 công xưởng do Trung Quốc đầu tư hoặc liên doanh, làm hai nhân viên người Trung Quốc bị thương, không có trường hợp tử vong. Thống kê chưa đầy đủ ước tính thiệt hại về tài sản lên đến 240 triệu nhân dân tệ (gần 37 triệu USD).
Reuters cho hay trong ngày xảy ra vụ việc đã có ít nhất 22 người biểu tình Myanmar thiệt mạng trong tình trạng hỗn loạn ở khu công nghiệp Laydaya, trong khi 16 người biểu tình cùng 1 cảnh sát bị tử vong tại những địa điểm khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chiều 15/3 chỉ trích vụ tấn công vào các nhà xưởng Trung Quốc “có tính chất hết sức ác liệt” và kêu gọi giới chức Myanmar hành động để ngăn chặn bạo lực, bảo đảm an toàn cho tài sản và công dân Trung Quốc.
Nghi ngờ tấn công có tổ chức nhằm vào người Trung Quốc
Hình ảnh từ hiện trường mà Red Stars News (Trung Quốc) nhận được cho thấy tình trạng “thảm khốc” ở khu công nghiệp Laydala. Công dân Trung Quốc họ Li tiết lộ với trang này rằng nhiều người Trung Quốc ở bản địa nhận thấy vụ tấn công hôm 14/3 là một âm mưu có tổ chức.
Li cho hay, trước vụ việc một ngày, vào hôm 13/3 đã xuất hiện tin đồn trong cộng đồng người Hoa về việc các nhóm người Myanmar mang theo dao đi lại trong khu công nghiệp ở Yangon.
“Bọn họ nắm rất rõ chiếc xe nào là xe của nhà máy Trung Quốc, chủ sở hữu là người nào. Mọi người cho rằng nhóm này chỉ có ý định tranh thủ tình trạng hỗn loạn để cướp bóc hoặc chặn xe lừa đảo, ch nên tất cả đều nhắc nhở nhau cẩn trọng khi ra ngoài,” cô Li nói.
Li mô tả, các nhà xưởng do Trung Quốc đầu tư bên trong khu công nghiệp Laydaya nằm khá tập trung với nhau và những người Trung Quốc mà cô quen biết đều làm việc ở đây.
“Tuy nhiên trật tự trị an ở địa phương không tốt, các nhóm xã hội đen rất nhiều,” Li nói, bổ sung rằng hầu hết công xưởng vẫn hoạt động bình thường trước vụ 14/3 và không bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình ở Myanmar thời gian qua.
Lời đe dọa đáng sợ
Theo Red Stars, cho đến sáng ngày 14/3 – vài giờ trước vụ tấn công, trong nhóm người Trung Quốc ở khu công nghiệp Laydaya bắt đầu lan truyền thông tin “có người nói rằng chỉ cần có một dân thường bị giết hại thì họ sẽ đốt một nhà xưởng Trung Quốc”.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) phát hiện vào hai ngày trước vụ tấn công, trên mạng xã hội bản địa đã xuất hiện lời đe dọa nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo đó, tài khoản Twitter “tích xanh” Kyaw Win – được xác nhận là người sáng lập kiêm điều hành Mạng lưới nhân quyền Myanmar (BHRN) – phát đi cảnh báo vào ngày 12/3 (giờ địa phương) đến chính quyền quân sự Myanmar rằng “Nếu có một dân thường bị giết thì một nhà máy Trung Quốc sẽ hóa thành tro bụi”.
Dòng tweet này có số lượt chia sẻ rất lớn. BHRN được xác thực là tổ chức thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại London, Anh.
Trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cũng bị tấn công bởi làn sóng hàng chục nghìn bình luận tiêu cực bằng tiếng Myanmar.
Li nói với Red Star News, vụ việc bắt đầu từ trưa ngày 14/3 khi một công xưởng Trung Quốc bị phóng hỏa, trên mạng xã hội sau đó đã xuất hiện nhiều video trực tuyến nhiều nhà xưởng khác bị đốt cháy. “Cho đến tận 1h sáng nay (15/3) vẫn còn nhà xưởng đang cháy,” cô kể lại.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, những người phóng hỏa sử dụng xe mô-tô, mang theo gậy sắt, rìu và các thùng dầu xông vào công xưởng, đánh đập và đe dọa các nhân viên trước khi đốt lửa.
Li nói rằng có trường hợp công xưởng bị 80 người mang dao xông vào đập phá. Trên các nhóm WeChat của người Trung Quốc phát đi thông tin rằng những kẻ bạo loạn không chỉ cướp phá nhà xưởng mà còn “gặp người Trung Quốc là đánh”.
“Khi xảy ra bạo loạn, nhân viên ở xưởng của bạn tôi bị tập kích trên đường về xưởng, dao bay vào trong xe, xe cũng bị đập nát,” Li mô tả.
Li cho biết thêm, một khách sạn do người Trung Quốc làm chủ ở bản địa cũng bị tấn công vào khoảng 23h ngày 14/3, khi đó có khá nhiều người Hoa đang có mặt. Tuy nhiên, số phận cơ sở này đến nay chưa rõ bởi “Myanmar cắt mạng Internet vào 1h sáng”.
Phản ứng với người Trung Quốc gia tăng tại Myanmar
Theo Strait Times (Singapore), tâm lý tiêu cực nhằm vào Trung Quốc đã leo thang tại Myanmar sau vụ chính biến ngày 1/2, với việc quân đội Myanmar nắm quyền kiểm soát đất nước và bắt giữ nhiều lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Những người phản đối chính biến cho rằng Trung Quốc đang không lên án quân đội Myanmar đủ mạnh mẽ như phương Tây đang làm. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu nói rằng Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy xử lý cuộc khủng hoảng Myanmar một cách hòa bình và tuân theo luật pháp, trên cơ sở không can dự một cách nghiêm trọng vào tình hình Mynamar.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Bắc Kinh chỉ trích quân đội Myanmar, đồng thời áp đặt cấm vận với lực lượng này. Trung Quốc bác bỏ vì cho rằng yêu cầu này không phù hợp với lập trường của họ.
Ủy ban Quản lý Quốc gia Myanmar tối 14/3 đã tuyên bố mở rộng thiết quân luật tại Yangon, trao quyền lực hành chính và tư pháp cho chỉ huy quân sự khu vực Yangon.