Sau vụ việc tàu chiến Trung Quốc va chạm với tàu Impeccable của Mỹ ở Biển Đông tháng 3/2009, cạnh tranh Trung – Mỹ trên vấn đề Biển Đông ngày càng quyết liệt hơn. Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc còn Mỹ tuyên bố có “lợi ích quốc gia” trong bảo đảm tự do hàng hải, duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông và đẩy mạnh chính sách “quay trở lại Châu Á – Thái Bình Dương”.
Lợi dụng tình thế Mỹ còn đang có khó khăn về kinh tế và rắc rối ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Quốc lấn tới đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông nhằm thay đổi cục diện hiện nay giành thế áp đảo ở Biển Đông, thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động theo hướng ngày càng leo thang: tháng 5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức cho lưu hành bản đồ vẽ yêu sách “đường lưỡi bò” ra Liên hợp quốc; năm 2011, Trung Quốc quấy rối hoạt động khảo sát của tàu Philippines trên thềm lục địa của Philippines gần khu vực bãi Cỏ Rong và cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam ở khu vực nằm sâu trên thềm lục địa Việt Nam; năm 2012, Trung Quốc gây ra tranh chấp kéo dài với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” và ra sức củng cố cơ quan hành pháp, lập pháp, quân sự hóa thành phố Tam Sa; vạch ra 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam để gọi thầu khai thác, trong đó có khu vực Exxon Mobil của Mỹ đang hợp tác với Việt Nam; tăng cường diễn tập quân sự quy mô lớn với sự tham gia của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải; đưa nhiều tàu hải giám, ngư chính diễu võ dương oai ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò”; đưa hàng ngàn tàu cá ào ạt xuống Biển Đông hoạt động với sự yểm trợ của các tàu ngư chính cỡ lớn….
Lúc đầu Mỹ cũng phản ứng có mức độ, chủ yếu bày tỏ lo ngại và kêu gọi một cách chung chung giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng nguyên tắc đất thống trị biển… Ngay cả tại Hội nghị ARF 19 và EAS ở PhnomPenh tháng 7 vửa qua, Mỹ cũng không phê phán đích danh Trung Quốc mà Ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ bày tỏ phản đối một cách gián tiếp “tránh sự ép buộc, dọa dẫm, đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp” ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thấy được giới hạn trong các hành động của mình mà tiếp tục lấn tới, dồn dập triển khai các bước “quân sự hóa Tam Sa” và thành lập cơ quan hành chính tại khu vực này, bất chấp dư luận quốc tế và sự lên tiếng từ chính phủ Mỹ. Ngày 3/8/2012, Chính quyền Mỹ đã chính thức tuyên bố rằng việc thành lập “thành phố Tam Sa” và việc quân sự hóa “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là đi ngược lãi những nỗ lực ngoại giao tập thể để giải quyết bất đồng và càng làm tăng nguy cơ căng thẳng trong khu vực. Đặc biệt, trong Nghị quyết 524 của Thượng viện Mỹ còn đề cập trực tiếp đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lâu nay Mỹ thường tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với Tuyên bố chính thức ngày 3/8/2012 về vấn đề Biển Đông, Mỹ đã hậu thuẫn cho các nước Việt Nam và Philippines trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Những động thái này cho thấy dường như Mỹ đang có sự điều chỉnh quan điểm và có cách tiếp cận mới trong vấn đề Biển Đông; chuyển từ phê phán gián tiếp, ngầm ủng hộ các nước nhỏ ven Biển Đông trước người khổng lồ Trung Quốc sang mạnh mẽ phê phán trực diện Trung Quốc và công khai ủng hộ các nước Việt Nam, Philippines.
Vì sao Mỹ phải ra tay? Nguyên nhân chính là những hành động lấn lướt ở Biển Đông đã động chạm đến lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Mỹ nhận ra rằng nếu không ra tay thì Trung Quốc sẽ tiếp tục hoành hành để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực; nếu Mỹ không hành động kịp thời thì sẽ chậm chân và không còn dư địa để bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. Hơn thế nữa, với tư thế một siêu cường Mỹ không thể chấp nhận để Trung Quốc hành động ngang nhiên, không thèm đếm xỉa đến những lợi ích và quan tâm của Mỹ.
Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt trước Tuyên bố chính thức ngày 3/8/2012 về vấn đề Biển Đông của Chính quyền Mỹ, Ngay trong ngày hôm sau (4/8/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu hồi Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh lên phản đối nghiêm khắc; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu cho rằng Tuyên bố 3/8 của Mỹ là “không quan tâm đến sự thực, không phân biệt phải trái”, đồng thời ngạo mạn nói rằng “năm 1959, Trung Quốc đã thành lập Văn phòng quần đảo Tây, Trung, Nam Sa trực thuộc Quảng Đông…”.
Vậy tình hình ở Biển Đông đang diễn biến thực tế ra sao? Như đã nêu ở trên Trung Quốc đang thực sự đẩy mạnh một cách toàn diện các hoạt động lấn lướt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông; cụ thể ở đây là Việt Nam, Philippines đã trở thành nạn nhân chính của các hành động khiêu khích, ngang ngược này; sự thực là Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò’, tiến tới khống chế kiếm soát toàn bộ Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hầu hết các nước trong và ngoài khu vực không còn ảo tưởng về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” như họ vẫn rêu rao bấy lâu nay mà tất cả đều nhận thức rõ về một “nguy cơ” của chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh đang hiện hữu. Người phát ngôn Trung Quốc còn lớn tiếng chất vấn tại sao Mỹ không phản đối hoạt động của các nước khác mà lại chỉ trích Trung Quốc. Thử hỏi tình hình căng thẳng ở Biển Đông vừa qua là do ai? Chính Trung Quốc là kẻ vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông mà lại còn dám chất vấn người khác? Từ những hành động bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã khiến Mỹ phải lên tiếng ủng hộ Việt Nam và Philippines trên vấn đề Biển Đông.
Người phát ngôn của Trung Quốc còn đổ lỗi cho các nước “khiêu khích”, “phá hoại nguyên tắc và tinh thần cơ bản của DOC”, “gây ra khó khăn cho việc xây dựng COC”. Với những hành động vừa qua ở Biển Đông, chính Trung Quốc là kẻ phá hoại DOC. Trong một năm qua, các nước ASEAN đã nỗ lực để xây dựng những thành tố của COC và tại Hội nghị AMM-45 các nước đã thông qua nội dung những thành tố của COC, sẵn sàng cùng Trung Quốc thảo luận về COC, nhưng Trung Quốc đã trì hoãn việc cùng các nước ASEAN thảo luận về COC, đổng thời nói rằng “sẽ đàm phán về COC vào một thời điểm thích hợp”. Vậy ai là người gây khó khăn cho việc xây dựng COC thì mọi người đều đã rõ.
Ngay Mỹ và các nước khác đều hoan nghênh và kêu gọi Trung Quốc sớm trao đổi để đi đến thống nhất với ASEAN về COC tạo cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp, duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Vậy mà Trung Quốc lại đổ vấy cho ai gây khó khăn cho việc xây dựng COC?
Trước những phản ứng của Trung Quốc đối với Tuyên bố ngày 3/8 của Mỹ về vấn đề Biển Đông, ngày 7/8/2012, Quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell lại lên tiếng khẳng định: Tuyên bố về Biển Đông ngày 3/8 là một Tuyên bố toàn diện, đề cập một cách rất rõ ràng chính sách và quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông; Mỹ có lợi ích trong việc duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông; cần có một giải pháp ngoại giao hợp tác, không ép buộc ở Biển Đông. Mỹ thấy cần phải trình bày một cách rõ ràng lập trường của Mỹ do tình hình căng thẳng gia tăng gần đây.
Qua những ngôn từ trong phát biểu của Mỹ và Trung Quốc mọi người đều có thể thấy được ai đúng, ai sai và ai là người có thái độ đúng mực đối với vấn đề Biển Đông./.
Lê Thành