Monday, September 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnThế giới san hô vùng biển Việt Nam đang lâm nguy

Thế giới san hô vùng biển Việt Nam đang lâm nguy

BienDong.Net: Theo kết quả sơ bộ đợt khảo sát do nhóm Công tác Tiểu ban San hô của dự án Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tiến hành, Việt Nam có khoảng 1.222km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, với diện tích lớn nhất và tính đa dạng sinh học cao ở miền Trung và miền Nam.

Các nghiên cứu về san hô đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn tại vùng Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận, và Côn Đảo, mỗi nơi có hơn 300 loài.

 

Việt Nam có số loài san hô vào loại đa dạng nhất thế giới

Tại Việt Nam có tới 90% các loài san hô cứng của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và là khu vực có nhiều loài san hô mềm thuộc giống Alcyonaria nhất trong vùng Tây Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Theo các nhà khoa học, với số loài san hô đã được phát hiện, có thể khẳng định nhóm các loài san hô của Việt Nam vào loại đa dạng nhất thế giới.

Các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá cao độ đa dạng và phong phú của các hệ sinh thái biển của Việt Nam. Các hệ sinh thái biển này hiện đang nuôi dưỡng trên 11.000 loài sinh vật, trong đó có gần 2.500 loài cá biển, 225 loài tôm, hơn 500 loài thực vật nổi, gần 700 loài động vật nổi, gần 100 loài thực vật rừng ngập mặn, 5 loài rùa biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 43 loài chim biển.

Theo các nhà hải dương học, những rạn san hô chính là biểu hiện đầy đủ của hệ sinh thái ven biển, là nền, lá chắn cho hệ sinh thái ngoài khơi. Nếu cứ nổ mìn trên biển và tấn công san hô như hiện nay thì các loài thủy sản khác sẽ hết nơi trú ngụ và sinh sản. Theo điều tra của Viện Hải dương học, một diễn biến xấu đã và đang xảy ra đối với hệ sinh thái ven bờ ở các tỉnh Nam Trung Bộ là cùng với việc hàng loạt rạn san hô bị xóa sổ thì những thảm cỏ ven biển (có chức năng cân bằng sinh thái biển) cũng đột nhiên biến mất.

San hô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ biến mất

TS Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học VN nhận đinh: Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Những cây san hô được bày bán khắp các trung tâm du lịch biển Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… với sự phong phú về chủng loại, màu sắc. Thật là nghịch lý, ở Nha Trang, khi các nhà khoa học của Viện Hải dương học đang ngày đêm nghiên cứu vai trò của san hô với sinh thái biển, tìm cách bảo vệ nó thì ngay trước cổng Viện, các cửa hàng bày bán la liệt san hô.

Những người bán mặt hàng này ở Nha Trang cho biết, họ không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tại chỗ, mà còn cung cấp cho các nhà buôn san hô mỹ nghệ ở TP HCM và cả xuất khẩu. Một số khu bảo tồn thiên nhiên biển như: Hòn Mun (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), dân khai thác san hô cũng đột nhập vào. San hô sống thì làm đồ mỹ nghệ, san hô chết thì là nguyên liệu cho các lò nung vôi, xây đầm nuôi tôm.

Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, riêng ở vùng biển Vạn Ninh đã có ít nhất 300 người khai thác san hô chuyên nghiệp. Nhiều nhà máy xi măng chủ yếu hoạt động nhờ vào nguồn san hô. Nguy hại nhất là cách khai thác san hô, đánh bắt thủy sản bằng mìn. Các nhà hải dương học cho biết, khi đã dính mìn thì rạn san hô nào cũng tan tành. Tiếc thay chuyện này thường xuyên xảy ra trên các vùng biển nước ta.

San hô không chỉ mất đi do bị khai thác mà còn do ô nhiễm môi trường. Thảm hoạ đối với san hô không chỉ xảy ra ở vùng biển miền Trung mà cả tại Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới.
“Sau cuộc khảo sát san hô ở Vịnh Hạ Long, buồn lắm. Không còn gì để nói. San hô chết hết bao gồm cả mới lẫn cũ. Mới chết xương còn trắng. Cũ bị rong phủ gần hết”, tiến sĩ Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển, Đội trưởng Đội Cảnh sát ngầm (Viện Tài nguyên Môi trường biển), cho biết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Yết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, ở đâu rong phủ, ở đó san hô không còn đất sống. Trên nền đá cứng dưới đáy biển, san hô và rong cạnh tranh quyết liệt để lấy chỗ bám sinh sống và phát triển. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh ở Vịnh Hạ Long và xung quanh bị suy giảm nghiêm trọng. Đó là chưa kể việc mất đi con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ.

Điều tra các nguồn đánh bắt hải sản thời gian gần đây ở vùng vịnh Hạ Long và xung quanh, các nhà khoa học cũng thấy vắng bóng các loại hải sản quý như cá bướm, mú, kiếm, ốc nón, ốc tù và con tranh học, v.v… Bộ Thủy sản cho biết, sản lượng khai thác của các tàu giảm từ 1,1 tấn/sức ngựa vào năm 1985 xuống còn 0,45 tấn/sức ngựa vào năm 2000.

Năm 2000, tiến sĩ Yết cùng cộng sự từng đi khảo sát san hô ở quần đảo Cô Tô, cách bờ biển Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh 30 km, gồm khoảng 15 đảo nhỏ và ba đảo lớn. “Hồi đó, tôi còn thấy san hô vẫn tốt, độ phủ nhiều rạn san hô sống đạt trên 50%”, ông nói.

Năm 1985, hầu như chỗ nào ven đảo Hạ Long cũng đều có san hô. Đến năm 1998, mất 1/3 rạn san hô so với năm 1985. Khảo sát hồi giữa tháng 6/2007 cho thấy vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hầu như không còn san hô nữa.

Nhiều người đi nghỉ mát ở Bãi Cháy mấy năm gần đây phàn nàn nước biển nơi đây đục hơn xưa và sau khi bơi da thấy ngứa hơn trước. Trớ trêu là vịnh Hạ Long nằm trong số ba địa điểm được xếp loại có hiệu quả quản lý khá theo liêu chuẩn đánh giá của mô hình quốc tế: Cát Bà, Côn Đảo và vịnh Hạ Long.

So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, mô hình tính toán mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia). 200 điểm rạn san hô được khảo sát ở vùng biển ven bờ Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 năm qua độ phủ của san hô bị suy giảm đáng kể.

Theo ước tính, có tới chín phần mười trong số hơn 1.200 km2 rạn san hô ở Việt Nam đang hồi nguy cấp, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng tồi tệ và các nguồn lợi thủy sinh ngày càng cạn kiện. Theo TS Võ Sĩ Tuấn, “Những rạn san hô mất đi đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. Lúc đó, đừng có mơ tới chuyện làm du lịch biển bởi không ai dại bỏ tiền để lặn xuống đáy biển trơ trụi”.

Thăng Long ( theo Tuổi Trẻ, VNA và VietNamNet)

RELATED ARTICLES

Tin mới