Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngVăn hóa biển và câu hát ru làng biển

Văn hóa biển và câu hát ru làng biển

BienDong.Net: Nằm bên dòng sông Loan, gối đầu dưới chân núi Phượng, lại giáp với biển, Cảnh Dương được xem là miền quê sơn thủy hữu tình của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt nơi đây có điệu hò chèo cạn mượt mà, đằm thắm, hay câu hát ru độc đáo Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he… đã đi vào tâm thức của người dân vùng biển.

Điệu hò cầu mong mưa thuận gió hoà

Là làng biển, hàng năm, xã Cảnh Dương thường tổ chức lễ hội Cầu ngư để cầu mong mưa thuận gió hoà, thuyền chài ra khơi bình yên “cá được ruốc dày”. Theo các cụ già trong làng kể lại, ngày trước, dân làng đi biển do gió to sóng lớn thường hay mất phương hướng thì xuất hiện con cá voi to dẫn đường, dìu thuyền vào bờ an toàn. Khi ngư dân cập bờ nhưng cá voi thì mắc cạn và không trở lại được biển xanh, do đó người dân nhớ ơn cứu mạng, chôn cất cá voi tử tế, xem là một vị thần che chở cho cư dân nghề biển. Người dân Cảnh Dương lập miếu phụng thờ và tôn là Đức Ông. Cũng từ đó, hằng năm, lễ tế Đức Ông thường được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Đây cũng chính là ngày ra khơi của làng với nguyện ước Đức Ông phù hộ cho mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy khoang, cuộc sống ấm no. Trong lễ tế, hò Đức Ông với những nghi thức diễn xướng độc đáo thể hiện lòng tôn kính và tạo nên không gian thiêng. Cùng với thời gian, hò Đức Ông dần dần chuyển thành hò chèo cạn như hiện nay.

 alt

Một làng chài ven biển miền Trung (ảnh BienDong.Net)

Theo nghệ nhân Lê Thành Lộc thì hò chèo cạn ở Cảnh Dương hay còn gọi là hát bã trạo (nghĩa là vừa hát vừa nắm tay chèo), có tính mô phỏng diễn xướng nên dân gian thường gọi là hò chèo cạn. Tổ chức chèo cạn thường có con thuyền tượng trưng làm bằng tre, cót, giấy bồi được tô vẽ cẩn thận như thuyền thật, kết hình rồng, đuôi hình phượng, lòng thuyền rỗng. Hò chèo cạn thường sử dụng ba làn điệu chính là hò khoan, hò hụi và hò hí ra với đa phần là những câu lục bát, lục bát biến thể được ngắt ba nhịp, bốn nhịp theo từng làn điệu hò.

 alt

Biển quê hương: Ngư dân Phú Quốc thu hoạch cá Chích làm nước mắm đặc sản (Ảnh BienDong.Net)

Với mục đích ban đầu là cúng tế trong lễ hội cầu ngư, chèo cạn trước hết được xem là một loại hình văn nghệ dân gian mang tính chất nghi lễ. Làng tôi mở hội cầu ngư/Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng Giêng/Khấn trời lạy đất bốn phương/Mưa hoà gió thuận cầu mong Đức Bà/Đức Ông trong cõi tâm linh/Thành tâm phụng sự cổ kim lưu truyền/…/Đức Bà muôn thuở hiển linh/Đức Ông thượng thọ giúp dân tháng ngày/Nhang thơm một nén hương bay/Thành tâm khấn vái tổ tiên bao đời/Tôm nhiều cá lắm biển khơi/Sớm hôm giăng lưới buông chài bình yên…

Nằm trên bờ sông Loan, làng Cảnh Dương như một con thuyền neo bồng bềnh giữa ba bề sông, biển. Sông Loan núi Phượng hữu tình, ngoài khơi xa hòn La, hòn Nồm, hòn Cỏ… Người dân nơi đây tự hào về cảnh đẹp như vẽ của quê hương mình.

Sông Loan núi Phượng hữu tình

Bảng vàng ấn ngọc phân minh châu về.

Giọng hò cất lên từ sâu thẳm tâm hồn người Cảnh Dương với niềm tự hào vô bờ bến về quê hương, qua đó người nghe như cảm thấy được hương vị của gió, của biển, của lòng người dân biển bao la khoáng đạt. Người con Cảnh Dương đã sáng tác bao lời ca ca ngợi cảnh đẹp quê hương được truyền miệng cho nhau, lâu dần bổ sung thêm vào bề dày kho tàng chèo cạn.

Ngọt ngào câu hát ru

Cùng với những nét độc đáo trong hò Đức Ông hay chèo cạn, hát ru ở Cảnh Dương cũng có từ ngày thành lập làng đến nay, nghĩa là đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Hát ru Cảnh Dương không chỉ giống như các làng quê khác là mẹ ru con, bà ru cháu mà nét đặc sắc của hát ru ở Cảnh Dương là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em… Ngoài ra, những câu hát ru ngọt ngào, đầm ấm như thường lệ được bắt đầu từ à ơi… ơi à… ru hởi… ru hời thì hát ru ở Cảnh Dương lại có một làn điệu riêng: Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he…

 alt

Nghệ nhân Lê Thành Lộc, người đang lưu giữ, hát được nhiều làn điệu chèo cạn ở Cảnh Dương (Ảnh ĐĐK)

Lý giải về giai điệu độc đáo này, nhiều cụ già ở Cảnh Dương cho rằng có lẽ do đây là vùng quê biển, trước đây có nhiều gia đình vạn chài sinh sống trên những con thuyền bập bềnh sông nước quanh năm nên tiếng hát, tiếng ru không thể nhẹ nhàng mà nó phải nặng hơn, để át được tiếng sóng vỗ ì ầm, khi đó đứa trẻ thơ mới có thể nghe rõ từng lời hát để cảm nhận và cùng với cánh tay êm ái của người ru đi vào giấc ngủ.

Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hoá miền biển, dùng nhiều tiếng địa phương chỉ nghề chài lưới, chỉ có người đi biển mới hát những lời ru ấy, bằng thực tế cuộc sống của chính mình, bằng tình yêu thương vô bờ bến với gia đình, làng quê Sáng ra lên núi đốt than/Chiều về xuống biển, đào hang bắt còng/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/Lấy anh thấy đói em đừng lo/Tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/Trông ra ngoài biển lu mù/Thấy anh câu đục câu đù em thương…

Bây giờ điệu hát ru ở Cảnh Dương đang dần bị mai một, tiếng ông ru cháu, cha ru con, anh ru em ngày nào ngày một thưa vắng, không còn giữ được chất dân gian, mộc mạc trữ tình, đằm thắm đã nuôi dưỡng mạch nguồn tâm hồn biết bao nhiêu con người Cảnh Dương. Đó là điều khiến những người làm công tác văn hoá văn nghệ ở đây trăn trở và nhất là các cụ già, những người còn nhớ nhiều về những làn điệu hát ru độc đáo này…

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới