Friday, April 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửĐồn đoán số phận Giang Trạch Dân trong chiến dịch "đả hổ"

Đồn đoán số phận Giang Trạch Dân trong chiến dịch “đả hổ”

Chính điều này khiến cho giả thuyết về việc Giang Trạch Dân là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình khởi xướng ngày càng gần với sự thật hơn.

Hai cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (phải) và Hồ Cẩm Đào (trái).

Mới đây, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc có bài viết phê phán tình trạng các vị cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc sau khi về hưu vẫn cố tham gia vào việc triều chính thông qua tay chân thân tín được cài lại trong bộ máy. Bài báo này được cho là nhắm tới ông Giang Trạch Dân, càng làm dấy lên tin tức vị cựu chủ tịch này đang bị kiểm soát và phải đối mặt với nhiều áp lực chính trị.

Cài cắm phụ tá nhằm duy trì ảnh hưởng

Bài báo viết: “Rất nhiều lãnh đạo Đảng của chúng ta khi rời khỏi vị trí của mình luôn có hành xử đúng đắn, phù hợp. Họ không bao giờ can thiệp vào công việc của ban lãnh đạo kế nhiệm. Tuy nhiên, có một số nhà lãnh đạo trong khi tại vị đã cất nhắc những “phụ tá tin cậy” vào các vị trí chủ chốt, quan trọng để duy trì ảnh hưởng của họ trong tương lai. Không những thế, ngay cả khi đã mãn nhiệm, họ vẫn không muốn từ bỏ việc gây ảnh hưởng của mình lên các vấn đề lớn”. Mặc dù bài báo không chỉ rõ tên nhưng vẫn dễ dàng khiến người đọc nhận thấy đối tượng được đề cập tới là chính là ông Giang Trạch Dân.

Chính điều này khiến cho giả thuyết về việc Giang Trạch Dân là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình khởi xướng ngày càng gần với sự thật hơn. Chiến dịch của ông Tập Cận Bình bắt một loạt quan chức nắm giữ chức vụ trọng yếu như Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – pháp luật Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, người vốn được coi là đồng minh của ông Giang, vừa bị tuyên án tù chung thân vào tháng 6/2015. Trên thực tế, tương lai của những phụ tá thân cận của ông Giang Trạch Dân như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và nhiều người khác đã được một số phóng viên, nhà báo chuyên theo dõi mảng nội chính dự báo từ năm 2012 trước khi họ chính thức trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng.

Ông Giang Trạch Dân mang tiếng xấu vì đã cài nhiều tay chân thân cận trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, trung tâm đầu não của đảng khi hết nhiệm kỳ vào năm 2002. Trong suốt thời gian nắm quyền điều hành, ông đưa bạn nối khố vào ban lãnh đạo Đảng và bộ máy Nhà nước, tạo điều kiện cho họ làm giàu như một cách để mua lòng trung thành chính trị. Trước khi, từ bỏ vị trí quân sự và các chức danh của mình vào năm 2004 và năm 2005, ông Giang cũng đã nhìn thấy người của mình (nay đã bị ông Tập Cận Bình bỏ tù) kiểm soát quân đội hiệu quả.

Lí Hồng Quân, một chuyên gia bình luận về chính sự Trung Quốc nhiều năm theo dõi các nhân vật VIP trên chính trường trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nhận xét rằng: “Mục đích của bài báo không phải là để làm dấy lên những cuộc tranh luận mà để cảnh cáo những người nhất định”. Tháng 2/2015, Tăng Khánh Hồng (cựu Phó chủ tịch nước, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phụ trách Ban bí thư khóa 2002 – 2007), phụ tá thân cận và quân sư chính trị của ông Giang cũng bị cảnh cáo một cách kín đáo kiểu này trên tờ Nhân dân nhật báo bởi Ủy ban Điều tra và kỷ luật T.Ư Đảng. Không một cái tên cụ thể nào được nhắc đến trong bài viết nhưng các nhà bình luận nhanh chóng biết chính xác là ai phải nhận cảnh cáo.

Thắng bại đã phân

Những nguồn tin gần gũi với lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh cho biết không chỉ ông Giang mà cả hai người con trai đều đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ trong khi Tăng Khánh Hồng bị hạn chế tối đa hoạt động.

Với mạng lưới nhân sự sắp đặt sẵn, ông Giang đã kiểm soát chính trị Trung Quốc trong suốt hơn một thập kỷ sau khi ông mãn nhiệm. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc bổ nhiệm cất nhắc rất nhanh Chu Vĩnh Khang, người thể hiện lòng trung thành với ông Giang thông qua cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa ông Giang với Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào thời gian hai ông này nắm quyền lãnh đạo.

Phe ông Giang Trạch Dân đại diện cho hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc; Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lại ở phe mong muốn cải cách chính trị xã hội, thiết lập sự cân bằng và phát triển kinh tế bền vững gắn với điều kiện địa lý – xã hội, nhân khẩu học và các vấn đề ngoại giao. Cuối cùng, với thế lực mạnh mẽ của mình, Giang Trạch Dân lấn át ý tưởng “phát triển thái bình” do ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thực hiện.

Không những thế, rất nhiều hoạt động quân sự được tiến hành mà ông Hồ Cẩm Đào không hề được biết. Minh chứng rõ nhất là năm 2011, khi quân đội Trung Quốc lần đầu thử nghiệm loại máy bay chiến đấu tàng hình, đó cũng là dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Bắc Kinh. Ông Gates nói rằng, khi biết thông tin thử nghiệm, ông Hồ Cẩm Đào cũng bất ngờ, choáng váng như chính ông Gates. Chính hành động này của ông Giang đã khiến ông Tập Cận Bình càng mạnh tay trong chiến dịch thanh trừng để không bị biến thành bù nhìn trên bàn cờ chính trị như người tiền nhiệm.

RELATED ARTICLES

Tin mới