Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBốn kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung: Ai thua đau hơn?

Bốn kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung: Ai thua đau hơn?

Đưa ra 4 kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung, RAND nhận định Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nặng hơn nhưng khoảng cách này sẽ rút ngắn theo thời gian.

Tàu chiến Trung Quốc phóng rocket chống ngầm trong cuộc tập trận ở biển Hoa Đông hôm 1/8. Ảnh: Navy.81.cn

Trong tài liệu nghiên cứu mới War with China: Thinking through the unthinkable (tạm dịch: Cuộc chiến tranh với Trung Quốc: Nghĩ thấu đáo điều không thể nghĩ), Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) cho rằng cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra bởi hai nước đang bất hòa về nhiều cuộc tranh chấp khu vực có thể dẫn đến đối đầu quân sự hoặc thậm chí đụng độ.

Bốn kịch bản chiến tranh đã được RAND đưa ra với khung thời gian nghiên cứu là từ năm 2015 – 2025.

Viễn cảnh thứ nhất là một cuộc chiến khốc liệt, ngắn ngày, khi giới lãnh đạo hai nước ra lệnh cho các chỉ huy quân đội triển khai kế hoạch tấn công chớp nhoáng vào đối phương.

Nếu cuộc chiến xảy ra vào năm 2015, Mỹ chịu tổn thất đáng kể về tàu chiến, lực lượng không quân, và các căn cứ khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ bị phá hủy nặng nề hơn, trong đó có hệ thống vũ khí phục vụ chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD).

Nếu cuộc chiến xảy ra vào năm 2025, tổn thất Trung Quốc hứng chịu vẫn sẽ nặng hơn so với Mỹ nhưng sẽ giảm, còn tổn thất của Mỹ sẽ tăng do hệ thống A2/AD của Trung Quốc được cải thiện.

Về mặt kinh tế, cuộc chiến như trên sẽ gây ra cú sốc đối với thương mại toàn cầu của Trung Quốc vì phần lớn hàng hóa nước này đi qua vùng chiến sự ở tây Thái Bình Dương, trong khi tổn hại kinh tế đối với Mỹ chỉ bị giới hạn trong quan hệ song phương với đối thủ. Phản ứng trong nước và quốc tế không tác động lớn.

Viễn cảnh thứ hai là cuộc chiến dữ dội, kéo dài. Theo RAND, trong năm 2015, cuộc chiến khốc liệt càng kéo dài, Trung Quốc càng gánh nhiều tổn thất. Nhưng vào năm 2025, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, hai bên sẽ bất phân thắng bại nên vẫn cố quyết đấu dù đã chịu tổn thất lớn.

RAND cũng nhấn mạnh trong năm 2025, khả năng quân đội Mỹ giành chiến thắng thấp hơn so với hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chiến thắng.

Do cuộc chiến kéo dài, phần lớn tây Thái Bình Dương, từ Hoàng Hải đến Biển Đông, có thể trở thành vùng nguy hiểm đối với việc vận chuyển thương mại bằng đường biển và hàng không.

Giao thương bị giảm mạnh, trong đó có các nguồn năng lượng, có thể làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc. Một cuộc chiến khốc liệt càng kéo dài càng khiến các nước khác nhảy vào, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Viễn cảnh thứ ba là cuộc chiến không dữ dội, chỉ xảy ra vài ngày. RAND phân tích do triển vọng giành chiến thắng quân sự chớp nhoáng thấp lại đối diện nguy cơ mất kiểm soát, nên giới lãnh đạo hai nước có thể không cho phép quân đội tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào đối phương.

Do đó, cuộc chiến sẽ mang tính bất phân thắng bại, rải rác và ở cấp độ thấp, với tổn thất quân sự không lớn. Với giả định rằng lãnh đạo hai nước có khuynh hướng thỏa hiệp, một cuộc chiến như thế sẽ kết thúc trước khi nó gây ra thiệt hại kinh tế lớn cũng như những chấn động chính trị nội địa và quốc tế.

Viễn cảnh cuối cùng là cuộc chiến không dữ dội nhưng kéo dài. Hai bên có thể kiểm soát cuộc chiến và chịu tổn thất ở mức có thể chấp nhận được nên sẽ tiếp tục cuộc xung đột ở cấp độ thấp để tránh tổn thất chính trị do thỏa hiệp.

Do không có bên nào chiếm ưu thế về quân sự nên cuộc chiến kéo dài, dẫn đến tổn thất kinh tế tăng lên, đặc biệt đối với Trung Quốc. Ngoài ra, với tình trạng cuộc chiến kéo dài, phản ứng về chính trị trong nước và trên thế giới cũng sẽ ngày càng mạnh lên.

Cũng đưa ra kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung trước đó, nhưng phạm vi xảy ra là ở Biển Đông, tờ The Australian Financial Review cho rằng, chiến thắng sẽ thuộc về Mỹ, tuy nhiên Mỹ sẽ phải trả giá đắt bởi Trung Quốc có thể gây ra những tổn thất thực sự cho Mỹ.

Báo này dẫn lời Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét, vũ khí của Mỹ nhiều hơn Trung Quốc rất nhiều, cũng tốt hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề then chốt bởi cái chính yếu là làm thế nào để có thể ngăn chặn được đối thủ. Và trong quá trình phát triển quân lực, Trung Quốc luôn chú trọng tới việc nâng cao khả năng phát hiện và bắn chìm tàu sân bay Mỹ.

“Do vậy, nếu như 10 năm trước, bạn khẳng định Mỹ chắc chắn giành chiến thắng (trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc). Tuy nhiên, giờ đây Mỹ phải đối mặt với khả năng chịu tổn thất lớn, thậm chí là mất cả một chiếc tàu sân bay”, Giáo sư Hugh White nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, ông Peter Jennings cũng cho rằng Trung Quốc đã đề ra chiến lược để đẩy quân đội Mỹ ra xa Trung Quốc đại lục. Do vậy, Bắc Kinh đã chuyên chú để nâng cao cái giá mà Mỹ phải trả và tên lửa DF-21D thực sự là mối nguy hiểm lớn cho bất cứ kẻ địch nào. Tuy nhiên, theo ông Jennings, Trung Quốc hiện nay vẫn không thể so sánh được với Mỹ bởi Mỹ còn có sự hỗ trợ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

“Mười năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi được một chặng đường dài, trở thành lực lượng đáng gờm ở khu vực, nhưng vẫn còn cách xa quân đội Mỹ về thực lực”, ông Jennings nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới