Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKý ức thảm sát 1200 người Hoa ở Indonesia

Ký ức thảm sát 1200 người Hoa ở Indonesia

Vụ biểu tình phản đối Thị trưởng Hoa kiều mới đây tại Indonesia đã khiến cộng đồng người Hoa tại đất nước này run sợ. Họ lo lắng vụ “tháng Năm đen tối” 18 năm trước sẽ tái hiện.

Nhóm người Hoa tháo chạy trong cuộc bạo loạn năm 1998. (Ảnh: Internet)

Vụ biểu tình phản đối Thị trưởng gốc Hoa Basuki Tjahaja Purnama xảy ra liên tiếp vào 4/11 và 2/12 tại Jakarta, Indonesia đang khiến nhiều Hoa kiều tại đất nước này e sợ.

Họ cho rằng, nếu chính phủ Indonesia không tìm cách khống chế nhóm người biểu tình, phong trào biểu tình có thể sẽ biến thành cuộc xung đột đẫm máu, làn sóng “bài Hoa” 18 năm trước đây sẽ lại tái hiện.

Truyền thông Hồng Kông dẫn lời một tiểu thương Hoa kiều có tên Alexander cho biết, cộng đồng người Hoa hiện nay vẫn còn ám ảnh về vụ bạo loạn năm 1998.

Người này kể, anh ta nghe nói, nếu chính phủ (Indonesia) không thể kiểm soát nhóm người biểu tình, điều khủng khiếp chắc chắn sẽ xảy ra. Nếu điều này trở thành sự thực, những Hoa kiều giàu có có thể sẽ bỏ chạy sang Singapore hoặc các quốc gia khác còn những người thuộc tầng lớp như anh ta thì chỉ có thể hy vọng mà thôi.

Jakarta 1998: Cửa hàng và ngôi nhà đổ nát của Hoa kiều

Chân Yên – ký giả tờ Đa chiều (Mỹ) đến Jakarta ngày 13/5/1998 – ngày thứ hai của cuộc biểu tình.

Chân kể, cô ở trọ trong nhà của một ông chủ Hoa kiều họ Hoàng. Ông từng dặn cô, đại sứ quán Trung Quốc đã gọi điện đến thông báo, tình hình bên ngoài rất nguy hiểm, không nên ra ngoài.

Buổi chiều, tivi liên tục đưa tin và hình ảnh về những công xưởng, cửa hàng và ngôi nhà của giới Hoa kiều bị đập phá, cướp bóc và đốt cháy. Mãi sau, lực lượng vũ trang mới xuất hiện tại trung tâm thành phố, xe tăng, xe bọc thép cũng được lệnh tiến vào quảng trường trung tâm thành phố Jakarta.

Phía quân đội tuyên bố tiến hành giới nghiêm ở một số khu vực trong thành phố.

Màn đêm buông xuống, các con phố trở nên tĩnh mịch đến ghê người, thỉnh thoảng tiếng giày da của lực lược cảnh sát tuần tra vang lên từng hồi.

Ông chủ Hoàng lúc này đang khiêng một chiếc thang, nhìn thấy Chân, ông liền nói: “Nếu đám đông xông vào từ cửa trước, chúng ta đừng quan tâm đến những đồ đạc khác mà hãy trèo thang này lên phòng trên để trốn”.

Ngày 14/5, thông báo trên đài truyền hình quốc gia Indonesia cho biết, một trung tâm điện máy của Hoa kiều ở Jakarta đã bị cướp sạch, một cửa hàng ăn khác cũng đã bị thiêu trụi, rất nhiều các công xưởng, xe ô tô của các Hoa kiều đều bị phá hủy.

Chân còn nghe nói, đến cả nhà tang lễ cũng trở thành mục tiêu tấn công của đám đông này. Họ xông vào nhà tang lễ, bật nắp quan tài và tìm đồ được mai táng theo người mất…

Tình hình tại Jakarta ngày càng xấu đi, hầu hết các Hoa kiều bỏ chạy đến sân bay với hy vọng đến được nước khác lánh nạn một thời gian. Một số nhân viên của các tổ chức đầu tư Trung Quốc tại Indonesia cũng được lệnh sơ tán khỏi Jakarta.

Tuy nhiên, trên đường ra sân bay, nhóm đông biểu tình đã lập rào rắn nhằm chặn cướp xe chạy qua. Để đảm bảo an toàn, một số người đã phải thuê xe cấp cứu hoặc xe tang, số người khác được xe quân đội hộ tống.

Chiều 14/5, tình hình bạo loạn ở Jakarta bắt đầu lan rộng sáng các vùng xung quanh.

Chân kể, một siêu thị gần nhà ông Hoàng đã bị đám đông cướp bóc, đập phá tan tành. Những siêu thị và cửa hàng ăn nhanh khác dù được bộ đội bảo vệ nhưng vẫn có rất nhiều người bao vây xung quanh.

Ngày 16/5, đài truyền hình quốc gia Indonesia phát đi thông báo của quân đội: Lực lượng vũ trang chấp hành nhiệm vụ có quyền nổ súng với nhóm bạo động, cướp bóc. Sau thông báo đó, tình hình mới có dấu hiệu được xoa dịu.

Trong hơn một tuần sau bạo loạn, hầu hết các ngân hàng, doanh nghiệp và tòa nhà công cộng vẫn đóng cửa tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Một số văn phòng chính phủ mở cửa trở lại nhằm kỷ niệm ngày Nhận thức quốc gia Indonesia 20/5.

“M. đáng bị cưỡng hiếp, vì m. là người Hoa”

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cho biết, vụ bạo loạn ở Jakarta từ ngày 13-15/5 đã khiến hơn 1200 người thiệt mạng, trong đó đa phần là người Hoa và hơn 5000 gian hàng, nhà ở của cộng đồng người Hoa bị phá hủy.

Đặc biệt, có hàng trăm trường hợp phụ nữ Hoa kiều bị cưỡng bức. Báo đảng Trung Quốc dẫn nguồn Tổ chức phụ nữ Indonesia cho hay, có khoảng 170 phụ nữ Hoa kiều là nạn nhân của các vụ cưỡng bức này.

Tờ Takungpao (Hồng Kông) dẫn The New York Times (Mỹ) tiết lộ, một thành viên trong nhóm bạo động đã nói với nạn nhân rằng, “vì mày là người Hoa nên mày bị cưỡng hiếp”.

Theo tờ này, những vụ hãm hiếp tập thể liên tục diễn ra khiến dư luận phẫn nộ. Rất nhiều vụ cưỡng hiếp tập thể có hình thức giống nhau được diễn ra tại nhiều thành phố.

Takungpao cho biết, dù nhiều vụ cưỡng bức xảy ra nhưng các nạn nhân hầu như không dám báo cảnh sát đồng thời công tác cứu trợ của các bệnh viện đều diễn ra rất chậm trễ.

Một vài nạn nhân kể lại, khi sự việc phát sinh, lực lượng quân đội và cảnh sát đóng quân gần đó nhưng không can thiệp.

Rất nhiều các nạn nhân vì xấu hổ hoặc sợ bị trả thù nên đã không dám lên tiếng, thậm chí có rất nhiều người đã dùng các cách thức khác nhau để kết thúc cuộc sống của chính mình.

Giới Hoa kiều trên thế giới phẫn nộ kháng nghị

Theo Takungpao, cộng đồng người Hoa tại New York (Mỹ) tức giận trước sự kiện đồi bại này đã kêu gọi ký tên và tổ chức những cuộc tuần hành kháng nghị nhằm gây sức ép lên chính phủ Indonesia.

Thậm chí, giới người Hoa còn tập trung tại trước cửa Đại sứ quán Indonesia tại Washington, giơ cao khẩu hiệu phản đối hành động bạo lực đang diễn ra đối với người Hoa ở Indonesia.

Tháng 8/1998, Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền đã trực tiệp kêu gọi chính phủ Indonesia phải đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng người Hoa tại Indonesia.

Thậm chí, lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ đã đe dọa sẽ rút đầu tư khỏi Indonesia, được ước tính là 13 tỷ USD vào năm 1998 và ngăn chặn người lao động Indonesia vào Đài Loan, số người lao động Indonesia tại Đài Loan ở thời điểm đó đạt 15.000 người.

Ngoài ra, trong báo cáo “Indonesia Country Report on Human Rights Practices for 1998” của Bộ Ngoại giao Mỹ bấy giờ cũng cáo buộc chính phủ của Tổng thống Indonesia đương nhiệm Suharto đã vi phạm “nhân quyền nghiêm trọng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới