Wednesday, May 1, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam nên học Hàn Quốc để phát triển kinh tế

Việt Nam nên học Hàn Quốc để phát triển kinh tế

Chúng ta hầu như không có thông tin hay số liệu cụ thể, chi tiết về dự án thép Thạch Khê. Để tiếp cận rất khó, ngay cả các nhà khoa học.

29 28

Hầu như không có một thông tin hay số liệu cụ thể, chi tiết nào về dự án thép Thạch Khê.

Không dám khẳng định đúng sai

Câu chuyện mỏ sắt, quặng sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh đã có từ rất lâu rồi. Tôi cũng đã được trao đổi, được trò chuyện với nhiều chuyên gia về thép, về quặng. Tuy nhiên, ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu thì tôi chưa từng được tham gia bất cứ dự án quy hoạch thép nào cả. Tôi không trách điều này bởi lẽ mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau.

Đương nhiên là tôi không đồng ý với kế hoạch khai thác thép quặng tại mỏ Thạch Khê. Nhưng để trả lời đúng hay sai thì đều không có cơ sở.

Vì sao? Chúng ta hầu như không có một thông tin hay số liệu cụ thể hoặc đánh giá chi tiết về dự án này cả. Để tiếp cận được là rất khó.

Thế thì làm sao để khẳng định có nên tiếp tục làm dự án thép ở Thạch Khê, Hà Tĩnh hay không?

Rõ ràng, những người có trách nhiệm như Bộ Công-Thương như Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cần phải trả lời rõ những câu hỏi: dự án đó ai là người chịu trách nhiệm kiểm định, qui trình kiểm định đánh giá đã thực sự bảo đảm tính khách quan và tính chịu trách nhiệm chưa? Chúng ta cần công khai để những người có chuyên môn, các nhà khoa học cùng đánh giá. Tuy nhiên việc này đâu phải dễ dàng. 

Ngay cả Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trước đây là Khoa Luyện kim của trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khó có thể tiếp cận. Nếu nói về những vấn đề chuyên môn có tính quốc gia về Luyện kim thì Viện chúng tôi về phải là cơ quan được tham gia đầu tiên để đánh giá.

Tôi muốn nói là Viện phải chịu trách nhiệm, chứ không phải một cá nhân nào của Viện, ngay cả cá nhân Viện trưởng như tôi. Ở đây phải là Hội đồng khoa học và đào tạo của Viện, gồm khoảng 20 nhà khoa học đầu ngành tham gia, với đầy đủ các chuyên môn nghiên cứu.

Không ít các dự án đánh giá ban đầu cũng có ý định mời Viện chúng tôi tham gia, nhưng sau đó họ đều “bỏ chạy” bởi sợ chúng tôi khó có thể cho qua.

Ngay cả quy hoạch thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2035 cũng vậy. Nó khá giống như quy hoạch phát triển giao thông ở Việt Nam thời gian qua với hàng loạt các dự án có vấn đề như: đường sắt trên cao, đường cao tốc TP HCM hay đường sắt tốc độ cao,… Tôi nghĩ rằng có vấn đề về qui trình xây dựng quy hoạch cũng như thẩm định và đánh giá?

Là một người đã tham gia nhiều Hội đồng đánh giá các vấn đề khoa học, tuy chỉ thuộc các đề tài nhỏ nhưng tôi cũng hiểu được phần nào quy trình đó. Tuy nhiên, quy trình xây dựng quy hoạch cũng giống na ná như một đề tài mà thôi. Trong khi một quy hoạch có tầm quan trọng đến phát triển công nghiệp quốc gia, thì việc xây dựng, đánh giá cần chặt chẽ hơn rất nhiều, bởi từ đó Nhà nước sẽ quyết định đến việc đầu tư và phát triển của cả một ngành công nghiệp cho quốc gia.

Nếu các nhà báo có được thông tin một cách chính xác, chúng tôi có thể chỉ ra những điểm có vấn đề trong quy trình đó?  Và từ đó, cũng dễ dàng chỉ ra tính thiếu thuyết phục của các dự án quy hoạch.

Vì sao Việt Nam thua kém?

Trở lại với các dự án thép tại Việt Nam, câu hỏi được nhiều người đặt ra thời gian qua, đó là vì sao Việt Nam thua kém các nước? Vì sao chúng ta tập trung nhiều nguồn lực, tài chính nhưng không hiệu quả?

Để trả lời câu hỏi đó, tôi xin lấy ví dụ thực tế từ ngành công nghiệp thép của Hàn Quốc, một nước có khởi điểm khá giống Việt Nam nhưng đã thành công trong lĩnh vực này.

Xin chia sẻ thật, tôi đã có một năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Thú thật khi đó, tôi chỉ cố gắng tìm nguyên nhân xem tại sao lại có sự khác biệt đến thế – Hàn Quốc phát triển nhanh trong khi chúng ta lại trì trệ như vậy.

Nền kinh tế Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên được xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Có thể nói họ đã đi lên từ thép, lúc đó chỉ có trong tay khoảng 40-50 triệu USD. Sau đó nước này vay thêm của Nhật và quốc tế với tổng cộng chỉ  hơn 100 triệu USD để phát triển công nghiệp thép.

Thời điểm đó Hàn Quốc cũng rất khó khăn, khá giống Việt Nam như: tham nhũng, giành giật đất đai,… trong khi Hàn Quốc thậm chí là nước không lớn về diện tích, tài nguyên khoáng sản không nhiều.

Chính quyền dưới thời nhà lãnh đạo Park Chung Hee được xem là tập trung quyền lực. Tuy nhiên ông ấy đã có những quyết định cứng rắn và cương quyết tạo nên những khởi sắc trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Khi ấy, ông Park Chung Hee đã giao toàn bộ lĩnh vực phát triển ngành thép cho ông Park Tae-Joon. Đến khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc bị ám sát, không còn cầm quyền nữa thì ông này vẫn được tin tưởng làm các công việc còn dang dở. Nền công nghiệp thép của Hàn Quốc dù rất lớn nhưng từ đầu chí cuối chỉ thống nhất về một mối.

Trong khi đó Việt Nam hoàn toàn khác. Chúng ta liên tục với rất nhiều dự án thép khác nhau, từ to đến nhỏ. Như thế làm sao mà hiệu quả được?

Một điểm khác biệt nữa đó là công suất tối thiểu của các lò thép để hoàn vốn. Khi Hàn Quốc làm thép, các chuyên gia của Mỹ và Nhật Bản thẩm định đã khẳng định rằng, để hoàn vốn hoặc bước đầu có lãi thì các lò cao buộc phải đủ lớn, tối thiểu phải có thể tích đạt 1000 m3.

Làm phép so sánh, Việt Nam chưa có một nhà máy nào đạt được công suất như vậy. Tuy nhiên các nhà sản xuất trong nước vẫn có lãi. Điều đó tưởng như vô lý nhưng lại thành có lý ở nước ta.

Thực tế, suốt thời gian qua chúng ta chỉ tập trung phát triển thép xây dựng để phục vụ nhu cầu trong nước, mà chưa có đủ những sản phẩm thép cho cho công nghiệp chế tạo và quốc phòng. Nhu cầu xây dựng lớn nên đã tập trung đầu tư để lấy lãi. Nhưng phải hiểu rằng, thép xây dựng giống như hạt gạo thô hay thực phẩm thô chưa được xử lý. Về lâu dài không thể bền vững được.

Nói như thế không phải để bi quan về ngành công nghiệp thép của Việt Nam. Vấn đề là cách làm của chúng ta thôi. 

Cần nhất sự minh bạch trong thông tin

Dự án thép hay bất cứ ngành nghề nào, yêu cầu đầu tiên cần phải đạt được đó là sự minh bạch trong thông tin.

Để làm được điều này, những cơ quan có trách nhiệm như Bộ Công-Thương, Vụ Công nghiệp nặng cần phải giải trình cụ thể.  Phải có nhiều đơn vị chuyên môn hàng đầu Việt Nam (chứ không phải một vài cá nhân) có trách nhiệm đánh giá trực tiếp dự án và phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá đó, cũng như phải công khai các thông tin cho bất cứ nhà khoa học nào cần quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta lại rất thiếu điều này và thực tế nhiều người có chức quyền không muốn làm thế. Họ cố gắng tìm mọi cách để làm dự án với nhiều mối quan hệ và lợi ích chằng chịt.

Phải có người chịu trách nhiệm và có những người lãnh đạo tài giỏi, có trình độ, có tâm huyết thì mới thay đổi được tình trạng này.

Giống như trường hợp một con tàu bị tai nạn khiến hàng trăm người chết ở nước ngoài. Mổ xẻ ra, đó phải là hệ thống chứ không riêng gì anh lái tàu. Ví dụ , Bộ trưởng phải từ chức, thậm chí phải ra tòa, mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả. Sau đó là những cấp lãnh đạo, ban, ngành khác chịu trách nhiệm liên đới. Đó là vấn đề “Luật chơi: dám làm thì dám chịu” trong quản lý kinh tế và xã hội.

Thực tế xã hội còn nhiều bất cập khác nữa không chỉ riêng lĩnh vực thép. Nếu chúng ta làm đúng và nghiêm túc, chắc chắn không có những người kém dám làm lãnh đạo bởi vì làm lãnh đạo không phải là dễ làm.

RELATED ARTICLES

Tin mới