Tuesday, September 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLại chặt cao su bán gỗ sang TQ

Lại chặt cao su bán gỗ sang TQ

Bản thân người dân chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế, chứ không có sự tính toán nhiều, nên rất cần sự định hướng từ phía cơ quan quản lý.

59 29

Dân ồ ạt chặt cây cao su bán lấy gỗ

Khó hiểu bản chất

Gần đây, tại một số tỉnh thuộc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai xuất hiện tình trạng người dân chặt gỗ cây cao su bán cho DN Trung Quốc. Họ thường mua các cây gỗ có đường kính 30-40cm, với giá thành 300.000đ-500.000đ/cây, vì giá mủ cao su rớt xuống thấp, nên người dân đổ xô chặt cây bán gỗ.

Trước thực trạng đua nhau phá rừng trồng cây cao su, rồi giờ lại đua nhau chặt, trao đổi với chúng tôi, GS.TS Lê Đình Khả – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: “Những năm trước cao su bán được giá, nhiều bà con nông dân cũng đã mạnh dạn vay ngân hàng mua lại nhiều diện tích cao su với kỳ vọng lớn, thậm chí có thời điểm một ha cao su có giá từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay giá thấp, thu lợi từ cao su không thể trả lãi vay ngân hàng, dẫn đến bị lỗ, người dân thấy lợi ở đâu thì làm, việc chặt trong tình cảnh này tôi không lạ. Năm 2000, khi tôi sang huyện Vân Nam, thấy người dân bên đó cũng chặt, vì trồng nhiều quá.

Vì cao su là cây dài ngày, chu kỳ phát triển là 15 năm, suất đầu tư lớn, phát triển cao su có tác động lâu dài đến đời sống của người dân và kinh tế của địa phương, nhưng việc xuất hiện kiểu trồng-chặt, như đối với cây nông nghiệp ngắn ngày, sẽ thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, người dân là người chịu thiệt nhiều nhất.

Tôi biết, kiểu trồng-chặt cây cao su đây không phải là lần đầu, mà là lần thứ 2, lần đầu tiên xuất hiện năm 1990, việc này xảy ra do quy luật cung – cầu, không có người chỉ huy quy hoạch chung. Nếu giá thấp thì dân chặt, khi giá mủ cao su cao lên thì lại đua nhau trồng, mà chu kỳ của cao su không phải ăn xổi ngay. Bản thân người dân chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế, chứ không có sự tính toán nhiều.

Thêm nữa, cây cao su ở Tây Nguyên trồng cũng không phù hợp, vì nó chủ yếu phát triển ở vùng khí hậu nóng, cách đây 10-15 năm, người dân ồ ạt trồng.

Năm 2009, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su, theo đó đến năm 2020 VN sẽ có diện tích trồng cao su ổn định là 800.000ha. Thế nhưng chỉ sau ba năm, đến năm 2012 diện tích trồng cao su lên đến 915.000ha – vượt xa quy hoạch cho năm 2020.

Điều đau xót nhất là việc phát triển ồ ạt cao su ở các địa phương đang dẫn đến mất rừng, suy thoái môi trường. Theo tôi được biết, 200 dự án trồng cao su ở Tây nguyên được cho là chuyển từ rừng nghèo kiệt, kết quả khảo sát cho thấy đã thu được tới hơn 397.000m3 gỗ rừng tự nhiên, đó chưa chắc là con số thực tế. Đổi lại bây giờ vừa mất rừng, người dân lâm vào cảnh bấp bênh, nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó, thậm chí còn khó hơn”.

Bên cạnh đó, theo ông Khả, bản thân ông đã từng đề xuất việc phát triển cao su ngoài lấy mủ đi kèm với lấy gỗ, nhưng việc Trung Quốc thu mua gỗ bản chất là hơi khó hiểu.

Gỗ cao su màu trắng, có thớ mịn, tỷ trọng 0,49 – 0,53, đang là loại gỗ được ưa chuộng để sản xuất đồ mộc và là mặt hàng có giá trị. Trong những năm cuối 2000 nước ta mỗi năm đã nhập 60.000-70.000 m3 gỗ cao su từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar để sản xuất đồ mộc. Trong 4 tháng đầu năm 2014 Việt Nam đã chi 861 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013, để nhập gỗ và sản phẩm gỗ.

Vì thế, kết hợp chọn giống cao su lấy mủ với lấy gỗ có thể là một hướng đi mới, theo hướng kinh doanh tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng cái đáng nói là ở đây chúng ta chi tiền đi nhập gỗ cao su và giờ là chúng ta đi bán gỗ cao su, mà lại là DN Trung Quốc, nghĩa là từ trồng đến chặt gỗ, bán mủ, cao su VN luôn gắn với Trung Quốc và hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Người dân các vùng trồng cao su bị động vào các chính sách điều hướng của Trung Quốc, dễ hiểu vì họ là thị trường lớn, trước lời cảnh báo không nên trồng nhiều, dân không nghe, khi trồng nhiều thì Trung Quốc ép giá, giá mủ cao su thấp rất nhiều năm nay. Ngay sau đó, chiêu bài mua gỗ xuất hiện, thế là dân mất cả rừng lẫn cây cao su, cuối cùng không biết sính sống bằng gì.

“Tôi tự hỏi không biết khi họ nâng giá mủ cao su lên cao, thì dân mình có lại đi trồng tiếp hay không, nghịch dị ở điểm đó”, ông Khả lo ngại.

Viễn cảnh của cao su Tây Bắc

Riêng với việc cao su ồ ạt được trồng lên vùng Tây Bắc, theo ông Khả, bản thân ông đã từng lưu ý việc trồng cao su phải xem xét có phù hợp với đặc điểm sinh thái, địa hình, thời tiết của vùng đó.

Thông tư 58 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp quy định rõ những thứ không phù hợp với sinh thái. Ví dụ, không được trồng cao su ở vùng có gió trên cấp 8, không có sương muối, mưa đá. Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật thì cao su không cho mủ.

Vì thế cần xem xét một cách cẩn thận, đánh giá một cách đầy đủ để xác định diện tích trồng hợp lý ở những tiểu vùng có đất đai phù hợp, hạn chế phát triển ở những tiểu vùng ít thuận lợi cho sinh trưởng của cao su.

Quy luật chung ở nhiều giống cây trồng nhiệt đới là càng lên cao và càng lên các vùng có vĩ độ lớn thì sinh trưởng và năng suất sản phẩm càng thấp. Năng suất mủ cao su tại Việt Nam và Thái Lan cũng diễn biến theo quy luật này.

Cũng theo Thông tư 58 còn một quy định quan trọng là đất thích hợp để trồng cao su phải có nhiệt độ trung bình năm từ 25-30 độ C, như vậy nhiệt độ trung bình ở Tây Bắc không đảm bảo. Thời gian tạo mủ có hai mức: vùng phù hợp chỉ cần 6-7 năm; vùng không phù hợp phải 8-9 năm mới cho mủ.

Nhưng hàng loạt các tỉnh như Sơn La, Lai Châu phá hàng nghìn ha rừng để trồng vì tên gọi “vàng trắng” và được kỳ vọng là cây thoát nghèo của người dân các tỉnh Tây Bắc.

Cụ thể như trường hợp của Sơn La, có thể đất trồng cao su đảm bảo đủ các điều kiện nhưng giống xấu quá thành ra cao su không qua được mùa đông. Riêng chuyện cao su kéo dài thời gian cho mủ đã cho thấy trồng cao su ở đây không phù hợp.

Còn tại Lai Châu, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, đến tháng 3/2014 toàn tỉnh đã trồng hơn 11 nghìn ha cao su. Nhưng chắc chắn, năng suất mủ ở Lai Châu không thể cao như năng suất mủ ở nơi lấy giống. Hơn nữa, diễn biến năng suất mủ ở từng giống cũng rất khác nhau.

Điều đáng nói, đúng là phía Trung Quốc đã tạo được giống cao su chịu được rét. Nhưng giống cao su Trung Quốc không phải tạo ra để lấy mủ mà để trồng rừng phòng hộ. Họ không quan tâm đến mủ vì mủ ít, nhưng cây sẽ tốt, nghĩa là nếu chúng ta dùng giống cao su của Trung Quốc thì sẽ không hiệu quả.

“Đây là vấn đề quy hoạch, chưa có định hướng đúng, nên mới dẫn đến thực trạng, các tỉnh trồng cao su lâm vào cảnh lao đao. Và nếu không có hướng đi đúng cho người dân, thì việc chặt gỗ cao su bán cho Trung Quốc là chuyện có thể xảy ra tiếp ở vùng Tây Bắc”, ông Khả khẳng định.

Nên chọn hướng đi đừng phụ thuộc Trung Quốc

Chính vì thế, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, VN phải để người dân nhìn thấy thị trường không tốt đẹp như ta nghĩ, giá cao su đang xuống nhiều năm qua. VN phụ thuộc một cách bị động vào thị trường Trung Quốc rất bấp bênh, mà đây là thị trường lớn nhất, vì thế không nên trồng cây cao su với bất cứ giá nào.

Nghiên cứu chọn tạo giống cao su (chọn lọc và khảo nghiệm) theo hướng sử dụng tổng hợp, vừa lấy mủ vừa lấy gỗ.

Thăm dò trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ khác tại những nơi trồng cao su ít triển vọng, để phát huy tiềm năng đất đai trong tỉnh, tăng thu nhập cho người dân.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Cử – chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR) cho rằng, phải có chiến lược, đường lối lâu dài của Bộ NN-PTNT, rồi tuyên truyền đến cho người dân. Trung Quốc là một thị trường đầy rủi ro, không chỉ có cao su, mà còn rất nhiều mặt hàng khác nào là đi thu mua móng trâu, cau non, mít non…, dân thấy giá cao thì chạy ồ ạt làm theo, nhưng toàn bị ép giá.

”Vấn đề ở đây là do chúng ta không quản lý chặt chẽ, tất cả đều đã có Luật, nhưng việc thực thi chưa hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhìn lại, định hướng cho dân, đừng để dân đã khó lại càng thêm khó”, ông Cừ nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới