Monday, May 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVũ khí TQ: Quà ngoại giao + hàng ‘trang trí’

Vũ khí TQ: Quà ngoại giao + hàng ‘trang trí’

Các hợp đồng vũ khí của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á gần đây ngày càng nhiều, nhưng các nước này mua “hàng nóng” Trung Quốc không phải để củng cố sức mạnh quân sự của họ, mà chủ yếu để làm đẹp lòng Bắc Kinh, theo Today Online.

Xe tăng VT-4, loại Trung Quốc đã bán cho Thái Lan. (Ảnh: Twitter)

Hồi tháng trước, tin cho biết Trung Quốc đã cung cấp cho Malaysia các hệ thống phóng tên lửa và một hệ thống radar. Năm ngoái, Malaysia đã mua 4 tàu Littoral Mission từ Trung Quốc theo hợp đồng quốc phòng đầu tiên ký kết giữa 2 nước. Và đầu năm nay, Thái Lan xác nhận họ đã mua 3 tàu ngầm S-26T đã qua sử dụng của Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD.

Đó chỉ là một số thương vụ giữa các nước Đông Nam Á với các công ty quốc phòng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Trung Quốc chủ yếu vì nhu cầu về chính trị, chứ không phải là sự cần thiết về quân sự.

Chuyên gia phân tích Bernard Loo, Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS), cho biết vũ khí của Trung Quốc “vừa rẻ vừa đẹp”. Chính chi phí thấp hơn khiến chúng khá hấp dẫn với người mua tiềm năng.

Thí dụ, chiếc máy bay chiến đấu CH-4B của Trung Quốc trông rất giống và đôi khi được so sánh với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ, nhưng giá của MQ-9 khoảng 17 triệu USD, trong khi CH-4B giá chưa bằng một nửa.

Tương tự, chiếc xe tăng VT-4 của Trung Quốc (đã được Thái Lan mua) trị giá 5 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với mức giá xe tăng tương đương của phương Tây như chiếc Leclerc của Pháp (12 triệu USD) và M1A2 Abrams của Mỹ (8 triệu USD).

Giáo sư Loo lưu ý, vì xung đột giữa các chính phủ ở Đông Nam Á rất khó xảy ra, nên việc mua lại những khí tài chiến đấu hạng nặng như xe tăng và máy bay chiến đấu “hầu như không phải để bảo vệ các nhà nước chống lại kẻ thù”. Vì vậy, “dù hệ thống chiến đấu của Trung Quốc có tốt hay không thì cũng không có ý nghĩa gì”.

Thí dụ, với thương vụ tàu ngầm S-26T của Thái Lan, chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov nhận định tàu ngầm Trung Quốc có rất nhiều điểm yếu mà Thái Lan không nên mua sắm. Các tàu ngầm này thuộc thế hệ thứ hai nên không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại, đặc biệt là độ ồn của chúng quá lớn nên rất dễ bị phát hiện.

Tương tự, nhà phân tích quốc phòng Richard Bitzinger của RSIS cho rằng vì Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng hơn, nên các nước mua vũ khí của Trung Quốc chủ yếu để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

Trong các trường hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ như Thái Lan và Philippines cũng mua vũ khí Trung Quốc, dường như họ muốn “cân bằng” giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, duy có Singapore dường như không muốn ký kết các hợp đồng vũ khí với Bắc Kinh, bởi nước này nằm trong cùng một mức công nghệ như các cường quốc phương Tây, và do đó có thể dễ dàng hấp thụ và vận hành các công nghệ quân sự của phương Tây.

Cho đến nay, quân đội Singapore chủ yếu sử dụng các phương tiện phương Tây như máy bay chiến đấu F-15 do Mỹ chế tạo và chiếc xe tăng Leopard của Đức. “Họ có vẻ không theo xu hướng ‘Trung Quốc’, ít nhất trong khoảng ngắn hạn và trung hạn”, GS. Loo nói. “

Để chuyển sang sử dụng vũ khí của Trung Quốc, cần phải có một cuộc đại tu toàn diện cho toàn bộ hệ sinh thái quân đội – nhưng dường như Singapore muốn có một quân đội thực sự hoạt động, chứ không chỉ đơn thuần là có vũ khí ‘đẹp’ và để cân bằng ngoại giao”, GS. Loo nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới