Tuesday, May 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐáng lo ngại việc hát múa ở Hồ Gươm

Đáng lo ngại việc hát múa ở Hồ Gươm

Các hoạt động nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm phải đảm bảo giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của hồ và không gian quanh hồ.

Theo ý tưởng của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm sẽ được tổ chức trên thời gian tới như: Huyền thoại Hồ Gươm kể về sự tích vua Lê trả gươm, hát dân ca trên thuyền rồng trên Hồ Gươm, trải chiếu đi trên mặt nước…

Việc tổ chức các chương trình nói trên trên mặt Hồ Gươm nhận được nhiều nhiều ý kiến của các chuyên gia.

Trao đổi với Đất Việt về những ý tưởng này, GS Trần Lâm Biền, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo cho biết, thực ra Hồ Gươm chỉ là một phần của con sông Hồng cũ, gốc của nó là một hồ tự nhiên rồi chuyển hóa thành một hồ văn hóa, mà văn hóa thời nào cũng có cách ứng xử của thời đó.

“Giả dụ Hà Nội không tổ chức các hoạt động ấy trong tất cả những ngày bình thường thì không có vấn đề gì phải bàn. Trong tất cả các lễ hội thường có các trò chơi và các trò chơi của ngày xưa còn mang nhiều yếu tố tâm linh, nhưng nay thì ở hội nào cũng thế, người ta đưa cả những trò chơi hiện đại vào như đá cầu, đánh bóng chuyền… và người dân chấp nhận được, đồng thời cũng làm lễ hội vui hơn.

Nếu như những hoạt động trên Hồ Gươm làm cho người dân thích thú hơn thì trên con đường phát triển không thể để cho những gì cổ truyền vẫn cứ là cái đó, cách ứng xử với nó phải thúc đẩy sự phát triển của du lịch, kinh tế. Ở đây, các chương trình trên mặt Hồ Gươm mới chỉ là ý tưởng, Hà Nội chưa làm, chưa thấy những cái gì gọi là phản cảm cho nên khó nói trước được.

Theo tôi, nếu năm nay họ tổ chức các hoạt động này mà người dân phản ứng thì sang năm họ bỏ. Đặc biệt, nếu các hoạt động văn hóa nghệ thuật mà làm ảnh hưởng đến kết cấu Hồ Gươm thì điều đó không thể chấp nhận được”, GS Trần Lâm Biền phân tích.

Trước lo ngại những hoạt động nghệ thuật trên mặt Hồ Gươm có thể không phù hợp với cảnh quan, ảnh hưởng đến không gian xanh, tĩnh lặng giữa phố phường của Hồ Gươm, vị chuyên gia nhấn mạnh, những hoạt động này chỉ là nhất thời, chứ không phải là thường xuyên. Hãy cứ làm thí điểm, đúng hay sai thì dư luận sẽ có lời.

Trong khi đó, PGS.TS Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về cá thể rùa đặc biệt từng sống ở Hồ Gươm lưu ý, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên Hồ Gươm phải đảm bảo sao cho không ảnh hưởng gì đến các di tích văn hóa, không gian quanh hồ.

Ông nhớ lại, trước đây Hồ Gươm trong những năm 60-70 của thế kỷ trước cũng có nhiều sinh hoạt văn hóa, thể thao trên mặt hồ. Từ năm 1991, khi ông bắt đầu nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm thì thấy rằng việc làm xáo động mặt hồ ảnh hưởng đến đời sống của Rùa Hồ Gươm.

“Năm 2000, khi ấy Hồ Gươm rất cạn mà người ta định làm sân khấu nổi đón giao thừa trên Hồ Gươm tôi đã phản đối. Đặc biệt, lần đó người ta đưa cả tàu chạy chân vịt vào chạy ở Hồ Gươm, chạy một đoạn thì đã cuốc cả bùn lên. Khi ấy tôi phải gọi điện ngay cho lãnh đạo TP đề nghị dừng lại.

Sau đó, VTV dự kiến tổ chức chương trình nhạc nước chào đón năm mới 2015 trên Hồ Gươm. Phía VTV có hỏi ý kiến tôi. Theo kế hoạch, họ sẽ bơm nước trực tiếp dưới hồ bằng một hệ thống máy bơm nước hoành tráng để làm chương trình nhạc nước.

Lúc ấy tôi có đề nghị phía VTV phải có cam kết đảm bảo yêu cầu an toàn tuyệt đối cho Cụ Rùa, không được làm xáo trộn, ảnh hưởng tới hệ sinh thái hồ, đời sống sinh vật dưới hồ. Vào thời điểm đó, nước hồ chỉ tầm 1m.

Sau đó, VTV đã đưa chương trình ra Nhà hát Lớn, tức là họ không làm chương trình nhạc nước ở Hồ Gươm nữa”, PGS.TS Hà Đình Đức nhớ lại.

Đến nay, Rùa Hồ Gươm không còn nữa, nhất là thời gian qua Hồ Gươm đã được nạo vét nên GS.TS Hà Đình Đức cho rằng việc tổ chức các hoạt động nói trên có thể được tiến hành miễn là đảm bảo giá trị văn hóa, lịch sử của hồ và không gian quanh hồ.

“Hà Nội đã mấy lần tổ chức lễ hội phố hoa quanh Hồ Gươm nhưng đáng buồn thay điều đọng lại chỉ là cảnh chen lấn xô đẩy của khách tới tham quan lễ hội, xông vào cướp hoa… Những việc ấy còn đáng sợ hơn nhiều”, nhà “rùa học” kết luận.

Trả lời trên báo chí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho biết có đề án trình diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên Hồ Gươm nhưng tuyệt đối không có chuyện tổ chức lướt ván.

Ông khẳng định, một số báo đưa tin sẽ có các hoạt động thể thao trong đó có lướt ván trên Hồ Gươm là không chính xác.

Riêng việc trình diễn nghệ thuật trên hồ, ông Tô Văn Động Động nói: “Nên thì nên nhưng làm như thế nào mới là quan trọng. Không phải muốn đưa cái gì ra đấy là ra được. Phải tinh tế và đảm bảo vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của hồ Hoàn Kiếm và không gian quanh đó”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới