Saturday, May 11, 2024
Trang chủBiển nóngTQ được và mất gì về những hành động gây hấn...

TQ được và mất gì về những hành động gây hấn ở Biển Đông gần đây

Trong những ngày gần đây, lợi dụng tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, nhất là diễn biến phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cẳng thẳng gia tăng liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc liên tục có các hoạt động phi pháp ở Biển Đông như Không quân Trung Quốc sử dụng 12 máy bay ném bom chiến lược H-6K (mang đầy đủ vũ khí và bom) diễn tập cất hạ cạnh phi pháp tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam); triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có tầm bắn 546km và tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 300km tại Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam); tiến hành nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông… nhằm thực hiện âm mưu, ý đồ riêng trong việc thôn tính Biển Đông. Tuy nhiên, nhìn từ nhiều khía cạnh, “kết quả” thu được từ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc là điều đáng chú ý.

Vũ khí Trung Quốc mới triển khai phi pháp ở Trường Sa

Trung Quốc âm thầm tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông là nhằm: Thứ nhất, lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới, không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo để đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước. Thứ hai, tạo thế “sự đã rồi” khi đưa vũ khí ra quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau khi triển khai vũ khí, dù có gặp phải sự phản đối, chỉ trích của các nước, Trung Quốc sẽ lại viện những lý do hết sức nực cười như “đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”, hay “việc đưa vũ khí ra Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, không nhằm vào nước khác” để biện minh cho các hoạt động phi pháp của mình. Thứ ba, Trung Quốc cố tình đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa ở Biển Đông để tạo thế chủ động và giành lợi thế khi đàm phán, mặc cả với Mỹ trong việc trao đổi, thỏa thuận ngầm về những lợi ích song phương; từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài, đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Thứ tư, giành quyền chủ động trong việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, nhất là kiểm soát giao thông hàng hải, hàng không cùng nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản ở Biển Đông; từng bước áp đặt luật chơi của Trung Quốc đối với khu vực này. Trong tương lai không xa, sau khi kiểm soát toàn bộ Biển Đông và đã triển khai đủ các loại vũ khí, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nó sẽ bao trọn quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ năm, gián tiếp răn đe, cảnh cáo các nước trong khu vực, nhất là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Việc tiến hành các hoạt động phi pháp vừa qua của Trung Quốc đã thu được nhiều “kết quả” đáng kể: Đầu tiên, cộng đồng quốc tế đã nhận rõ bản chất nham hiểm và thủ đoạn xảo trá của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc rất biết cách chọn thời điểm để tiến hành các hoạt động phi pháp của mình, khiến cộng đồng quốc tế trở tay không kịp, mặt khác Bắc Kinh không từ bất cứ thủ đoạn gì để làm, miễn là đạt được âm mưu của mình, cho dù thủ đoạn đó đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực, vi phạm luật quốc tế và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ngoài ra, Trung Quốc đã dần lộ rõ bộ mặt thật của hình tượng “nước lớn có trách nhiệm” đối với cộng đồng quốc tế. Trước những hành động của Bắc Kinh, sẽ chẳng có một nước nào trên thế giới tin vào những gì mà Trung Quốc luôn tuyên truyền bấy lâu nay về việc phát triển hòa bình, không chạy đua vũ trang hay có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Trái lại với những gì tuyên bố, Trung Quốc đang là nước gây bất ổn trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và lợi ích của tất cả chúng ta. Thứ hai, khi các nước không còn lòng tin vào Trung Quốc thì đương nhiên là sức ảnh hưởng chính trị, kinh tế, ngoại giao của Bắc Kinh cũng sẽ tụt lùi theo. Thứ ba, Trung Quốc đừng mộng tưởng rằng quân sự hóa được ở Biển Đông là có thể kiểm soát hoàn toàn khu vực này và cũng đừng mơ mộng rằng cộng đồng quốc tế sẽ để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Trong bối cảnh tất cả các nước đều nỗ lực chung tay vì mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, thúc đẩy cùng nhau sống có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế, thì không cớ gì lại để Trung Quốc, một trong sáu nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại sống “ngoài vòng pháp luật”. Thứ tư, tuy Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei là những nước nhỏ về cả kinh tế, quân sự và địa lý nhưng họ đều có lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước thiết tha và tinh thần bất khuất trong việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Họ sẽ triển khai tất cả các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc mình. Hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ không đe dọa được họ.

Trước những hành động phi pháp, thâm hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế cùng chung tay phản đổi Bắc Kinh. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ nhận thức rõ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ đã bày tỏ lo ngại trực tiếp với Trung Quốc cũng như cảnh báo những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với hành động này của Trung Quốc. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động hiếu chiến ở Biển Đông, bao gồm việc điều hệ thống tên lửa HQ-9 lên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), nhấn mạnh Trung Quốc không được phép theo đuổi hành vi quân sự hóa ở Biển Đông và cảnh báo Bắc Kinh sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu quân sự hóa khu vực này. Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe nhiều lần bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Trung tổ chức vào tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa trái với tuyên bố không quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông. Trung Quốc rõ ràng có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tức phải bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới. Thượng Viện Canada cũng đã thông qua Nghị quyết chỉ trích thái độ hung hăng và sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, theo như quy định của luật quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)…

Nhìn chung, hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ khiến cộng đồng quốc tế phản cảm và đoàn kết lại. Thiết nghĩ, trong vai trò là nước thường trực Hội đồng Bảo an mà hành động của Trung Quốc toàn đi ngược lại tông chỉ của Liên hợp quốc thì Bắc Kinh có nên tự rút khỏi Hội đồng Bảo an cho đỡ xấu hổ hay không?

RELATED ARTICLES

Tin mới