Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiẨn ý sau việc Anh và Nhật cử tàu chiến đến Biển...

Ẩn ý sau việc Anh và Nhật cử tàu chiến đến Biển Đông

Biển Đông là tuyến giao thông quốc tế quan trọng. Hằng năm, khoảng 1/3 khối lượng thương mại toàn cầu lưu thông qua khu vực này. Biển Đông cũng được cho là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả dầu khí. Trung Quốc đã yêu sách với hầu hết toàn bộ vùng biển này, tiến hành cải tạo các đảo, đá và cho rằng mình có quyền bảo vệ những yêu sách đó. Trong thời gian qua, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia,… liên tục đưa ra các cảnh báo việc Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo, đá và quân sự hóa khu vực này. Các nước yêu cầu duy trì “khu vực Biển Đông là vùng biển tự do, rộng mở và thương mại không bị cản trở”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ mọi lời kêu gọi này và yêu cầu các nước ngoài khu vực không có các hành động gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủy thủ trên tàu JS Amagiri (DD-154), tàu khu trục lớp Asagiri của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật

Cuối tháng 8/2018, một tàu chiến đổ bộ trọng lượng 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion đã đi qua quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức các yêu sách quá mức của Bắc Kinh ở khu vực này. Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai hai máy bay trực thăng và một tàu khu trục theo sau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “các hành động liên quan của tàu Anh đã vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc cũng như luật pháp quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình”.

Ngày 13/9, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã triển khai tàu ngầm Kuroshimo cùng với ba tàu chiến diễn tập quân sự tại Biển Đông. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là lần đầu tiên từ Chiến tranh thế giới thứ 2, một tàu ngầm của Nhật Bản tham gia tập trận hải quân ở Biển Đông. Liên quan đến hoạt động này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “kêu gọi các quốc gia hành xử thận trọng, không làm những việc gây tổn hại đến hòa bình, ổn định của khu vực”.

Từ đầu năm đến nay, các tàu và máy bay Mỹ cũng thường xuyên đi vào Biển Đông để thể hiện sự phản đối của Washington đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thoror của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thực hiện, các tàu và máy bay Mỹ đã bị các lực lượng hải cảnh Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực. Ví dụ, ngày 10/8, máy bay trinh thám chống ngầm P-8A của quân đội Mỹ đã bay qua đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép gồm Subi, Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn. Trong đó, khi bay qua Subi, máy bay Mỹ đã phát hiện 86 tàu thuyền các loại của Trung Quốc trong đó có tàu Hải cảnh. Trong hành trình bay, tổ bay Mỹ đã 6 lần nhận được cảnh báo của quân đội Trung Quốc rằng máy bay Mỹ đã tiến vào không phận Trung Quốc, yêu cầu lập tức rời đi, giữ khoảng cách, tránh gây ra phán đoán sai lầm.

Cựu chỉ huy NATO James Stavridis phát biểu tại diễn đàn ở Đài Bắc về thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do ngày 31/8 vừa qua, cho biết việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và quân sự hóa những đảo này đã gây thách thức địa chiến lược lớn nhất trong khu vực. Đồng thời, hành động ngang ngược đó cũng gây khả năng xung đột cao nhất tại đây. Ông James Stavridis cho biết “các quốc gia có cùng chí hướng, gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp và Anh, đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên biển, nên cùng nhau hành động để hình thành một “mặt trận kiên quyết” nhằm giải quyết với Bắc Kinh. Nếu chúng ta có một mặt trận kiên quyết, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán để có một giải pháp ngoại giao. Vấn đề này cần sự kiên nhẫn và thời gian”.

Các tàu Anh và Nhật đến Biển Đông trong tháng vừa qua, có thể không phải là hẹn trước nhưng cũng không phải ngẫu nhiên, thể hiện việc thời gian khá gần nhau, bởi 2 nguyên nhân: thứ nhất, có khả năng hai bên phối hợp với nhau xuất hiện ở Biển Đông vì Mỹ còn chưa đứng ra tổ chức và làm như vậy cũng sẽ chọc tức Trung Quốc, thiệt hại lợi ích của chính mình; thứ hai, việc hai bên đến Biển Đông trong thời gian khá gần nhau có thể làm phân tán sự tập trung của Trung Quốc, giảm thiểu việc Trung Quốc trút hết phẫn nộ lên một mình mình.

Một số quan chức Nhật Bản vài năm trở lại đây thường nhắc đến “Chiến lược hiện diện”, có thể hiểu là Nhật biết rằng trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, Nhật khó có thể gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và quân sự đối với các nước trong khu vực, vì thế cần phải giữ được sự hiện diện của Nhật ở khu vực. Tuy cách làm của Nhật có vẻ âm thầm nhưng thực chất là đang tấn công đòn trùm làm rối loạn môi trường xung quanh của Trung Quốc.

Lợi ích của Nhật Bản đã gắn chặt vào Mỹ, chịu sự chi phối lớn của Mỹ về kinh tế và quân sự, thậm chí đến mức nếu đổ vỡ quan hệ với Mỹ là mất hết, nên Nhật buộc phải thống nhất cao độ với Mỹ. Hiện nay, thách thức Trung Quốc chính là cách làm tốt nhất để tỏ thiện chí với Mỹ. Australia và Anh cũng đều đang làm như vậy, mới đây Đại sứ Trung Quốc Đỗ Khởi Văn tham gia Đối thoại Trung Quốc – các nước đảo quốc Thái Bình Dương tại Nauru đã bị Tổng thống Nauru hạn chế phát biểu do thái độ xấc xược. Nước Anh xa xôi cũng học theo Mỹ, cử 2 tàu đổ bộ đến Biển Đông tuần tra.

Anh hiện có hợp tác kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Ví dụ trong các nước Tây Âu, Anh là nước đầu tiên gia nhập AIIB, sau đó 14 nước Tây Âu đều gia nhập AIIB. Hiện nay, tiến trình đàm phán FTA Trung – Anh cũng được đẩy nhanh hơn FTA Trung – Âu. Mặc dù về chính trị, Anh cố gắng gần Mỹ nhưng về lợi ích lại không hoàn toàn theo Mỹ, mà lại tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong những năm qua. Việc Anh gần gũi với Trung Quốc về kinh tế làm Mỹ không hài lòng, nên việc Anh hiện diện ở Biển Đông là nhằm đối trọng và cân bằng lại quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, muốn thể hiện rằng Anh vẫn coi Mỹ là “anh cả” chứ không phải là Trung Quốc.

Mục đích đến Biển Đông của Anh và Nhật có thể là nhằm: i) bày tỏ quan điểmủng hộ về một vùng biển tự do và rộng mở theo luật quốc tế; ii) nâng cao sự hiện diện của mình ở vùng biển chiến lược này; iii) ủng hộ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại khi vực này; iv) phản đối các hoạt động cải tạo đảo, đá của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cũng như không công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này như Trung Quốc đòi hỏi yêu sách của mình trong thời gian qua.

Như vậy, trong thời gian tới, các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Anh sẽ không từ bỏ hoạt động tự do hàng hải bởi các nước này không chịu để Trung Quốc khống chế Biển Đông, một tuyến hàng hải xung yếu nối Châu Âu với Châu Á. Ngoài ra, các nước này sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm gây áp lực ngày càng lớn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới