Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ tung sách lược đất hiếm càng sớm càng tốt?

TQ tung sách lược đất hiếm càng sớm càng tốt?

Quan chức Trung Quốc cảnh báo sẽ tung sách lược về đất hiếm càng sớm càng tốt để đối phó với Washington.

Sputnik hôm 17/6 dẫn lời ông Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) bình luận tại một cuộc họp báo ở Thủ đô Bắc Kinh nêu rõ, Trung Quốc sẽ nghiên cứu, phát triển và đưa ra các chính sách liên quan về đất hiếm “càng sớm càng tốt” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.

Ông Meng Wei không tiết lộ thêm bất cứ chi tiết cụ thể hay các bước đi tiếp theo trong lĩnh vực này.

“Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi nỗ lực sử dụng các sản phẩm làm từ đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc hòng ngăn chặn sự phát triển của đất nước” – ông Meng Wei nói thêm.

NDRC gần đây tổ chức ba hội thảo về đất hiếm để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, trong đó có đề xuất kiểm soát xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu đất hiếm Trung Quốc đạt mức 3.640 tấn trong tháng 5, giảm 16% so với tháng trước đó.

Tại các hội thảo, một số chuyên gia Trung Quốc còn đề xuất tăng tốc độ phát triển các ngành công nghiệp chất lượng cao, trong đó tập trung vào tinh chế và cho ra đời các vật liệu hoàn chỉnh thay vì duy trì khai thác nguyên liệu thô, cũng như xây dựng cơ chế xác định điểm đến của từng lô đất hiếm do nước này xuất khẩu.

James Kennedy, Chủ tịch công ty tư vấn ThREE Consulting bình luận: “Bắc Kinh có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ôtô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ ra lệnh cấm vận loại vật liệu này”.

Hiện Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới, 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc.

Sau khi phát ngôn viên của Ủy ban NDRC lên tiếng cảnh báo Mỹ về chiến lược đất hiếm, tờ Thời báo Hoàn Cầu – ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã có một bài bình luận thể hiện khả năng cao Trung Quốc lựa chọn đất hiếm làm công cụ chống lại đòn thuế quan của Mỹ.

“Các tập đoàn sản xuất trang thiết bị cho quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ bị giới hạn nguồn cung đất hiếm. Bắc Kinh cũng nên xây dựng danh sách những khách hàng sử dụng đất hiếm do Trung Quốc sản xuất” – bài bình luận nêu rõ.

Từ tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Bắc Kinh có thể có ý thức hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào thị trường Mỹ như một phần của sự trả đũa đối với các biện pháp của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc phân loại đất hiếm là tài nguyên chiến lược và đã lên kế hoạch thăm dò và khai thác nguyên liệu thô trong khoảng một thế kỷ tới.

Theo Ngân hàng Mỹ, Trung Quốc kiểm soát tổng cộng khoảng 40% tài nguyên đất hiếm của thế giới, với trữ lượng ước tính 44 triệu tấn. Trung Quốc đã sản xuất một số khoáng sản đất hiếm trị giá 120.000 tấn trong năm 2018.

Brazil, Nga, Ấn Độ và Úc lọt vào top năm , với trữ lượng từ 3,4 triệu đến 22 triệu tấn.

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh còn đang bàn bạc về khả năng chọn đất hiếm làm công cụ đối phó Mỹ, Washington đã chuẩn bị sẵn kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.

Theo số liệu gần đây của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, vào năm 2018, nguồn cung của Trung Quốc chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, trị giá 92 triệu USD. Trong khi đó, từ năm 2004-2007, Trung Quốc chiếm 80% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ.

Đáng chú ý là Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ, trong khi Mỹ chiếm khoảng 9% tổng nhu cầu đất hiếm toàn cầu.

Quan chức Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 6 cho biết quân đội Mỹ đang đàm phán với một công ty của Malawi và nhiều tập đoàn khai mỏ trên thế giới để tìm nguồn cung đất hiếm. Đây là một phần kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm của Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Như vậy, một khi Bắc Kinh muốn coi đây là con bài chiến lược, họ buộc phải xem xét khả năng Mỹ đã sử dụng các cách thức gì để triệt tiêu con bài vũ khí hóa đất hiếm của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới