Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm nhấn trong Báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái...

Một số điểm nhấn trong Báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung”

Bộ Ngoại giao Mỹ (3/11) công bố Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”. Báo cáo trên đã cập nhật những bước tiến sau 2 năm công bố, đồng thời chỉ trích các hành động gây bất ổn của Trung Quốc.

Báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” bao gồm 5 nội dung chính là: Tiếp cận đối tác và thể chế khu vực, củng cố thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy quản trị tốt, đảm bảo hòa bình và an ninh, đầu tư vào nguồn nhân lực. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý:

Mỹ tái khẳng định cam kết về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trong thông điệp mở đầu báo cáo, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh Mỹ hợp tác sâu rộng và cam kết đảm bảo sự thịnh vượng của toàn khu vực. Ông khẳng định Mỹ đang “gia tăng mật độ và quy mô” phối hợp cùng các đồng minh, đối tác và nhiều thiết chế khu vực từ ASEAN, nhóm nước Mekong, đến nhóm đảo quốc Thái Bình Dương. Báo cáo cũng cáo buộc “những cường quốc xét lại”, cách Washington gọi Trung Quốc và Nga trong nhiều báo cáo chiến lược thời gian qua, “đang tìm cách thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi của mình bất chấp lợi ích của những nước khác”. Báo cáo nhận định cuộc cạnh tranh giữa “tầm nhìn tự do hay cưỡng ép cho trật tự quốc tế tương lai” đang là thách thức có sức tác động lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ và các đối tác. Ngoài ra, Báo cáo cũng nhấn mạnh Washington đặt mục tiêu xây dựng “mạng lưới các đối tác an ninh cùng chí hướng”, với sức bền bỉ và mức độ linh hoạt cao để đối phó những thách thức chung trong khu vực; cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin và hỗ trợ xây dựng tiềm lực cho các lực lượng an ninh trong khu vực để “bảo vệ khu vực hàng hải” và “đối phó tập thể với những mối đe dọa mới nổi”, bên cạnh các thách thức khác như tội phạm xuyên quốc gia và vấn đề môi trường. Báo cáo cho biết Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đồng minh then chốt để giải quyết nhiều thách thức an ninh và trật tự kinh tế tương lai của khu vực, điển hình là mô hình “Bộ tứ Kim cương” với các đối tác Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Washington cũng hai lần nhấn mạnh tầm “quan trọng chiến lược” của Việt Nam trong cục diện khu vực, đặt trong bối cảnh sắp tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và thành viên nhóm các quốc gia sông Mekong.

Thẳng tay chỉ trích Trung Quốc

Báo cáo nhấn mạnh Mỹ tăng cường hợp tác cùng các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “duy trì tự do hàng hải và các khía cạnh sử dụng biển phù hợp luật pháp quốc tế, để mọi quốc gia được tiếp cận và hưởng lợi từ những lợi ích hàng hải chung”; khẳng định “trong khu vực Biển Đông, chúng tôi kêu gọi mọi bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, giải quyết xung đột một cách hòa bình, không sử dụng cưỡng ép và phù hợp với luật pháp quốc tế”; đồng thời cho rằng “các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông, mà điển hình sự ngang ngược của ‘đường chín đoạn’, là không có cơ sở, bất hợp pháp và vô lý. Những tuyên bố này vốn dĩ không có cơ sở về pháp. Thông qua liên tiếp những hành động khiêu khích trong nỗ lực áp đặt đường chín đoạn, Bắc Kinh ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận dự trữ năng lượng có thể khai thác trị giá đến 2.500 tỷ USD, gây nên bất ổn và rủi ro xung đột”.

Điểm nhấn quan trọng

Trên danh nghĩa chính thức, bản báo cáo nói trên của bộ ngoại giao Mỹ chỉ là sự cập nhật những gì phía Mỹ đã làm riêng cũng như cùng các đối tác liên quan trong thời gian qua phục vụ cho việc thực hiện ý tưởng về Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông điệp đối ngoại mà phía Mỹ muốn phát đi gửi tới các nước trong khu vực là Mỹ kiên định thực hiện ý tưởng này chứ không đánh trống bỏ dùi trong khi thông điệp đối nội từ đó là chính quyền của tổng thống Donald Trump có tầm nhìn mới mà còn xa hơn và chiến lược hơn so với chính quyền tiền nhiệm đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tình cảnh gặp khó khăn ngày càng nhiều và bị khó xử ngày càng tăng ở Mỹ, ông Trump càng cần tác động và hiệu ứng đối nội của mọi thành quả đối ngoại. Trong thực chất, bản báo cáo nói trên của bộ ngoại giao Mỹ là dùng sự nhìn lại để thể hiện định hướng hành động của Mỹ trong chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. So với tất cả các văn kiện chính sách chính thức hoặc hàm chứa quan điểm chính sách của chính quyền của ông Trump thể hiện cho tới nay về chiến lược này thì báo cáo nói trên vừa bao trùm và đầy đủ lại vừa chi tiết và cụ thể rõ ràng hơn cả. Có thể lọc được ra từ đó 4 điều đáng được chú ý đến hơn cả. Theo đó:

Thứ nhất, lần đầu tiên phía Mỹ gắn kết chiến lược này với chiến lược hay chính sách của các đối tác khác để thể hiện là Mỹ không riêng biệt mà đồng hành cùng các đối tác. Ở trang 8 của báo cáo ấy ghi rất rõ và cụ thể là tầm nhìn và cách tiếp cận của Mỹ gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, với Kế hoạch Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Australia, với Chính sách mới đối với Phương Nam của Hàn Quốc và Chính sách mới gắn kết với Phương Nam của Đài Loan (TQ). Mỹ loại Trung Quốc ra ngoài nhưng lại kéo Đài Loan vào cuộc chơi này. Cái gọi là “Tứ giác kim cương” được dựng làm trụ cột và trung tâm cho Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở giờ có thêm hai đối tác nữa ở khu vực liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Thứ hai, báo cáo này liệt kê đầy đủ những gì Mỹ đã làm riêng và cùng các đối tác nói trên cho tới nay và qua đó thể hiện quan điểm cũng như định hướng của Mỹ cho thời gian tới. Nó giống như sự cụ thể hoá và hoàn chỉnh hoá chiến lược của Mỹ cho khu vực này, bao trùm lên nhiều lĩnh vực với nhiều nội dung và dự án hợp tác cụ thể. Qua đó, người ngoài không thể không có cảm nhận là Mỹ đưa ra và thực hiện một chiến lược của Mỹ ở khu vực mà là một ý tưởng chiến lược của Mỹ cho các đối tác trong khu vực với sự tham gia cùng thực hiện của các đối tác này và thậm chí còn với cả sự phân công, phân vai để thực hiện.

Thứ ba, Trung Quốc cùng với Triều Tiên và Nga bị nêu đích danh trong ấy là địch thủ mà Mỹ chủ định và phải đối phó, chiến tranh mạng từ 3 nước này và mưu đồ cũng như hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông được Mỹ coi là những thách thức an ninh lớn nhất về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế, đòi hỏi Mỹ phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu để đối phó. Ở đây thể hiện sự đan xen giữa nhận thức của Mỹ là phải vượt qua được những thách thức kia thì mới có thể thực hiện thành công chiến lược cho khu vực và chủ ý sử dụng chính chiến lược này để đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở khu vực.

Thứ tư, phía Mỹ muốn phát đi thông điệp tới các nước trong khu vực là nên tin tưởng Mỹ và hoài nghi Trung Quốc, nên gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc.

Thách thức và khó khăn

Giới nghiên cứu cho rằng, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Chính quyền Trump là một “điểm cộng” đáng giá cho chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng, cùng lời tuyên bố hùng hồn về một khu vực “tự do và rộng mở”, các đối tác trong khu vực dường như vẫn đang do dự trong việc triển khai các cam kết đã được tái khẳng định trước đó.

Vấn đề bắt nguồn từ sự khác biệt to lớn trong nhận thức giữa Mỹ và châu Á. Xét về mặt kinh tế và an ninh, Mỹ tăng cường áp dụng chính sách bảo hộ với các đồng minh truyền thống trong khu vực, thực hiện một số chính sách loại trừ các đối thủ cạnh tranh chiến lược và “quay lưng” trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Những chính sách về kinh tế và an ninh nói trên của Washington được cho là đang làm “xấu đi” những nhìn nhận quốc tế về cam kết của Mỹ đối với sự thịnh vượng chung. Trong khi đó, xét về khía cạnh quản trị, những nỗ lực của cường quốc hàng đầu thế giới nhằm củng cố quy tắc pháp trị, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhân quyền và dân chủ lại vấp phải “cơn bão ngược” của các chế độ chuyên quyền trên thế giới.

Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đã suy giảm tương đối so với tầm ảnh hưởng của các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ. Bất chấp mối quan hệ bền chặt của Mỹ với khu vực về mặt kinh tế, quân sự và giao lưu nhân dân, giới hoạch định chính sách Mỹ cần phải thừa nhận thực tế, châu Á đã “vỡ mộng” trước khả năng Washington có thể đem lại các thành tựu tốt đẹp cho khu vực, sau khi quốc gia này phải chịu tổn thất nặng nề trong các hoạt động can thiệp quân sự ở Trung Đông. Trong khi đó, giới hoạch định quân sự nhận định rằng, mức độ sẵn sàng can dự của Mỹ so với Nga hay Trung Quốc là cả một khoảng cách. Ví dụ, các sáng kiến mới đây của Mỹ, trong đó có Đạo luật Sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), nhằm hỗ trợ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 26 nghìn tỷ USD ở châu Á từ nay đến năm 2030, đang được triển khai dưới dạng hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ đã bị cản trở do hạn chế nguồn lực cũng như hạn chế trong công tác phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách và lĩnh vực tư nhân. Bên cạnh đó, những công kích của Chính quyền Trump đối với các quy tắc thương mại tự do và sự coi nhẹ các thể chế toàn cầu và các sáng kiến đa phương, như Hiệp định CPTPP và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã cho thấy Washington không có sự gắn kết và nhất quán trong chính sách.

Ngay cả những do dự ban đầu của Chính quyền Trump nhằm phản đối những vi phạm nhân quyền ở Myanmar và Philippines cũng như sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã càng làm rõ sự thất bại của Washington trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại và quá trình ra quyết định liên quan an ninh quốc gia.

Trong khi đó, xét về xu hướng chính trị ở Mỹ, cử tri nước này muốn lựa chọn những ứng cử viên sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Điều này được phản ánh qua chính sách “nước Mỹ trước tiên” của cựu tỷ phú New York Donald Trump, động lực gần đây của các ứng viên Dân chủ tiềm năng khi muốn chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính chất bảo thủ hơn, ít phô diễn hơn, cũng như xu hướng ngày càng gia tăng về việc hợp nhất các lợi ích đặc biệt trong nước nhằm hạn chế sự can dự của Washington ở bên ngoài.

Những xu hướng nói trên đặt ra một thách thức to lớn đối với giới hoạch định chính sách Mỹ trong việc đáp ứng các kỳ vọng của nước ngoài về quá trình triển khai các cam kết của Mỹ đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là khi mối quan tâm của Washington ngày càng bị suy giảm do cán cân quyền lực Mỹ – Trung đã thay đổi.

Lợi ích hạn hẹp và chủ nghĩa giao dịch “bập bõm” của ông Trump trong cách hành xử với các nước đối tác cũng như với các nước đối thủ đã tạo nên những hệ quả tiêu cực đối sự quản lý mạng lưới liên minh của Mỹ ở châu Á. Có thể thấy, việc Chính quyền Trump do dự can thiệp công khai những bất đồng và xung đột về thương mại và chính trị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc “nhảy vào” can thiệp khi kêu gọi Seoul và Tokyo tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do ba bên. Không chỉ vậy, các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng do dự tham gia chiến lược này của Mỹ. Mặc dù các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, thậm chí Pakistan, tỏ ra bất bình với chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, song sự phụ thuộc của các quốc gia này đối với Trung Quốc về kinh tế đã buộc họ có thái độ “lập lờ nước đôi” với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, lúc thì xoay về Washington, khi thì lại xa lánh. Do đó, với tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có nguy cơ trở nên bất ổn hơn, các nước trong khu vực này buộc phải bảo vệ những lợi ích của chính họ trước tiên, trong bối cảnh trật tự khu vực gắn kết dựa trên luật pháp vẫn chưa được hình thành.

Tại Biển Đông đang tranh chấp, ASEAN vẫn thận trọng trước khả năng hạn hẹp của Washington trong việc trừng phạt các hành động gây hấn bất đối xứng của Bắc Kinh. Những lãnh đạo của ASEAN như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc nước ngoài cách xa Manila. Các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ gây trở ngại thêm cho sự can dự của Mỹ. Nếu yêu cầu của Bắc Kinh về việc không cho phép các nước ASEAN tập trận chung với cường quốc bên ngoài được chấp thuận trong nội dung COC, điều này sẽ xói mòn những nỗ lực của ASEAN khi muốn duy trì vai trò của Washington ở khu vực Đông Nam Á.

Ở Nam Á cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Vụ đụng độ ở khu vực biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc và giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vùng Jammu và Kashmir đang tranh chấp đã góp phần thúc đẩy New Delhi thực hiện chính sách ngoại giao quyết đoán hơn, trong đó tập trung mở rộng hợp tác quân sự và chia sẻ tình báo với Washington. Tuy nhiên, những chỉ trích của Tổng thống Trump về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Ấn Độ, kèm theo đó là sự không chắc chắn về cạnh tranh Mỹ – Trung, đã khiến New Delhi cũng có thái độ “lập lờ nước đôi” với Washington.

Mỹ có thể làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền rằng, những nỗ lực của Washington ở khu vực không hoàn toàn liên quan đến việc chống lại Bắc Kinh. Mỹ có thể làm tốt hơn khi thúc đẩy chính sách phát triển ở các quốc gia sở hữu nguyên tắc về quản trị bền vững và bao hàm, chẳng hạn như tính minh bạch, giải trình có trách nhiệm và trao quyền cho người dân ở tầng lớp thấp. Còn ở những nước cần xây dựng năng lực thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng, Mỹ cần tài trợ vốn cho họ.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đa dạng và đầy biến động, con đường đi đến sự quản trị tốt sẽ vấp phải không ít thất bại. Tuy nhiên, về lâu dài, sự hiện diện bền vững của Mỹ ở châu Á có thể giúp thuyết phục các quốc gia vẫn hoài nghi về một hệ thống dựa trên luật pháp có thể thúc đẩy các điều kiện để đạt được sự ổn định chính trị và sức mạnh kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới