Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển...

Kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có hiệu lực, góp phần đảm bảo hòa bình trên thế giới

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực”, đã diễn ra Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực (1994-2019) và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước.

Phiên kỷ niệm đặc biệt và tuyên bố phê phán yêu sách phi pháp của Trung Quốc

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu đã cùng nhau kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực. Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) cho biết, UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đây là một công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, đồng thời thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương. Công ước này giúp giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới Luật Biển. Trong vòng 1/4 thế kỷ qua, Công ước đã đóng góp nhiều vào việc đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới. Điểm lại một số nội dung chính của UNCLOS 1982, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak nhận định, đối với các đại dương và biển, UNCLOS 1982 có những nội dung quy định rõ ràng đối với các quốc gia ven biển về chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển… Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak nhấn mạnh hai điểm quan trọng của UNCLOS 1982. Theo đó, trong các vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền khai thác và quy định điều chỉnh hoạt động nghề cá, xây dựng đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo, sử dụng vùng biển vì các mục đích kinh tế khác, cũng như các hoạt động sản xuất năng lượng từ thủy triều. Đối với vùng đáy biển nằm ngoài lãnh hải, các quốc gia ven biển có đặc quyền với tài nguyên trong vùng đáy biển kéo dài tới 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của vùng đặc quyền kinh tế. Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak đề cập tới cơ chế giải quyết tranh chấp. Theo UNCLOS 1982, các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan thông qua các biện pháp hòa bình theo Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc.

Đánh giá về Tòa án Luật biển quốc tế, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho hay, Tòa án Luật biển quốc tế được thành lập bởi UNCLOS 1982 và có quá trình hoạt động tốt. Tòa có quyền tài phán dựa trên các quyền rất cụ thể được quy định trong UNCLOS 1982. Trong vòng 23 năm qua, đã có 28 vụ kiện được đưa lên Tòa với nội dung rất đa dạng, từ hoạt động thủy thủ đoàn liên quan, đến phân định biên giới biển, nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia… Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak khẳng định Tòa án Luật biển quốc tế đã góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình, công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.

Đáng chú ý, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak lấy ví dụ điển hình về việc Trung Quốc nêu lên vấn đề quyền lịch sử của mình tại Biển Đông, Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết: “Sau khi xem xét, đánh giá, Tòa kết luận rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982”; nhấn mạnh, mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc cũng như nước khác, về mặt lịch sử, sử dụng các thực thể ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đối với vùng biển hay tài nguyên hoặc ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên tại vùng biển này. Do đó, không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc khi yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên hay các quyền chủ quyền, quyền tài phán liên quan đến các vùng biển ở Biển Đông mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn”. Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Đồng thời, Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.

Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi UNCLOS đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế.

Vận dụng các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường pháp lý cho công tác quản lý biển và các hoạt động kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Là thành viên UNCLOS, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên Công ước, trong những năm qua Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển, đồng thời hợp tác với các nước trong các lĩnh vực biển phù hợp với các quy định của Công ước theo hướng bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững.

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam, gồm 7 chương với 55 điều, đề cập đến các nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển. Căn cứ vào các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và đang tiến hành quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký kết các hiệp định phân định biển và các thỏa thuận khác với các nước liên quan như Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (1997), Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000), Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia (2003), Thỏa thuận khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia (1992) hay Hiệp định về vùng nước lịch sử với Cambodia (1982). Đối với các vùng biển chưa phân định Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán để đạt được một đường phân định công bằng. Đối với các vấn đề ở Biển Đông, Việt Nam cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002. DOC quy định cụ thể các nguyên tắc như tôn trọng luật quốc tế trong đó có UNCLOS, hợp tác xây dựng niềm tin, hòa bình giải quyết tranh chấp và tự kiềm chế.

Việt Nam cũng là quốc gia đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến liên quan khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương, liên quan đến bảo vệ môi trường biển, chống nước biển dâng cao.

Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý.

Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo đó, khi bàn về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông. Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào vào Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 11/10/2011. Điều đó cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung của Công ước.

Chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC), Luật Biển Việt Nam. Yêu cầu chiến lược của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác, cụ thể:

Đầu tiên, trong xử lý vấn đề Biển Đông, cần giữ vững độc lập, tự chủ, gắn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, tăng cường thực hiện và bảo vệ kinh tế biển, nhất là hoạt động dầu khí và đánh bắt cá trong phạm vi 200 hải lý; bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Thứ ba, duy trì nguyên trạng Biển Đông; bảo vệ quyền đánh bắt cá chính đáng của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam cũng chủ động, tích cực cùng các bên liên quan đàm phán tìm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được đối với các khu vực tranh chấp.

Thứ tư, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Trung và các nước có liên quan, phấn đấu không để xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới