Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTên lửa siêu thanh DF-17: Vũ khí TQ trấn áp Đài Loan

Tên lửa siêu thanh DF-17: Vũ khí TQ trấn áp Đài Loan

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng việc biên chế và đưa vào sử dụng tên lửa siêu thanh DF-17 sẽ nhằm trấn áp Đài Loan và răn đe, ngăn chặn Mỹ can thiệp khi xảy ra xung đột quân sự giữa hai bờ eo biển.

Theo các thông tin ban đầu từ truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển DF-17 diễn ra từ năm 2009, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 2014. Tình báo Mỹ sau khi phát hiện việc Bắc Kinh thử vũ khí mới đã đặt cho nó tên định danh Wu-14 và sau đó là DF-ZF. Tên gọi chính thức DF-17 của vũ khí này được tiết lộ vào năm 2017 trong một tài liệu của PLA và thứ vũ khí này được công khai hoàn toàn trong lễ duyệt binh chào mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc, tính từ thời điểm phát triển đến khi hoàn thành chỉ mất 10 năm, một khoảng thời gian kỷ lục. Nhìn từ bề ngoài dễ nhận thấy DF-17 có một tầng tên lửa đẩy thông thường và phần đầu đạn kiểu tàu lượn siêu âm thiết kế tương tự HTV-2 của Mỹ hay Avangard của Nga. Ước tính thông số kỹ thuật của DF-17 bao gồm chiều dài 14,4 m; trọng lượng 14 tấn, phần đầu đạn tàu lượn nặng khoảng 1,4 tấn; tầm bắn 1.700 km; tốc độ gia đoạn công kích mục tiêu lên tới 3200 m/s.

Theo thông tin ban đầu, tên lửa đạn đạo DF-17 hiện trực thuộc căn cứ số 61, là quân đoàn nằm ở phía Đông nhắm đến Đài Loan, Okinawa (Hàn Quốc, Nam Nhật Bản cũng nằm trong phạm vi tấn công của nó). Một thông tin khác cho biết DF-17 hiện đang triển khai đến 3 lữ đoàn, nó là vũ khí chiến thuật cùng cấp DF-11/15/16. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay. Cùng quan điểm trên, tạp chí Diplomat cho biết, DF-17 là loại vũ khí mà cộng đồng tình báo Mỹ hồi năm 2017 đã dự đoán sẽ trở thành vũ khí siêu thanh đầu tiên được triển khai trên thế giới. Lực lượng Tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc có thể sẽ đưa hệ thống tên lửa này vào trực chiến trong năm 2020.

Ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh nhận định tên lửa DF-17 đã được mở rộng phạm vi hoạt động từ eo biển Đài Loan tới căn cứ quân sự của Mỹ ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản. Mục tiêu ban đầu của DF-17 là răn đe các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan. Nhưng hiện tại, Trung Quốc được cho dùng DF-17 để ngăn chặn khả năng nhóm tàu sân bay Mỹ can thiệp vào cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm sáp nhập Đài Loan vào đại lục. Theo ông Zhou Chenming, DF-17 được thiết kế thành vũ khí tấn công trong bối cảnh chiến lược phòng thủ của Bắc Kinh là xây dựng một hàng rào bảo vệ bên ngoài eo biển Đài Loan nhằm ngăn chặn các chiến hạm của Mỹ tiến vào bên trong cũng như can thiệp vào cuộc chiến tiềm tàng giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng DF-17 là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa DF. Vũ khí này được phát triển nhằm ngăn chặn mọi động thái giành độc lập ở Đài Loan từ thời ông Trần Thủy Biển giữ chức nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2000. Ngoài ra, DF-17 là vũ khí có giá thành cao và được cải tiến dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo DF-15 và DF-16. Phạm vi hoạt động của DF-17 là 1.500 km và có thể đạt tốc độ Mach 5. Cũng theo chuyên gia trên, việc phát triển thành công tên lửa DF-17 sẽ truyền cảm hứng cho quân đội Trung Quốc ứng dụng công nghệ HGV vào loạt tên lửa dòng DF bởi trong những năm qua, Trung Quốc đã cho thử nghiệm rất nhiều loại HGV. Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong cho rằng công nghệ HGV của Trung Quốc đã đạt đến năng lực trang bị trên các tên lửa tầm trung như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 hay còn biết tới với biệt danh “sát thủ diệt tàu sân bay” hoạt động trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Thậm chí, DF-26 còn được xem là mối đe dọa tiềm tàng với lực lượng chiến hạm của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Theo chuyên gia quân sự tại Hong Kong Song Zhongping, tên lửa DF-17 của Trung Quốc có khả năng xuyên thủng các lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai ở khu vực bao gồm các hệ thống Patriot 3 ở Đài Loan và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Tất cả tên lửa DF-15, DF-16, DF-17 có thể tạo thành một mạng lưới tấn công toàn diện bao trùm bất cứ khu vực nào từ đảo Đài Loan cho tới các quốc gia láng giềng gần Trung Quốc và đặc biệt là các căn cứ quân sự ở nước ngoài mà Mỹ đặt trong khu vực. Ưu điểm vượt trội của DF-17 là khả năng mang theo đầu đạn siêu thanh có thể xuyên qua các mạng lưới phòng thủ tên lửa, hệ thống radar và hệ thống cảnh báo sớm cũng như tấn công cả những mục tiêu mà DF-15 và DF-16 không làm được.

Theo dự tính của Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã cho triển khai ít nhất 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở khu vực bờ biển phía Đông Nam nước này và chĩa về hướng Đài Loan bao gồm các tên lửa tầm trung hiện đại DF-16.

Được biết, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm “thống nhất” với Đài Loan bằng bất cứ giá nào. Quyết tâm đó được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắn nhủ trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không chấp nhận từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài, nhấn mạnh hòn đảo cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Theo ông Tập Cận Bình, “Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất và tất yếu phải thống nhất”, đồng thời cho rằng “đây cũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”. Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự, ông Tập mô tả sự thống thất dưới cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ “đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của đồng bào Đài Loan”.

Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tiêu đề bài viết nhấn mạnh cụm từ “luôn sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc (PLA). Đối với PLA, tuyên bố “không từ bỏ vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và khóa huấn luyện thực chiến trong một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng; cùng với đó thời điểm từ cuối năm ngoái, đầu năm nay PLA liên tục xoay quanh hợp đồng mua bán vũ khí và ngân sách quân sự cho năm tài khóa mới.

Đáng chú ý, giới truyền thông cũng cho rằng PLA đang sỡ hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, có thể dễ dàng “đè bẹp” Đài Loan, theo đó ngoài DF-17, Trung Quốc còn có tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo. Đây là máy bay chiếm ưu thế trên không hàng đầu trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc mua hơn hai chục máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 trong hai năm qua, giúp không quân nước này tăng khả năng thực hiện các hoạt động không quân tầm xa chống lại Đài Loan hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác. Ngoài cấu hình không đối không đáng gờm, Su-35 còn có khả năng tấn công tinh vi và tầm bắn hiệu quả cho phép nó đe dọa mục tiêu dưới mặt đất. Không quân Trung Quốc cũng có nhiều máy bay khác có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên bầu trời Đài Loan, ví dụ như tiêm kích J-20. Nhưng tính ở thời điểm hiện tại, Su-35 đã đủ gây vấn đề với lực lượng không quân Đài Loan. Tiếp đến là hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không nguy hiểm nhất thế giới, S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, nghĩa là vượt qua cả Đài Loan. Như một số nhà phân tích từng nói, hiệu quả của S-400 ở tầm xa bị hạn chế. Tuy nhiên, nó vẫn làm phức tạp thêm việc sử dụng không phận của quân đội Đài Loan và có khả năng ngăn chặn toàn bộ việc sử dụng không phận Đài Loan cho mục đích thương mại. Chưa kết, S-400 cũng có thể ngăn vận chuyển thiết bị và hàng hóa qua đường hàng không và đường biển đến hòn đảo trong điều kiện chiến tranh. Nếu muốn hạ S-400, Đài Loan phải thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào đất liền Trung Quốc. Chuyên gia nói rằng đây sẽ là một thử thách lớn với quân đội Đài Loan. Cuối cùng là các thế hệ tàu đổ bộ siêu khủng. Những con tàu lớp 075 này cho phép quân đội thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ tinh vi chống lại mục tiêu được bảo vệ. Với trọng lượng 40.000 tấn, Type 075 có kích thước tương tự các tàu đổ bộ lớn nhất của Mỹ nhưng không có nhiệm vụ phòng không và tấn công như các tàu Mỹ. Mặc dù tàu lớp 075 vẫn chưa chính thức hoạt động, các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chế tạo ba chiếc lớp 075. Cấu hình chính xác của loại tàu này vẫn chưa được biết chắc, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó có khả năng chở hơn hai chục máy bay trực thăng tấn công và vận tải.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải “trả giá đắt”. Theo đó, các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới