Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung đáng chú ý tại cuộc họp lần thứ...

Một số nội dung đáng chú ý tại cuộc họp lần thứ 12 Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN và Đại sứ 3 nước đối tác (ASEAN+3)

Ngày 27/2, tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 12 Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) và Đại sứ 3 nước Đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), do Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN, và Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lim Sungnam (thay mặt các nước +3) đồng chủ trì cuộc họp.

Đây là cuộc họp đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với mục đích kiểm điểm các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3. Cuộc họp đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, các nước đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trong các hoạt động hợp tác của ASEAN+3 trên tất cả các lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội. Về triển khai Kế hoạch hành động ASEAN+3 giai đoạn 2018 – 2022, đến nay đã có 257 hoạt động hợp tác đã và đang được thực hiện, bao gồm 11/14 dự án/hoạt động theo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á II (EAVG II). Cuộc họp nhất trí phối hợp triển khai Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Sáng kiến Kết nối các kết nối được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 vào tháng 11/2019 tại Bangkok (Thái Lan).

Thứ hai, các nước khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết ưu tiên nguồn lực ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN và Kế hoạch tổng thể về “Kết nối ASEAN 2025”; thúc đẩy sớm hoàn tất việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); tăng cường hợp tác tài chính, phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, y tế cộng đồng, biến đổi khí hậu, xử lý rác thải trên biển; hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Thứ ba, cuộc họp chia sẻ đánh giá về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Các nước ASEAN+3 đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến đặc biệt của các quan chức cao cấp phụ trách y tế ASEAN+3 để chia sẻ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại các nước. Cuộc họp đánh giá cao và nhấn mạnh cần tranh thủ các cơ chế hợp tác y tế sẵn có trong khu vực để thúc đẩy hợp tác về y tế cộng đồng, trao đổi kỹ thuật, đẩy nhanh công tác nghiên cứu phòng, tránh và ứng phó với Covid-19.

Diễn ra cùng thời gian này, tại Kuala Lumpur của Malaysia cũng đã diễn ra một hoạt động rất quan trọng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, đó là chuỗi thuyết trình chính sách của đại sứ các nước tại Malaysia do Viện Nghiên cứu Ngoại giao và Quan hệ đối ngoại Malaysia (IDFR) tổ chức. Nước Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam đã nhấn mạnh thúc đẩy 5 ưu tiên trong năm Chủ tịch, trong đó:

i) Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

ii) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh.

iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

v) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới