Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaASEAN bao gồm Biển Đông nằm ở trung tâm “Chính sách Hành...

ASEAN bao gồm Biển Đông nằm ở trung tâm “Chính sách Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-TBD” của Ấn Độ

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 (11/2019), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh ASEAN, bao gồm Biển Đông nằm ở trung tâm “Chính sách Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ. Điều này cho thấy sự quan tâm của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đối với khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Chính sách “Hành động hướng Đông”, được nâng cấp từ “Chính sách Hướng Đông”, trên cơ sở tiếp cận khu vực Đông Nam Á, là một trong những điều chỉnh quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Chính sách này đã tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ.

Ấn Độ từ “Chính sách Hướng đông đến “Hành động phía Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”

Sau khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ là nước đầu tiên trên thế giới đưa ra chính sách đối ngoại trung lập, chính sách không liên kết, đây là con đường tốt nhất để thực hiện các mục tiêu dân tộc của Ấn Độ. Với chính sách không liên kết và xu hướng phát triển hướng nội, Ấn Độ chủ trương phát triển nền kinh tế độc lập, tự lực cánh sinh với chính sách đóng cửa và thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, chính sách này đến những năm 1970 bắt đầu bộc lộ những nhược điểm, nền kinh tế phát triển chậm, kém năng động và tụt hậu so với nhiều nước vốn thua kém về tiềm năng và khoa học công nghệ.

Sau Chiến tranh Lạnh, cùng với bối cảnh mới của khu vực và quốc tế, cuộc khủng hoảng toàn diện ở Ấn Độ đã buộc các nhà lãnh đạo phải thay đổi toàn bộ tư duy và chính sách, trong đó có chính sách đối ngoại. Chính sách ngoại giao của Ấn Độ chuyển đổi theo hướng: từ sự ủng hộ của Ấn Độ với phong trào không liên kết và thế giới thứ ba được thay thế bằng chủ trương linh hoạt, thực tế hơn, tập trung cho chính sách kinh tế tự do mới cả trong nước và ngoài nước, các lĩnh vực thương mại và đầu tư ra nước ngoài là mối quan tâm của Chính phủ Ấn Độ. Sự thay đổi đó thể hiện ở Chính sách Hướng đông, một chính sách ngoại giao chiến lược quan trọng sau khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế, tự do hóa thương mại vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. “Chính sách Hướng đông là sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa thực dụng”. Mục tiêu của Chính sách Hướng Đông được đặt ra trong chiến lược phát triển của Ấn Độ, ban đầu là tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á. Sau đó, chính sách này dần được mở rộng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngay từ năm 1935, giới Lãnh đạo Ấn Độ cho rằng Thái Bình Dương có khả năng thay thế Đại Tây Dương với tư cách là trung tâm đầu não của thế giới trong tương lai. Và Ấn Độ, tuy không phải là một quốc gia ở Thái Bình Dương, nhưng Ấn Độ sẽ phải có sự ảnh hưởng quan trọng ở đó. Với chủ trương lấy “chủ nghĩa khu vực” vươn lên bá chủ châu Á và cường quốc của thế giới, Chính sách Hướng đông đã thể hiện rõ cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở châu Á.

Như vậy, về cơ bản, mục tiêu chung nhất của Chính sách Hướng đông là đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, không chỉ ở khu vực châu Á, mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Về mục tiêu cụ thể, Chính sách Hướng đông của Ấn Độ được triển khai nhằm thực hiện hai nhóm mục tiêu chủ yếu, bao gồm:

(1) Nhóm mục tiêu chính trị chiến lược: Thông qua việc triển khai Chính sách Hướng đông, Ấn Độ mong muốn hướng tới xây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực để phần nào kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á và Nam Á, nhất là Ấn Độ Dương – khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ.

(2) Nhóm các mục tiêu kinh tế – xã hội: Ấn Độ triển khai Chính sách Hướng Đông nhằm phát triển các quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia Đông Á, đặc biệt là thương mại, thông qua đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Ấn Độ. Thông qua phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia ở Đông Á, Ấn Độ hướng đến việc hội nhập kinh tế với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Ấn Độ hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế châu Á.

Có thể nói, sau quá trình triển khai Chính sách Hướng Đông, quan hệ Ấn Độ – ASEAN đã có những bước chuyển biến tích cực. Bằng chứng rõ ràng cho sự phát triển này là sau 20 năm quan hệ đối thoại, ASEAN và Ấn Độ đã quyết định đưa quan hệ lên tầm đối tác chiến lược từ năm 2012. Quan hệ đối tác chiến lược đã thể hiện một nội hàm mới, rộng và sâu sắc hơn, trong đó nổi bật là hai bên sẽ quyết tâm xây dựng khu vực mậu dịch tự do toàn diện và Ấn Độ sẽ thể hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ hơn như là một nhân tố cho đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dù quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN đã có bước phát triển nhất định, nhưng trong thực chất, Chính sách Hướng đông vẫn chưa giúp Ấn Độ đạt được những mong muốn đặt ra và dường như Ấn Độ vẫn chỉ là “người quan sát” trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á.

Xuất phát từ thực tế trên, cùng với những diễn biến phức tạp trong khu vực, nhất là việc Mỹ thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á, kéo theo những sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các cường quốc trên thế giới đối với châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã thực hiện một bước chuyển hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại khu vực. Ngày 30/9/2014, ông Narendra Modi, Thủ tướng đương nhiệm của Ấn Độ, đã có một tuyên bố quan trọng trong cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama, quyết định đẩy nhanh Chính sách Hướng Đông lên tầm cao mới. Trên cơ sở những tuyên bố đó, ngày 5/10/2014, Chính phủ Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã quyết định chuyển từ Chính sách Hướng Đông sang Hành động Phía Đông.

Việc chuyển hướng trong chính sách đối ngoại khu vực châu Á của Ấn Độ cho thấy sự chủ động hơn của quốc gia này trong việc tăng cường quan hệ giữa hai cực tăng trưởng trong một châu Á đang nổi lên. Trong chuyến thăm Singapore cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cũng đã khẳng định: “Hướng đông không còn phù hợp, giờ đây chúng tôi cần Hành động phía Đông”.

Các quan chức Ấn Độ khẳng định, sự thay đổi trên không mang động cơ chính trị mà chỉ đơn thuần là làm sâu sắc, thúc đẩy liên kết ngày càng chặt chẽ hơn trong quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Ấn Độ cho rằng, dùng từ “hành động” chỉ nhằm thể hiện sự quan tâm hơn của Chính quyền Thủ tướng Modi trong việc xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho khu vực Đông Bắc Ấn Độ. Chính sách này về cơ bản là sự tiếp nối Chính sách Hướng Đông nhưng trong thế chủ động hơn.

Hàng loạt các chuyến công du dồn dập của Thủ tướng Ấn Độ Modi và các quan chức cấp cao tới các nước châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, cũng như các chuyến thăm ngược lại đã cho thấy sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong triển khai chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đúng như tên gọi Hành động Hướng Đông, với sự trỗi dậy hoà bình được các nước trong khu vực ủng hộ, Ấn Độ sẽ gia tăng hợp tác một cách thực chất hơn, hành động nhiều hơn trong hợp tác phát triển với các nước láng giềng Đông Nam Á và các quốc gia trong Vành đai châu Á – Thái Bình Dương, nhằm bảo đảm các lợi ích chiến lược của mình cũng như duy trì sự hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Mặc dù Ấn Độ cho rằng, Hành động Hướng đông cũng giống như Chính sách Hướng đông, tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì rõ ràng đây là một bước tiến của Ấn Độ trong việc kết nối với các quốc gia ASEAN. Ấn Độ không chỉ thụ động đơn thuần ngồi nhìn về phía Đông mà có những hành động thiết thực để bảo vệ các lợi ích của mình, đồng thời thể hiện một vai trò lớn hơn, xứng đáng hơn với vị thế cường quốc ở khu vực và thế giới, từ đó thực hiện tham vọng phát triển, củng cố các mối quan hệ với các nước lớn ở khu vực Đông Á và điều này giúp Ấn Độ có thể thiết lập và khẳng định vai trò nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dĩ nhiên, Đông Nam Á, với cơ chế hợp tác năng động, sẽ được Ấn Độ coi là hạt nhân của các mối quan hệ này.

Ngày 01/6/2018, Thủ tướng Modi lần đầu tiên tham gia Đối thoại Shangri-La và có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, trong đó chính thức đưa ra Tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ coi đây là một khu vực địa lý tự nhiên, đồng thời nhấn mạnh chủ trương xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở, giải quyết các tranh chấp không dựa trên sức mạnh mà đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không phân biệt đối xử.

Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là sự phát triển và tích hợp từ các chủ trương Láng giềng trên hết, sáng kiến SAGAR và chính sách Hành động hướng Đông vào một Tầm nhìn chung bao quát cả khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Ấn Độ coi đây không phải là một tập hợp nhằm giành sự thống trị và chống nước nào, mà là chủ trương hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm đối phó với những thách thức chung về an ninh, tự do hàng hải, hàng không, thương mại và kết nối trong khu vực, đặc biệt từ sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực, đe dọa khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ cũng như hòa bình, ổn định và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Biển Đông luôn là vấn đề quan trọng trong chính sách, chiến lược phát triển của Ấn Độ

Biển Đông nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực trong phát triển kinh tế và quốc phòng – an ninh. Tầm quan trọng của Biển Đông được thể hiện ở các góc độ kinh tế, chính trị và quân sự. Về góc độ kinh tế, Biển Đông là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới. Giao thông ở khu vực Biển Đông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Địa Trung Hải. Hàng ngày, có khoảng 200 – 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới, chuyên chở 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm thương mại khác của toàn cầu. Ngoài ra Biển Đông cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở một số vùng biển đảo, đồng thời một số nước lớn muốn gây phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông.

Về chính trị, quốc phòng và an ninh, Biển Đông là điểm nóng quan trọng của khu vực, nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn cả về chính trị lẫn kinh tế, quốc phòng – an ninh. Thực tế cho thấy, Biển Đông đã diễn ra các tranh chấp về chủ quyền biển đảo quyết liệt, phức tạp nhất của thế giới và khu vực, những tranh chấp đó khó giải quyết do còn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia hữu quan về chủ quyền và cách thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, vị trí của Biển Đông có liên quan đến nền kinh tế, quốc phòng của nhiều quốc gia, kể cả nước có chủ quyền và không có chủ quyền, cũng như các nước trong và ngoài khu vực.

Lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Biển Đông đối với Ấn Độ thể hiện rõ qua sự can dự của Ấn Độ ở Biển Đông trên hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, giống như các bên khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ: i) Thương mại của Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á. ii) Nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.

Nhín chung, trong định hướng chung gia tăng sự can dự với các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á dựa trên mục tiêu kép: i) tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, tập trung vào Vịnh Bengal và Biển Andaman, tại đây Ấn Độ đóng vai trò nhân tố phòng vệ chủ chốt nhằm chống các mối đe dọa tiềm tàng ở quần đảo Đông Nam Á. ii) mục tiêu lớn hơn là nhằm đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Lợi ích này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như mong muốn của Ấn Độ về mở rộng không gian chiến lược của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới