Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKý ức về khu tưởng niệm Gạc Ma

Ký ức về khu tưởng niệm Gạc Ma

Tháng 4/2019, tôi may mắn được tham gia đoàn Việt kiều thăm quần đảo Trường Sa, được nghe kể lại về trận chiến đẫm máu đã làm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh cách đây hơn 30 năm. Sau khi từ Trường Sa trở về đất liền, tôi cùng một số bạn bè Việt kiều khác cùng đến thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Nhân 32 năm ngày xảy ra cuộc chiến Gạc Ma (14/3/1988) xin giới thiệu với bạn đọc ký ức của mình về khu tưởng niệm này.

Năm 2017, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với tên gọi: “Những người nằm lại phía chân trời” được khánh thành tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Đây là một sự kiện quan trọng trong hành trình tri ân 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức tại Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 45.000 m2, với 5 hạng mục chính thể hiện “Hành trình khát vọng” yêu hòa bình và tôn trọng chân lý của dân tộc Việt Nam. Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Trong đó, cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” gồm 9 hình tượng cách điệu các chiến sĩ Gạc Ma, giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, quyết một lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Bao quanh hình ảnh các chiến sỹ là “Vòng tròn bất tử’, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển, biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, là nơi trưng bày các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Gạc Ma nói riêng. Tại đây còn bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” (mộ của những con người đã bỏ mình trên biển, bên trong chỉ có cát, không có xương cốt) của 64 liệt sỹ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ….

Trong phòng trưng bày các hiện vật liên quan đến những người lính hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, có một khung ảnh để dán hình của 64 người lính. Nhìn ai cũng trẻ trung với tuổi hai mươi, tươi vui như chưa hề biết mình sắp có một chuyến đi xa mãi mãi. Thế nhưng, ở một góc khung hình trên cùng bên phải, có một chỗ để trống, bên dưới vẫn để tên: “Liệt sĩ Trần Quốc Trị, sinh năm 1965, quê quán Đồng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình”. Anh Trị là người duy nhất trong số 64 liệt sĩ Gạc Ma không để lại di ảnh.

Người phụ trách phòng trưng bày kể lại rằng, một đồng đội của anh Trị có hứa là sẽ tìm trong tấm hình chụp chung trước khi ra Trường Sa để nhờ họa sĩ “tách” riêng anh Trị ra rồi bổ sung vào chỗ khuyết này. Thế nhưng, trận lũ năm 2018 đã cuốn trôi nhiều vật dụng trong nhà, kể cả tấm ảnh quý giá nọ. Vì vậy, chỗ khuyết trên khung ảnh đến giờ vẫn là một khoảng trống chưa thể lấp đầy. Thăm gian trưng bày di vật của liệt sĩ Gạc Ma, không một ai có thể cầm lòng khi nhìn vào chỗ hao khuyết ấy.

Khu tưởng niệm Gạc Ma tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải cát, giữa trung tâm Khu du lịch Bãi Dài thuộc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Để chọn được một vị trí đắc địa ở khu du lịch này làm nơi tưởng niệm những liệt sĩ Gạc Ma, các nhà quản lý đã nhiều lần cân nhắc cẩn trọng trước khi đặt viên đá đầu tiên. Bây giờ thì mới thấy việc chọn vị trí này để làm khu tưởng niệm là rất có ý nghĩa

Từ Nha Trang đi vào, đổ đèo Cù Hin một quãng là gặp khu tưởng niệm này. Khách rời sân bay Cam Ranh đi về hướng bắc một thôi đường là đã nhìn thấy “vòng tròn bất tử ở phía chân trời”. Cát trắng và biển xanh – món quà vô giá của thiên nhiên luôn sẵn dành cho khu tưởng niệm.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của đất nước. Sử, sách đã ghi lại những trang sử oai hùng của các nhà nước phong kiến Việt Nam cử các đội thuyền ra khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian tới hôm nay, như: “Hoàng Sa đi có về không – Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi” là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên.

Xúc động biết bao khi được biết trước khi thuyền nhổ neo, mỗi người chuẩn bị một đôi chiếu, bảy sợi dây mây, bảy đòn tre để nếu hy sinh thì đồng đội bó lại, gắn tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán rồi thả xuống biển, cầu mong nếu thân xác may mắn dạt được vào bờ, người trong đất liền biết đó là ai! Và hiện tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngại còn nhiều “mộ gió” của những người thực hiện nhiệm vụ của triều đình ra đi mà không bao giờ trở về.

Chính vì “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn – Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” mà trong nhiều thế kỷ trước, triều đình đã có sắc truy phong một số cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Hùng binh Hoàng Sa”.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch (tháng 4 dương lịch) người dân huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa một nghi lễ dân gian tri ân bậc tiền nhân đã thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa. 400 năm qua, các tộc họ huyện Lý Sơn bảo tồn lễ thức này như “Bảo tàng sống” về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

\

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức hàng năm ở Lý Sơn

Tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường của các bậc tiền bối lại được thế hệ sau nối tiếp. Ngày 14/3/1988, 64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa mênh mông biển khơi, một bên là tàu lớn, súng to, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào tháng 4 hàng năm. Sự hy sinh của 64 người lính cách đây 32 năm để bảo vệ Gạc Ma đã hòa chung vào sự hy sinh của các bậc tiền bối ra đi khai phá Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước đây, viết nên một trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Khu tưởng niệm Gạc Ma ngày nay không chỉ là biểu tượng tri ân cho 64 người lính đã ngã xuống ở Gạc Ma năm ấy mà còn là biểu tượng tri ân cho các bậc tiền bối đã góp công xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Dù kẻ thù có hiếu chiến và dã man đến đâu cũng không thể khuất phục được ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

Hành vi của giới cầm quyền Bắc Kinh dùng vũ lực để xâm lược Hoàng Sa và các cấu trúc thuộc Trường Sa, trong đó có đá Gạc Ma và gây ra cái chết cho những người lính vô tội, không vũ khí trong tay là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hành vi đó không thể tạo nên danh nghĩa chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Những ngày tháng 3 này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma lại đón hàng nghìn người đến viếng thăm. Từ đây nhìn về phía biển, những người con đất Việt hôm nay lại thầm nhắn gửi lời tri ân tới những con người quả cảm, những con người đã anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ và tính mạng của mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào, thì sự hy sinh của các bậc tiền bối và của những người lính trong cuộc chiến Gạc Ma vẫn thức tỉnh trái tim người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của đất nước. Máu của họ lẫn vào biển xanh, xương của họ đã thấm vào lòng đảo, tên của họ được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

Là những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài khi có dịp trở về Việt Nam nên ít nhất một lần ghé thăm Khu tưởng niệm Gạc Ma và huyện đảo Lý Sơn để tận mắt chứng kiến những ngôi “mộ gió”, những di vật liên quan đến những con người quả cảm này và thắp một nén nhang tri ân những con người đã vĩnh viễn nằm dưới đáy biển sâu vì chủ quyền biển đảo của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới