Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBộ Quốc phòng Việt Nam: Kiên quyết, kiên trì thực hiện các...

Bộ Quốc phòng Việt Nam: Kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông

Bộ Quốc phòng cho biết tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Quốc phòng cho biết tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của ta. Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông. Bên cạnh đó, các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. 

Tình hình Biển Đông đã tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta là: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng; tăng công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; Kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban bí thư, Thủ tướng về tình hình trên biển; phối hợp cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành Trung ương để phối hợp đấu tranh và kịp thời thông tin đến nhân dân.

Cũng theo Bộ Quốc phòng, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo gồm Hải quân, Phòng không – Không quân, Cảnh sát biển. Mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển. Bộ Quốc phòng cũng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ.

Không những vậy, Bộ Quốc phòng đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc trao đổi thông tin và xử lý các tình huống diễn ra trên biển; đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng với các nước trên thế giới, phối hợp với lực lượng hải quân, cảnh sát biển các nước trong khu vực, tổ chức tuần tra chung trên biển, duy trì an ninh, trật tự trên vùng biển giáp ranh, nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau để giải quyết những vấn đề xảy ra trên biển.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, ta đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa. Những nỗ lực đó đã buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của ta, đồng thời, ta kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội.

Theo Bộ Quốc phòng, lập trường chính nghĩa, quan điểm đúng đắn, nhất quán, có cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế của ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, quan tâm của các nước khu vực, các nước đối tác lớn và dư luận quốc tế. Về việc cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng cho rằng việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng. Tuy nhiên, phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. 

Trên cơ sở đó, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo đúng Luật Biển 1982. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập; giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bộ Quốc phòng cũng dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp. Để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước, nhất là truyền thông báo chí để nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo; cũng như quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển. Đồng thời, nâng cao lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ Quốc phòng cũng cho rằng cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp. Kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa. Sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp xảy ra…

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp an ninh – quốc phòng, chính trị – ngoại giao, kinh tế – xã hội, dư luận và tuyên truyền, thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề và các biện pháp khác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), trong đó có việc thực thi chủ quyền trên biển, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển như hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của các doanh nghiệp, hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân diễn ra trên các vùng biển Việt Nam.

Trước các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với hoạt động đấu tranh trên thực địa, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ và các Cơ quan đại diện ở ngoài nước đã kịp thời phối họp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đấu tranh ngoại giao ở các cấp, các kênh khác nhau, dưới nhiều hình thức.

Đối với Trung Quốc, ta tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vẩn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; Kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lí và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam.

Đối với các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực, ta chủ động tiếp xúc, thông tin, vận động sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, làm rõ để các nước hiểu chính sách của ta. Lập trường và chính nghĩa của ta được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận trong các văn kiện của các hội nghị có liên quan. Đồng thời, nhiều nước cũng có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của ta.

Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, thời gian tới, ta sẽ tiếp tục nhất quán chủ trương kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông và các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982. Trong quá trình này, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực phát huy vai trò chủ trì, cùng các Bộ, ngành liên quan đàm phán, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra, bảo vệ tốt các quyền và lợi ích chính đáng của ta, không để ảnh hưởng đến môi trường hoà bình, ổn định và quan hệ họp tác hữu nghị với các nước. Theo đó, ta sẽ tập trung đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện cho việc quản lý, thực thi, bảo vệ, và triển khai các hoạt động trên biển, hạn chế các hoạt động vi phạm vùng biển của ta. Song song với đó, ta sẽ đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa hợp tác trên biển trên cả bình diện song phương và đa phương trong các vấn đề như bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, vì hòa bình thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; Tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và nỗ lực cùng các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm hỗ trợ thêm cho việc thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới