Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang từng bước triển khai mưu đồ kiểm soát không phận,...

TQ đang từng bước triển khai mưu đồ kiểm soát không phận, vùng biển lẫn đáy biển của Biển Đông

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua không khác là bao so với những gì họ từng làm trước đây. Các hành động trong vài tháng trở lại đây của Bắc Kinh như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay đặt tên cho các thực thể là điều mà “Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ trước, chứ không phải họ chờ tới đại dịch mới tiến hành ”.

Phát biểu tại hội thảo “An ninh Khu vực và Biển Đông trong giai đoạn COVID-19”, chuyên gia Bonnie Glaser – Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án “Sức mạnh Trung Quốc” tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, 27/5) cho biết Trung Quốc đang lợi dụng COVID-19 để leo thang hành động trên Biển Đông.

Theo bà Bonnie Glaser, những gì mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông thời gian qua không khác là bao so với những gì họ từng làm trước đây. Các hành động trong vài tháng trở lại đây của Bắc Kinh như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay đặt tên cho các thực thể là điều mà “Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ trước, chứ không phải họ chờ tới đại dịch mới tiến hành”. Mặc dù vậy, bà Glaser lưu ý, việc Trung Quốc đặt tên các thực thể ở Biển Đông “có đôi chút bất thường”. Lần cuối Trung Quốc đặt tên cho các cấu trúc ở vùng biển này là vào năm 1983. Theo vị chuyên gia này, thực chất Trung Quốc đã lên kế hoạch cho vấn đề này và tới gần đây thì họ công bố. Bắc Kinh cũn tận dụng COVID-19 như thời cơ để thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm lợi ích riêng.

Bên cạnh đó, bà Glaser cũng đề cập một động thái đáng chú ý gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông như việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”; tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; triển khai tàu dân quân biển, hải cảnh hoạt động không gây ra đối đầu quân sự trực diện và kích động các nước khác, nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến sự cố…

Về tham vọng của Trung Quốc, ở cấp độ khu vực, theo chuyên gia Glaser, Bắc Kinh phải tìm mọi cách giảm được ảnh hưởng và hiện diện của Mỹ, đồng thời tăng cường cưỡng ép và hăm dọa để bắt ép các nước láng giềng phải chấp thuận các yêu sách chủ quyền có lợi của Trung Quốc. Tiếp theo, Bắc Kinh sẽ tiến hành mở rộng khả năng kiểm soát vượt ra khỏi Biển Đông, vươn tới cả chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương. Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, quần đảo Philippines và quần đảo Sunda lớn. Chuỗi đảo thứ hai bao gồm quần đảo Mariana, Guam và Palau. Trung Quốc đang kỳ vọng không chỉ kiểm soát được các bãi cạn, bãi đá mà còn chiếm cả ngư trường và các lô dầu khí bên dưới lòng biển. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có khả năng kiểm soát các hoạt động đi lại trên biển và có thể ra lệnh hạn chế, ngăn cấm tàu của một quốc gia cụ thể nào đó nếu muốn. Điều này không chỉ xói mòn nghiêm trọng tới trật tự dựa trên luật pháp do Mỹ cùng các đồng minh, đối tác khu vực xây dựng, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các nước xung quanh.

Ở cấp độ toàn cầu, Trung Quốc muốn đảo ngược điều mà nước này gọi là “những khía cạnh thiếu công bằng của trật tự thế giới” khi đối xử với nước này. Sau đó Trung Quốc sẽ sử dụng nguồn lực của mình để tái định hình trật tự hiện tại thành một trật tự mới thuận lợi và chịu đón nhận các giá trị Trung Quốc hơn. Việc lan tỏa mô hình quản trị Trung Quốc thay thế cho mô hình quản trị phương Tây cũng là một ưu tiên được nêu ra.

Về khả năng xung đột quân sự giữa Mỹ – Trung trên Biển Đông, bà Glaser nhận định khả năng 2 bên leo thang tới mức xung đột quân sự khó xảy ra. Bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận về các hậu quả kéo theo nếu 2 bên đối đầu. Bản thân Trung Quốc cũng đang thực hiện Chiến thuật Vùng xám, cố tình gia tăng các hành động gây hấn, nhưng duy trì dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường. Họ cố tình để dân quân biển, tàu hải cảnh hoạt động ở mức không kích động Mỹ có các động thái đáp trả. Bên cạnh đó, Trung Quốc từng đưa ra các tuyên bố trục xuất tàu Mỹ, nhưng trên thực tế Trung Quốc chưa có bất cứ các hoạt động nào cứng rắn hơn để yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động tự do hành hải. Bản chất của các tuyên bố này thực chất là để thông điệp gửi tới giới chính trị trong nước. Về phần mình, Mỹ cũng tránh va chạm với tàu Trung Quốc khi hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, Washington cũng từng cảnh báo Trung Quốc rõ ràng về việc Bắc Kinh sẽ phải trả giá ra sao nếu có hành động dẫn tới đối đầu giữa 2 bên.

Về phản ứng của Mỹ trong trường hợp Trung Quốc ý định ngăn chặn quyền tự do hàng hải trong khu vực, bà Glaser cho rằng, Mỹ nên cân nhắc đưa ra phản ứng, phát đi tín hiệu rằng các hành động ngăn chặn này là không thể chấp nhận được và Bắc Kinh cần có trách nhiệm với các hành động của mình. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đang tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại ở khu vực này, giống như điều họ làm nhiều năm qua. Không chỉ có Mỹ, một số quốc gia khác thời gian qua cũng gia tăng hiện diện để thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó có việc Australia tham gia tập trận với Mỹ, Nhật Bản đi tàu qua khu vực này. Ngoài ra các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp cũng đánh tiếng về việc sẽ cho tàu chiến đi qua Biển Đông để duy trì tự do hàng hải.

Trước những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định của khu vực. Bà Glaser cho rằng, ở bình diện khu vực, sự thống nhất ý chí chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông là rất có ý nghĩa. Năm 2016, Philippines thắng lớn sau phán quyết của Tòa Trọng tài về “quyền lịch sử” phi pháp mà Trung Quốc dùng giải thích đường lưỡi bò. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Duterte lại “lờ phán quyết” để đổi lấy các quan hệ làm ăn với Bắc Kinh. Từ năm 2016, các quốc gia cố gắng buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết của tòa. Đây là một điều quan trọng đối với các quốc gia và đặc biệt là Philippines. Làm sao buộc Trung Quốc thực thi là một câu hỏi lớn với chính quyền Duterte. Quan điểm (hòa hoãn) của Philippines đang làm khó cộng đồng quốc tế.

Bà Glaser cũng cảnh báo Trung Quốc đang muốn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho họ. Vì vậy ASEAN phải quyết tâm không để Trung Quốc chi phối, từ đó tránh đối mặt nguy hiểm. Hiện Trung Quốc đàm phán COC với từng nước ASEAN, chứ không phải với một chủ thể là tổ chức quốc tế. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có ý đồ ảnh hưởng nội dung COC. Thứ nhất, loại quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ra khỏi phạm vi COC. Thứ hai, không tham chiếu các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Thứ ba, không muốn các quốc gia bên ngoài (như Mỹ) tham gia, điển hình là tập trận hay tuần tra chung. Do đó, các nước thà không có COC, chứ tuyệt đối không thể chấp nhận một bộ quy tắc mà chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Giới nghiên cứu tin rằng phần đông các thành viên ASEAN và các nước nói chung đều chia sẻ các quan điểm về thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải cũng như hành xử có trách nhiệm khi nói về Biển Đông.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) và tập trận là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Rõ ràng, Mỹ đã tăng cường số lượng và chất lượng hiện diện quân sự tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa bị “ghè chân”. Vì vậy, ngoài Mỹ cần có thêm các quốc gia khác như Pháp, Anh… tham gia các hoạt động ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Sự hiện diện càng đông thì cái giá mà Trung Quốc phải trả cho hành xử hung hăng là càng lớn, khi đó Bắc Kinh sẽ phải thận trọng hơn.

Việt Nam có chính sách không liên minh với nước này để chống nước khác. Theo bà Glaser, điều này cũng tương tự nhiều nước khác, điển hình là Ấn Độ. Tuy nhiên, việc hợp tác với Mỹ không nhất thiết phải theo một hình thức liên minh. Việt Nam có nhiều không gian để phối hợp với Washington, như tuần tra chung, tập trận hay tổ chức tập luyện cứu trợ nhân đạo… Điều quan trọng là Việt Nam cần chuyển đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam có khả năng và có nhiều không gian để kết hợp với nhiều quốc gia khác (chứ không chỉ Mỹ) để thúc đẩy các giá trị chung của thế giới như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, đảm bảo chủ quyền và các quyền ở các vùng biển được quy định trong UNCLOS. Với vai trò chủ tịch ASEAN, dù bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nhưng Việt Nam cũng đang nối lại các chương trình đối thoại giữa các nước. Qua đó, Việt Nam có thể thúc đẩy các mục tiêu chính đáng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới