Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam cần làm gì để ứng phó với sự đe dọa...

Việt Nam cần làm gì để ứng phó với sự đe dọa của TQ ở Biển Đông?

Trong cuộc họp báo ngày 21/4/2020, ông Cảnh Sảng – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những lời lẽ dọa dẫm “dùng vũ lực” ở Biển Đông khi đề cập đến động thái Việt Nam gửi công hàm lên Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông. Ông ta nói rằng kể từ cuối tháng 3, Việt Nam đã gửi một số công hàm tới Liên hợp quốc “liên tiếp tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp” tại Biển Đông” và “cố phủ nhận chủ quyền và các quyền của Trung Quốc” ở vùng biển này.

Điểm đáng lưu ý là trong tuyên bố hôm 21/4 nói trên, ông Cảnh Sảng ngỗ ngược nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở Nam Hải (tức Biển Đông)”. Một số nhà phân tích nhận định rằng cụm từ “mọi biện pháp cần thiết” có hàm ý đe dọa. Qua đấy có thể thấy rõ việc Bắc Kinh không loại từ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.

Chỉ trong vòng 4 ngày, đây là lần thứ hai Trung Quốc nói bóng gió đến việc sử dụng vũ lực. Trước đó, công hàm ngày 17/4 gửi đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc để phản đối Việt Nam đã có đoạn viết: “Trung Quốc kiên quyết đòi Việt Nam phải rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà nước này đã xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp” ở quần đảo Trường Sa.

Trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, rất có thể Trung Quốc sẽ có hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông vì trong quá khứ Bắc Kinh đã tận dụng những lúc mà Việt Nam hay các nước trong khu vực có khó khăn để tiến hành xâm lược các đảo, đá ở Biển Đông (quần đảo Hoàng Sa năm 1974, một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 và 1995).

Có những ý kiến cho rằng, Việt Nam phải cảnh giác trước việc Trung Quốc bao vây, chặn đường tiếp tế của Việt Nam ra Trường Sa hoặc các nhà giàn (đặc biệt, Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa, biến đá Chữ Thập thành đồn điền quân sự án ngữ ngay sườn phía Tây Nam biển Việt Nam). Vậy Việt Nam cần làm gì để ứng phó với sự bành trướng của Bắc Kinh?

Trước hết, Việt Nam cần giữ vững được trên thực địa. Hiện Việt Nam đang quản lý, kiểm soát 21 thực thể ở Trường Sa và có hệ thống nhà giàn trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và phải kiên quyết giữ cho bằng được những vị trí này. Nếu không thì sẽ bị đe dọa rất lớn.

Trong các biện pháp ngoại giao hòa bình để giữ vững chủ quyền đối với các đảo, đá và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam cần triển khai đồng bộ các biện pháp dưới đây

Một là, Việt Nam cần tiếp tục gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối Trung Quốc. Đây cũng là bước chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý và tại các diễn đàn quốc tế, khu vực.

Việt Nam cũng cần tranh thủ vận động các nước liên quan trực tiếp như Malaysia, Philippines cùng gửi công hàm phản đối yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong hơn một tháng qua, những hành vi của Trung Quốc đối với Biển Đông đã xâm phạm nghiêm đến lợi ích của hai nước này. Chẳng hạn như việc tàu chiến Trung Quốc chĩa laser vào tàu hải quân Philippines hay việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển xâm lấn quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia.

Việc Trung Quốc công bố lập 2 đơn vị hành chính “quận Tây Sa (Hoàng Sa)” và “quận Nam Sa (Trường Sa)”; đặt tên 80 thực thể ở Biển Đông và cả công hàm ngày 17/4 đều liên quan trực tiếp đến Malaysia và Philippines. Điều đáng mừng là cả hai nước này đã đều lên tiếng chỉ trích hành vi hung hăng của Bắc Kinh. Tuy nhiên chưa đủ mạnh mẽ, cần có sự phối hợp giữa 3 nước trong việc lên tiếng phản đối sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc.

Hai là, năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nên tận dụng vị thế này để làm việc cùng các thành viên khác trong ASEAN đưa ra một tuyên bố chung liên quan đến tình hình Biển Đông. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Malaysia, Philippines là hai nước liên quan trực tiếp đến các tranh chấp Biển Đông, tranh thủ Indonesia và Singapore để tăng cường sự nhất trí trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Điều đáng mừng là Indonesia, một nước lớn trong ASEAN, vừa qua đã lên tiếng công khai bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông.

Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ cuối tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, khẳng định sẽ đứng về phía các nước ASEAN để ngăn chặn sự bành trướng và các hành vi bắt nạt láng giềng của Trung Quốc, ủng hộ các nước ven Biển Đông khai thác tài nguyên trong vùng biển hợp pháp của mình. Việt Nam cần tranh thủ Mỹ tại các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, diễn đàn an ninh khu vực (ARF) và diễn đàn Đông Á (EAS) để vấn đề Biển Đông trở thành một nội dung quan trọng của các diễn đàn này.

Ba là, năm 2020 – 2021, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cần tranh thủ đưa nội dung Biển Đông vào các cuộc họp của Liên hợp quốc, kêu gọi sự lên tiếng của các nước khác trong cộng đồng quốc tế.

Đại dịch Covid-19 tạo ra tâm lý “bài Trung Quốc” trên toàn cầu, nhất là tại các nước châu Âu bởi việc Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh đã làm cho cả châu Âu phải lao đao, hơn nữa Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để trục lợi qua các thiết bị y tế, khẩu trang kém chất lượng. Đây là cơ hội để Việt Nam tranh thủ các nước đứng về phía chính nghĩa của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.

Bốn là, Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 như Philippines đã làm năm 2013 nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn. Việt Nam khởi kiện lúc này thuận lợi hơn Philippines rất nhiều bởi lẽ phán quyết ngày 12/7/2016 đã bác bỏ “đường lưỡi bò” và xác định các cấu trúc thuộc Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, đã trở thành án lệ hết sức quan trọng. Hơn nữa, ở thời điểm hiện nay, việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế.

Năm là, đại dịch Covid-19 tạo ra một cuộc chuyển dịch mạnh mẽ các nhà máy sản xuất linh kiện kỹ thuật cao từ Trung Quốc. Mỹ, Nhật đang đi đầu trong việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyến dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Để chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng kinh tế thịnh vượng” bằng việc tổ chức cuộc đối thoại giữa nhóm “Bộ tứ”, gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ và mời thêm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam.

Theo đó, các chuỗi cung ứng quan trọng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử kỹ thuật cao… được Mỹ lên kế hoạch cần phải nhanh chóng chuyển rời khỏi Trung Quốc. Việt Nam nên tranh thủ tham gia mạnh mẽ vào “Mạng kinh tế thịnh vượng” nhằm giữ vai trò trong việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực kinh tế để có thể phát triển lực lượng hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Mặt khác, việc Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có quan hệ hợp tác mật thiết với nhóm “Bộ tứ” sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế và khu vực, khiến Trung Quốc khó có thể gây hấn hay sử dụng vũ lực đối với Việt Nam, kể cả ở Biển Đông.

Đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức mới mà Việt Nam phải ứng phó, song xét ở một góc độ khác, nếu Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội của tái cơ cấu chuỗi cung ứng thì có thể phát triển nâng cao tiềm lực quốc gia, chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới