Saturday, May 4, 2024
Trang chủQuân sựSứ quán Mỹ - Trung ở Myanmar khẩu chiến

Sứ quán Mỹ – Trung ở Myanmar khẩu chiến

Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar cáo buộc Mỹ bôi nhọ nước này, sau khi sứ quán Mỹ nói Bắc Kinh “phá hoại chủ quyền các nước láng giềng”.

Đại sứ quán mỹ tại Myanmar Scot Marciel ở Yangon năm ngoái.

Đại sứ quán Mỹ tại Yangon hôm 18/7 ra tuyên bố gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần của chiến dịch “lớn nhằm phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng”. Họ cũng chỉ trích việc Trung Quốc ban hành luật an ninh ở Hong Kong.

Họ nói rằng có sự tương đồng giữa các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hong Kong với các dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào Myanmar mà Mỹ cảnh báo có thể trở thành bẫy nợ, cùng với việc buôn bán phụ nữ từ Myanmar sang Trung Quốc làm cô dâu và buôn ma túy từ Trung Quốc vào Myanmar.

“Đây là cách chủ quyền hiện đại thường bị mất, không phải thông qua những hành động kịch tính, công khai, mà qua một loạt hành động nhỏ hơn dẫn đến xói mòn theo thời gian”, đại sứ quán Mỹ nói trong tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon hôm nay ra tuyên bố đáp trả, nói rằng các cơ quan Mỹ ở nước ngoài đang làm “những điều đáng ghê tởm” để kiềm chế Trung Quốc và đã thể hiện “bộ mặt ích kỷ, đạo đức giả, đáng khinh và xấu xí”.

Sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng tuyên bố của Mỹ thể hiện thái độ đố kỵ đối với “mối quan hệ Trung Quốc – Myanmar ngày một tốt đẹp” và “lại là một trò hề của giới chức Mỹ nhằm lái sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước, tìm kiếm lợi ích chính trị ích kỷ”.

“Trước tiên, Mỹ nên soi mình vào gương xem giờ họ có còn ra dáng nước lớn hay không”, tuyên bố của sứ quán Trung Quốc có đoạn.

Myanmar ngày càng trở thành chiến trường ảnh hưởng Mỹ – Trung, kể từ khi mối quan hệ giữa chính quyền Aung San Suu Kyi và phương Tây trở nên căng thẳng vì cách Myanmar đối xử với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.

Nhà sử học Thant Myint-U cho biết mặc dù Myanmar có giá trị kinh tế không đáng kể đối với Mỹ – Trung, họ có tầm quan trọng chiến lược là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục và Vịnh Bengal ở đông bắc Ấn Độ Dương.

“Kể từ khi độc lập năm 1948, Myanmar cố gắng làm bạn với tất cả mọi bên, nhưng không rõ liệu có thể duy trì điều đó khi cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng dữ dội hay không”, ông nói.

Căng thẳng Mỹ – Trung sục sôi vì một loạt vấn đề. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách “đường chín đoạn”, cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21.

Tổng thống Mỹ Trump hôm 15/7 cho biết ông không loại trừ biện pháp trừng phạt bổ sung đối với quan chức Trung Quốc sau khi ký ban hành Đạo luật Tự trị Hong Kong. Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ cũng sẽ hạn chế thị thực đối với một số nhân viên các công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei.

Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt của Washington xoay quanh luật an ninh Hong Kong và chỉ trích quan chức Mỹ “can thiệp thô bạo” các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện các phản ứng cần thiết đối với “hành động sai trái” này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17/7 chỉ trích Mỹ “một mực theo đuổi chính sách ‘nước Mỹ trước tiên’, đẩy chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt đến giới hạn”. Ông nói rằng Mỹ “thực sự mất trí, đạo đức và cả uy tín” khi “sử dụng đến những biện pháp cực đoan và thậm chí tạo ra các điểm nóng đối đầu trong các mối quan hệ quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới