Saturday, May 18, 2024
Trang chủĐiểm tin"Chủ nghĩa dân tộc vaccine Covid-19"

“Chủ nghĩa dân tộc vaccine Covid-19”

Đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức toàn cầu, trong đó cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách. Sản xuất thành công vaccine phòng bệnh giờ đây được coi là niềm hy vọng duy nhất để đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường.

Một phòng thí nghiệm nghiên cứu vaccine của Nga

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít tranh cãi, thậm chí được mô tả như một cuộc chiến vaccine, phản ánh phần nào cách thức mà các nước đang loay hoay tìm hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Cuộc đua nước rút

Những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là chưa thể lường hết. Hàng loạt đánh giá ban đầu xem nhẹ virus SARS-CoV-2 đang phải trả giá, với hậu quả là số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng mạnh trên toàn thế giới, bất kể thời tiết mùa đông hay mùa hè, bất kể quốc gia phát triển hay nghèo đói.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã phần nào góp phần làm chậm đà lây lan dịch bệnh, song cũng khiến nền kinh tế toàn cầu tổn hại nghiêm trọng.

Ngay khi các nước mở cửa trở lại, dù hết sức dè dặt, làn sóng dịch bệnh thứ hai đã chứng tỏ loại virus chết người này nguy hiểm như thế nào.

Lời kêu gọi “sống chung” với virus SARS-CoV-2 được không ít nhà lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế đưa ra, nhưng rõ ràng trong thâm tâm, không ai muốn một “trạng thái bình thường mới” kéo dài hoặc lặp đi lặp lại dường như bất tận.

Mọi nỗ lực đang tập trung vào con đường sản xuất vaccine phòng bệnh, biến lĩnh vực này trở thành một cuộc đua nước rút khốc liệt.

Đây không chỉ là cuộc đua của toàn nhân loại với thời gian và dịch bệnh, mà còn là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp vì nhiều mục đích khác nhau như uy tín, lợi nhuận và các lợi ích khác.

Ở một góc độ nào đó, sự cạnh tranh có những tác động tích cực giúp đẩy nhanh tiến trình điều chế ra vaccine giữa lúc nguy cấp.

Bên cạnh đó, việc có nhiều bên tham gia nghiên cứu sản xuất sẽ đưa tới kết quả tất yếu là có nhiều “mặt hàng” đa dạng để “khách hàng” lựa chọn.

Những tin tức dồn dập về thành công ban đầu trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng một số loại vaccine phòng COVID-19 cùng hàng trăm loại khác tiếp tục được nghiên cứu sản xuất đã thắp lên niềm hy vọng cho toàn thế giới.

Ngày 3/8, Nga thông báo nước này đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới và sang năm 2021 sẽ sản xuất hàng triệu liều mỗi tháng.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu một vài mẫu vaccine, trong đó có vaccine được bào chế tại Viện Gamaleya ở Moscow đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Còn tại Mỹ, những tín hiệu lạc quan cũng liên tiếp xuất hiện. Công ty dược phẩm Inovio Enterprises Inc ngày 30/7 thông báo vaccine phòng COVID-19 do công ty này đang phát triển đã cho thấy hiệu quả khi thử nghiệm trên khỉ.

Johnson & Johnson cũng đã khởi động các thử nghiệm về mức độ an toàn đối với con người của vaccine do tập đoàn này nghiên cứu.

Trước đó 3 ngày, hãng dược phẩm Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ thông báo đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ ba vaccine mRNA-1273.

Đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Mỹ tiến tới giai đoạn thử nghiệm trên quy mô 30.000 người tham gia. Lãnh đạo hãng Moderna khẳng định theo đuổi kế hoạch cung cấp khoảng 500 triệu liều vaccine mỗi năm và cố gắng đạt 1 tỷ liều mỗi năm bắt đầu từ năm 2021.

Tại Trung Quốc, tập đoàn dược phẩm quốc gia Sinopharm của nước này hôm 23/7 thông báo một loại vaccine tiềm năng phòng COVID-19 do tập đoàn này bào chế khả năng sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi từ cuối năm nay.

Hôm 20/7, Trung Quốc cũng loan tin loại vaccine Ad5-nCOV do công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế đã chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi.

Kết quả được công bố sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành giai đoạn hai cuộc thử nghiệm vaccine ở hơn 500 người tại Trung Quốc.

Tại châu Âu, loại vaccine phòng COVID-19 thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế đã cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho biết, thế giới đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng COVID-19 với một số loại đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch.

Theo WHO, trên thế giới hiện có hơn 150 vaccine tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm nhằm chặn đứng đại dịch COVID-19, trong đó có 25 “ứng viên” vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở người.

“Chủ nghĩa dân tộc vaccine”

Trong khi cuộc đua bào chế vaccine còn đang diễn ra thì giới phân tích đã chỉ ra hàng loạt thách thức mà cách tiếp cận hiện nay có thể gây ra. Điều dễ nhận thấy là những tín hiệu tích cực về sản xuất vaccine chỉ tập trung ở những quốc gia giàu có, những cường quốc “kỳ cựu” và những tập đoàn danh tiếng.

Ngoài Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu, chưa có thêm thông báo khả quan nào. Thực tế này chứng tỏ không có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu trong tiến trình bào chế vaccine phòng COVID-19.

Giới chuyên gia cảnh báo, nghiên cứu và sản xuất vaccine đòi hỏi một quá trình lâu dài, thông thường mất vài năm, thậm chí hàng thập kỷ.

Vaccine ngừa bệnh quai bị đến nay vẫn là loại được phát triển nhanh nhất trong lịch sử cũng phải mất tới 4 năm để ra đời. Khi thời gian càng cấp bách, như vaccine phòng COVID-19 được kỳ vọng sẽ ra mắt đại trà trong vòng 12-18 tháng, thì đòi hỏi về nguồn lực đầu tư và quy mô thử nghiệm càng phải lớn hơn.

Việc các nước có đủ tiềm lực “đóng cửa” tự nghiên cứu đã làm cho nguồn lực bị phân tán, quy mô thử nghiệm bị hạn chế.

Theo giới chuyên gia, khi virus SARS-CoV-2 vẫn còn là một bí ẩn, một khoản đầu tư ước tính trị giá khoảng 145 tỷ USD (tương đương 17% GDP toàn cầu) mới là mức lý tưởng. Ngay cả các quốc gia giàu có nhất như Mỹ cũng khó có khả năng đáp ứng con số này.

Bên cạnh đó, việc rút ngắn quy trình nghiên cứu và sản xuất để cạnh tranh có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng của vaccine.

Theo trình tự thông thường, vaccine phải trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo an toàn và hiệu quả mới có thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, một số nước đã “gộp” các giai đoạn thử nghiệm với nhau để “đi tắt đón đầu”.

Cuộc đua về đích đầu tiên cũng gây ra sự đố kỵ và hoài nghi lẫn nhau. Giữa các cường quốc hàng đầu như Mỹ cùng các đồng minh phương Tây với Nga và Trung Quốc thậm chí đã nổ ra “cuộc chiến vaccine” với những cáo buộc tấn công mạng, phát động chiến dịch tình báo nhằm đánh cắp bí mật công nghệ liên quan tới vaccine phòng COVID-19.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc hay Nga nếu hai nước này có vaccine trước Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, quan chức dịch tễ học hàng đầu của Mỹ khẳng định việc Trung Quốc và Nga có thể sản xuất được vaccine trước Mỹ là điều khó có thể xảy ra.

Ông Fauci cũng nhấn mạnh không có khả năng Mỹ sử dụng bất kỳ loại vaccine nào được phát triển ở một trong hai nước này với lý do các quy định an toàn mơ hồ hơn rất nhiều so với phương Tây.

Sau tất cả những tranh cãi và ganh đua, các chuyên gia còn chỉ ra một hậu quả đáng buồn khác là sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước và giữa các nhóm dân cư khác nhau.

Trong khi Mỹ, châu Âu có thể rót hàng tỷ USD cho các tập đoàn dược phẩm danh tiếng như Sanofi, GSK, Pfizer hay AstraZeneca nghiên cứu sản xuất vaccine và “xí phần” trước hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ liều, thì các nước nghèo chắc chắn bất lực trong cuộc đua này.

Gayle Smith, CEO của tổ chức phi lợi nhuận One Campaign chỉ trích: “Một số nước đang làm chính xác điều mà chúng ta lo sợ – đó là họ chỉ đặt lợi ích của mình lên trên hết”.

Thế giới hiện cũng có một số chương trình hỗ trợ các quốc gia nghèo, trong đó có quyền tiếp cận vaccine.

Ví dụ điển hình là chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ cho 90 quốc gia nghèo trên toàn thế giới được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với các loại vaccine ngừa COVID-19.

Mục đích của chương trình là cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 – hiệu quả và được chứng nhận – vào cuối năm 2021. Hiện đã có hơn 75 quốc gia bày tỏ nguyện vọng tham gia COVAX, nhưng cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều không nằm trong danh sách này.

Nỗ lực của một nhóm nước, thậm chí nhiều nước nghèo có lẽ là không đủ để bù đắp khoảng cách do cái mà giới phân tích gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine” gây ra.

Trong thế giới kết nối hiện nay, việc một quốc gia hay một khu vực có được vaccine phòng COVID-19 không đồng nghĩa với sự an toàn tuyệt đối và không có gì đảm bảo khả năng miễn dịch đó là vĩnh cửu.

Các nhà lãnh đạo thế giới luôn nhất trí rằng các nước cần đoàn kết và đạt đồng thuận nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, các mối đe dọa phi truyền thống…

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cách tiếp cận nghiên cứu sản xuất vaccine nhằm ngăn chặn dịch bệnh này một lần nữa cho thấy thế giới cần những hành động thiết thực hơn mọi lời kêu gọi.

Bất đồng và tham vọng có thể khiến mọi nỗ lực đơn lẻ trở nên vô nghĩa mà người ta chỉ nhận ra hậu quả sau khi đã hứng chịu.

RELATED ARTICLES

Tin mới