Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAsean trong “hành lang hẹp”?

Asean trong “hành lang hẹp”?

“Hành lang hẹp”là một cách nói thể hiện cái khó của Asean về đối ngoại với  các cường quốc, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ -Trung ngày càng căng thẳng trên Biển Đông.

Các nước Asean trong thế kẹt Mỹ – Trung Quốc  

Ngược thời gian, vài năm trước, sốt ruột việc các nước, các bên trong khu vực cứ “chí chóe” liên tục, dai dẳng không dứt về việc “cái này của tao; cái kia của tao” trên Biển Đông, có người đã đau lòng cảm thán, đại loại rằng: Biển Đông đủ rộng cho tất cả chúng ta. Sao phải căng thẳng, tranh giành nhau đến vậy?

Tiếng nghẹn ngào nêu trên có người nghe, người cảm, không rơi vào quên lãng.

Nhưng sự đời, rên rẩm để người khác mủi lòng thì nhiều lắm chỉ giải quyết được những việc bé tí ti. Còn một khi, chuyện liên quan miếng mồi lớn, lợi ích lớn của quốc gia, dân tộc, như chuyện Biển Đông với mênh mông kho báu, nào dầu, nào cá…lại còn chuyện giao thông, vận tải…, khóc nấy, chứ khóc hết nước mắt, cũng…đợi đấy nhé. Chưa kể, lúc ai kia lã chã nước mắt, cuộc cãi cọ mới diễn ra chủ yếu giữa một bên là Trung Quốc cuồn cuộn cơ bắp, hoang dã, sẵn sàng gây sự, với một bên, cơ bản gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia; các nước phương Tây coi như chỉ mới lảng vảng bên ngoài, nói là chính, chứ làm thì ít.  

Nhìn qua cũng thấy, xét về tương quan, dẫu có “4 cây chụm lại”, chứ chưa nói “ông chẳng, bà chuộc”, mấy nước Asean kia vẫn là quá yếu đuối so với Trung Quốc. Thế nên, trong cuộc đấu, trong khi Trung Quốc thích là gây gổ, thì các nước kia thường chỉ đấu lại bằng cách ra “đòn pháp lý”.

“Đòn pháp lý” không tồi. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn đánh giá, nó có thể tạo ra những cái thế rất mạnh cho các nước trong việc bảo vệ chủ quyền, cũng như có thể tạo một bước tiến của nhân loại về công pháp và chính trị đối ngoại. Tuy nhiên, kiểu xử cho Philippines thắng chỉ với cách “giải thích” Unclos 1982, chứ không có chế tài pháp lý cụ thể thực thi, bắt buộc, như trong Phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA, nhiều lắm, chỉ khiến Trung Quốc “đeo mặt mo” trước thiên hạ, chứ không thể hãm nổi sự ngang ngược của họ.

Thực tế cho thấy, sau quả đấm pháp lý của Philippines, Biển Đông sôi sục, nóng bỏng hơn, do Trung Quốc chẳng coi phán quyết của PCA là “cái đinh” gì. Còn nhớ, Mỹ khi đó – trong tư cách nước không tham gia Unclos 1982, đã gần như lờ tịt phán quyết, chỉ đề cập vấn đề Biển Đông chủ yếu về phương diện tự do hàng hải.

Thế nên, khi Mỹ chính thức tỏ thái độ trong tuyên bố ngày 13/7, bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, dựa trên phán quyết của PCA, dư luận coi đây là bước ngoặt trong quan điểm về vấn đề Biển Đông của Washington. Hiển nhiên, thêm tiếng nói ủng hộ của cường quốc số 1, không chỉ Philippines, nguyên đơn vụ kiện – mà nhóm các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia cũng hồ hởi, phấn khởi, nghĩ là mình có lợi.

Vậy mà, câu chuyện hóa ra không vì thế mà bớt phức tạp. Bắc Kinh chỉ hơi “choáng” chút ít sau tuyên bố ngạo mạn của Washington. Ngay sau đó, định thần lại, họ lập tức phản đòn bằng hàng loạt động thái kiểu “ăn miếng, trả miếng”: đấu khẩu, giao thiệp ngoại giao, tập trận ở các cấp độ, mật độ, quy mô chưa từng có; và thực hiện các động thái vận động cả công khai lẫn dưới gầm bàn với các nước Asean theo kiểu vừa mua chuộc, vừa đe dọa…

Nhà trắng cũng đâu phải tay vừa. Tuyên bố ngày 13/7 hiển nhiên xuất phát trước tiên từ lợi ích của Mỹ muốn kiềm chế một Trung Quốc đang âm mưu lật đổ vị trí siêu cường số 1 của mình, nhưng trong thế nước lớn, trịch thượng lâu nay với cả thiên hạ, Washington, không nói toạc ra, bên trong hẳn vẫn coi đây như một sự “ban phát” ân huệ cho các nước Asean đang bị Trung Quốc áp bức, đè nén bấy lâu.

Đền đáp lại cái mà họ đơn phương nghĩ là “ban phát” đó, Mỹ muốn các nước Asean vẫy tay từ biệt Bắc Kinh, chìa bàn tay ấm áp, tin cậy ra với mình qua lời nói thẳng tưng rằng: “Mỹ kề vai sát cánh với các đối tác và đồng minh khu vực Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với tài nguyên ngoài khơi. Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là một đế chế hàng hải”.

Vậy là, các nước Asean bỗng lâm vào thế khó cựa trong một hành lang quá chật hẹp, cùng được/bị hai cường quốc chèo kéo nhằm tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược sát sạt nhà mình.

Cũng may, cuối cùng, cơ bản, các nước Asean liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông, bằng kinh nghiệm, trải nghiệm cả ngọt ngào và đau đớn, đều nhận ra rằng: trong tình huống này: hãy dè dặt và tỉnh táo. Đừng vồ vập một cách dại dột, ngả theo ai để rồi bị trở thành “vật tế thần” bất kỳ lúc nào trên bàn cân lợi ích của các nước lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới