Monday, May 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững “gửi gắm” của ông Tập Cận Bình trong bài diễn văn

Những “gửi gắm” của ông Tập Cận Bình trong bài diễn văn

Hôm 1/7, trong bộ trang phục màu ghi xám, giống hệt Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài diễn văn quan trọng, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài phát biểu có nhiều gửi gắm tới các thế lực “hiếu chiến”, chủ yếu nhằm vào Mỹ.

Trên tờ Sputnik, ông Alexander Domrin – Giáo sư Luật, Trường Kinh tế cao cấp, nhà nghiên cứu về nước Mỹ- cho rằng: “Chiến lược của Mỹ trong những năm gần đây là tách người dân Trung Quốc khỏi Đảng Cộng sản. Tức là gần giống như những gì xảy ra thời Xô-viết. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ:  Ai mới thật sự là ông chủ trong nước ?”

Những thông điệp cứng rắn từ Chủ tịch Tập là một tín hiệu gửi tới Mỹ. Rằng “các người sẽ không thể nào tách được người dân Trung Quốc ra khỏi Đảng Cộng sản” – đấy là vấn đề đầu tiên” – Giáo sư Domrin nhấn mạnh.

Lời nhắn thứ hai gửi đến Washington trong tuyên bố của ông Tập là: Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép nước khác tước đoạt chủ quyền của đất nước. Hiển nhiên những lời này không hướng đến Ấn Độ hay Nga, mà là Mỹ.

Như quý bạn đọc đã biết, ở Mỹ, người ta có thể rất là lo ngại, nếu Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc kinh tế như trong diễn văn của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, thì chắc chắn sẽ gây ra những mối đe dọa, trước hết là sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Dư luận thế giới không bất ngờ mà chỉ thêm cảnh giác cao trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và lắm mưu nhiều kế hiểm, hòng vươn lên vị trí bá chủ thế giới. Từ khi ông Tập lên cầm quyền, giọng điệu hiếu chiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ trong giới quan chức cấp cao và trên báo chí.

Trong các tờ báo thì Thời báo Hoàn cầu được cho là tên lính xung kích, nhanh nhạy và “cả vú lấp miệng em”. Báo này từng viết:  “Người Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi có những tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia láng giềng đã bị Mỹ xúi giục đối đầu với Trung Quốc”.

     Tại sao bỗng đâu Mỹ trở thành kẻ xúi giục? Và các nước liên quan đâu dễ bị Washington dẫn dắt. Trung Quốc có tranh chấp trên biển với nhiều nước, như: Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Brunei, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan – đứa con bướng bỉnh của Đại lục.

Trên đất liền Trung Quốc có tranh chấp với Nga, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Lào, Mông Cổ và Myanmar.

Tuy có tranh chấp với nhiều quốc gia nhưng khi cần tỏ thái độ cứng rắn thì đương nhiên Trung Quốc phải nhằm tới Mỹ. Khi con hổ lớn đã quay lui thì đám ngựa vằn, cầy cáo cũng phải chuồn thôi. Do vậy, Bắc Kinh muốn gieo rắc vào tâm trí của cộng đồng quốc tế một lời phủ nhận. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cho rằng: “Chúng ta phải làm rõ một số điều. Thứ nhất, phía bên kia, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên phá vỡ nguyên trạng. Thứ hai, phía bên kia mới là kẻ khiêu khích trong một tình huống phức tạp”.

“Phía bên kia” chính là con hổ lớn Mỹ.

Vẫn theo Hồ Tích Tiến: “Trung Quốc phải là một quốc gia dám chiến đấu. Và điều này cần dựa trên cả sức mạnh và đạo đức. Chúng tôi có sức mạnh trong tay, chúng tôi có lý lẽ và chúng tôi không e sợ đứng lên bảo vệ những tài sản quan trọng của mình”.  

Từ khi nắm giữ chiếc ghế cao nhất ở Trung Nam Hải, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn chú ý xây dựng quyền lực cá nhân dựa trên niềm tự hào dân tộc. Để duy trì được quyền lực, thì phải có kết quả cụ thể. Thí dụ, ông Tập nhiều lần tuyên bố, việc thống nhất Đài Loan là cần thiết để phục hưng dân tộc Trung Hoa. Sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa sẽ là “kết quả” lớn nhất mà hơn một tỷ người Trung Quốc hướng tới.

Điều mà Bắc Kinh đau đầu nhất là họ không thể giành lại hoàn toàn các vùng lãnh thổ tranh chấp, cả trên biển và đất liền, bằng con đường kinh tế và ngoại giao. Các nước có tranh chấp sẽ không bao giờ chấp nhận tuyên bố chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc. Ấn Độ sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình ở vùng núi cao trên dãy Himalaya. Đài Loan không dễ dàng từ bỏ nền dân chủ và độc lập của mình. Việt Nam, Nhật Bản và Philippines không khoanh tay để các ngư trường truyền thống bị Trung Quốc cướp trắng.  

Vì vậy, quân đội Trung Quốc đã được chuẩn bị các tình huống chiến đấu bất ngờ khi Mỹ sẽ không đích thân can dự, đó là sự phản kháng của Việt Nam, Philippines hoặc Ấn Độ. Còn đối với những tình huống dù Mỹ đích thân can dự thì Trung Quốc cũng có ưu thế riêng, có “bài” của mình.

Ông Tổng biên tập Hồ Tích Tiến huênh hoang: “Chúng tôi tự tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với các lực lượng láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tương tự, nếu chiến sự với Mỹ nổ ra gần khu vực ven biển Trung Quốc, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội giành chiến thắng”.

Trở lại bài diễn văn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là những tuyên bố sặc mùi dân tộc chủ nghĩa. Nó phù hợp với chiến lược ngoại giao “chiến lang” của nước này. Nó đe dọa không phải từ xa nữa mà trực tiếp đối với Mỹ, nhất là ông Tổng thống Biden. Và như thế chớ có ai hi vọng rằng, tới đây tranh chấp trên Biển Đông sẽ dịu đi, như những lời đầu lưỡi “hòa bình, hữu nghị” của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới