Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnVIỆT NAM quyết liệt xử lý việc đi bắt cá trái phép...

VIỆT NAM quyết liệt xử lý việc đi bắt cá trái phép ở nước ngoài

Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 198/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tàu cá của ngư dân trên vùng biển Kiên Giang.

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã quyết liệt chỉ đạo công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, gỡ “Thẻ vàng”, với sự nỗ lực, quyết tâm của các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, mặc dù tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả quan trọng: (i) Hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện; (ii) Tình hình thực thi pháp luật, ý thức của ngư dân chuyển biến tích cực, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước; (iii) Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu và thiết bị giám sát tàu cá (VMS) được đầu tư, lắp đặt, kết nối từ trung ương tới địa phương; (iv) Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện; (v) Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá được quan tâm nâng cấp.

Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, một số vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác chưa đảm bảo theo quy định; việc điều tra, xử lý đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU, tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật… Hệ lụy khi bị cảnh báo “Thẻ vàng” không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, phát triển kinh tế, xã hội, quan trọng còn ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia; nếu để bị cảnh báo “Thẻ đỏ” sẽ tác động tiêu cực đến ngành thủy sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương đầu tư nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển đồng bộ, hiện đại; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thanh, kiểm tra hàng hải sản nhập khẩu vào Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp hợp tác khai thác hải sản với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hợp pháp.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới; nắm bắt phản ứng, động thái và dư luận các nước trước tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác thủy sản theo quy định; đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao truyền tải thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác IUU; tăng cường nắm tình hình, phối hợp giải quyết vụ việc liên quan đến tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại các nước, kịp thời phản đối các vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài đối xử thô bạo trên các vùng biển, nhất là tại các vùng biển chồng lấn, đang đàm phán phân định; phối hợp với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan chủ động xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch thông tin, tuyên truyền trong và ngoài nước về những nỗ lực, kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam; tăng cường thời lượng, chất lượng, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền cho ngư dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới