Sunday, May 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiY-20, “Khủng long” của TQ

Y-20, “Khủng long” của TQ

Truyền thông quốc tế, trong đó có tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ, trong những ngày qua, có nhiều bình luận cho rằng: việc Trung Quốc đưa máy bay vận tải Y-20 cất cánh và hạ cánh trên Đá Chữ Thập, Subi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) là một động thái mới, có thể khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng trong thời gian tới.

Ảnh Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc

Trước sự kiện này, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay lập tức và không lặp lại các hành động như vậy; tôn trọng luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên biển. Tuyên bố của Việt Nam là cứng rắn, nhưng ai cũng biết, đừng hòng hy vọng Trung Quốc vì thế mà tử tế, bớt hung hăng hơn.

Thực ra, sự kiện Y-20 hạn cánh trên cả ba đảo nhân tạo không phải phát hiện gì mới mẻ và ghê gớm của truyền thông phương Tây. Thời báo hoàn cầu – ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc –  còn thông tin sự kiện này sớm và rầm rộ hơn từ giữa tháng 9. Hải quân Trung Quốc cũng không im tiếng. Mượn miệng một tài khoản mạng xã hội, Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên đã công khai thừa nhận các căn cứ ở Trường Sa đã được sử dụng để chứa các máy bay lớn, điều mà lâu nay, Bắc Kinh, hoặc mập mờ, hoặc chối đây đẩy trước sự phê phán của cộng đồng quốc tế, nhất là các bên liên quan yêu sách chủ quyền Biển Đông.

Trong lực lượng không quân của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Y-20, tới nay vẫn được coi là át chủ bài, là “khủng long” trong dòng máy bay vận tải. Y-20  được nghiên cứu, phát triển từ năm 2006. Loại máy bay này có tầm bay từ 4.500 km đến 7.500 km (tùy khối lượng hàng hóa), vận tốc tối đa 918km/giờ, độ cao tối đa 13 km và trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, trong đó 66 tấn là hàng hóa.

Với tầm bay đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa quân đội đến hầu hết các khu vực ở châu Á, châu Âu, Alaska, Australia và Nam Phi. Nếu được bố trí tại khu vực đảo Hải Nam, Y-20 có thể bao trọn Biển Đông. Còn bố trí tại các đảo nhân tạo như Đá Chữ Thập, Subi và Đá Vành Khăn, tầm hoạt động của nó đương nhiên còn  rộng hơn nhiều. Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã sử dụng Y-20 viện trợ y tế giúp Campuchia chống dịch COVID-19, và tham gia cuộc tập trận  quân sự chiến lược Kavkaz-2020 với Nga.

Trong các dòng máy bay vận tải quân sự của các cường quốc, Y-20 vượt xa cả dòng IL-76 của Nga, chỉ chịu thua Boeing C-17 Globemaster III, được ví như “ngựa thồ” của Mỹ có tải trọng hàng hóa tới 77 tấn, tầm hoạt động tới hơn 10.000km. Hiển nhiên là Bắc Kinh cay cú vì sự lép vế trước đối thủ. Thế nên, đã từ lâu, họ ráo riết chạy đua bằng qua việc thay thế cho Y-20 loại  động cơ mạnh hơn, nâng tải trọng, hạ mức tiêu hao nhiên liệu… Trung Quốc hy vọng, nhờ đó Y-20 có thể bay xuyên lục địa kèm theo lượng khí tài quân sự, quân nhân nhiều hơn để chiếm lợi thế trong các tình huống quân sự khẩn cấp.

Vậy nên, liên quan sự kiện này, nhiều chuyên gia nhận định rằng: Bắc Kinh đang cố tình “phô ra”, chứ không phải “đậy lại”. Hạ cánh thành công con “khủng long” Y-20 trên các đảo nhân tạo, Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng: không quân của Trung Quốc “không phải dạng vừa đâu”. Nhờ Y-20 đậu sẵn trên các đá Chữ Thập, Subi vàVành Khăn, Trung Quốc hoàn toàn có thể triển khai lực lượng trong phạm vi rộng lớn ở Biển Đông, phục vụ cho tham vọng kiểm soát khu vực này, đồng thời, thách thức sức mạnh, sự can dự vào Biển Đông của các cường quốc khác, nhất là Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới