Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNATO “ra đòn” ngăn chặn TQ

NATO “ra đòn” ngăn chặn TQ

Hội nghị thượng đỉnh NATO hiện đang tổ chức tại Madrid đã thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới. Theo cách nói của các nhà lập pháp Mỹ, hội nghị thượng đỉnh năm nay là “bất thường”.

Các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh Nato 2022 tại Tây Ban Nha.

NATO nhận thức được rằng những thách thức ngày càng tăng từ ĐCSTQ tạo thành một thực tế an ninh mới và khối này phải tăng cường khả năng răn đe của mình. Ba động thái lớn của NATO trong hội nghị thượng đỉnh này khiến ĐCSTQ lo sợ.

Động thái 1: Chiến lược mới lần đầu tiên kết hợp các thách thức của ĐCSTQ

Các nhà lãnh đạo NATO đã áp dụng một chiến lược mới xác định kế hoạch quốc phòng của NATO trong thập niên tới. Điều đáng lo ngại nhất đối với ĐCSTQ là chiến lược mới lần đầu tiên bao gồm thách thức của ĐCSTQ, miêu tả ĐCSTQ đang đặt ra một “thách thức có tính hệ thống”.

Chiến lược mới nêu rõ rằng ĐCSTQ tìm cách kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quan trọng, cơ sở hạ tầng quan trọng, nguồn cung chiến lược và chuỗi cung ứng, sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để xây dựng các mối quan hệ phụ thuộc chiến lược và gia tăng ảnh hưởng của mình.

Chiến lược mới cũng cho biết NATO sẽ nâng cao nhận thức chung và ngăn chặn “các chiến thuật ép buộc và nỗ lực chia rẽ liên minh” của Trung Quốc.

Chiến lược mới cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng vũ khí hạt nhân nhưng thiếu minh bạch.

Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Tư (29/6) rằng khi Trung Quốc mở rộng tham vọng chiến lược, khái niệm chiến lược mới của NATO tất nhiên phải đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Bà Truss cũng nói rằng cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc sẽ là một “tính toán sai lầm thảm khốc”. Bà nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh và các quốc gia khác nên xem xét lại quan hệ thương mại với các quốc gia có hành vi cưỡng bức kinh tế.

Bà Truss nói rằng thương mại nên hướng vào các quốc gia có thể tin cậy được.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, Thượng nghị sĩ Mỹ bà Jeanne Shaheen nói rằng chiến lược mới mà NATO đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh không chỉ tập trung vào sự xâm lược của Nga mà còn nói về Trung Quốc và ảnh hưởng tiềm tàng của nước này đối với các nước NATO.

Bà Shaheen nhấn mạnh rằng đây là một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, “các nước NATO đã nói rõ với phần còn lại của thế giới rằng họ không chỉ ủng hộ lẫn nhau, mà còn ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Trương Quân (Zhang Jun), cho biết hôm thứ Ba (28/6) rằng Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” trước “sự điều chỉnh chiến lược” của NATO khi liên minh này đang cố gắng tập trung vào các vấn đề then chốt để đối phó với Trung Quốc trong tương lai.

Động thái 2: Lần đầu tiên NATO mời bốn nước châu Á – Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh

Một điểm bất thường khác của hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand được mời tham dự.

Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng một liên minh tương tự ở châu Á – Thái Bình Dương. Lần này, NATO, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã mời bốn nước Châu Á – Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh, điều này khiến ĐCSTQ càng lo lắng về khả năng này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) hôm thứ Tư bày tỏ sự không hài lòng về việc NATO tiếp tục tiến vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Ông cũng chỉ trích NATO lập bang kết phái.

Thượng nghị sĩ Thom Tillis, đồng chủ tịch Nhóm quan sát NATO của Thượng viện Hoa Kỳ, tuần trước cho biết cuộc họp NATO sẽ là một “hội nghị thượng đỉnh bất thường”. Ông đang đề cập đến thực tế là NATO đang mở rộng liên minh và vươn ra châu Á – Thái Bình Dương để chống lại tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Tillis nói với tờ Washington Post rằng: “Đây là một hội nghị thượng đỉnh bất thường, chưa kể chúng tôi có hai quốc gia không liên kết (Phần Lan và Thụy Điển) muốn gia nhập (NATO) và thêm 830 dặm biên giới với Nga. Mặt khác, chúng tôi có các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương đến vì NATO ngày càng nhận ra rằng Trung Quốc là một mối đe dọa ở đó và việc họ (các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương) có mặt tại hội nghị thượng đỉnh là lịch sử”.

Các quan chức Mỹ cho biết trước hội nghị thượng đỉnh rằng lần đầu tiên bốn nước được mời để thế giới thấy rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine “không làm chúng tôi chuyển hướng chú ý khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại”.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức qua video vào tuần trước, ông Tập Cận Bình đã cáo buộc Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng các liên minh quân sự và chia nền kinh tế thế giới thành các khu vực loại trừ lẫn nhau.

Ông Trương Quân, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nói rằng Trung Quốc phản đối việc NATO tìm kiếm kẻ thù tưởng tượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hoặc tạo ra các tranh chấp và chia rẽ.

Ông Trương Quân cũng nói rằng Trung Quốc phản đối sự can dự của NATO vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sử dụng các liên minh quân sự để tạo thành một “phiên bản châu Á-Thái Bình Dương của NATO”.

Vivian Zhan, phó giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nói về sự tập trung của NATO vào ĐCSTQ: “Diễn biến mới chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc (ĐCSTQ) bất an, cảm thấy bị bao vây và bị đe dọa”.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg viết trên tờ Nikkei rằng đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của bốn đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương cùng nhau tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO để thảo luận về cách “tăng cường hợp tác của chúng ta khi đối mặt với thách thức an ninh nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên”.

Ông cho biết Bắc Kinh đã tham gia vào các nỗ lực của Moscow nhằm phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các chính sách cưỡng chế của họ đã thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO.

Năm ngoái, trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của NATO, NATO đã cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vì vậy, đầu năm nay, NATO đã nhất trí về một chương trình nghị sự nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung. “Chúng tôi hiện đang chuyển ý chí chính trị mạnh mẽ này thành hợp tác thực tế trong các lĩnh vực chính, bao gồm không gian mạng, công nghệ mới, chống thông tin sai lệch, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi”, ông Stoltenberg nói.

“Trong thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn này, chúng ta cần những người bạn thân và những đối tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Ông nói, “Những thách thức toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng ông mong muốn NATO làm sâu sắc hơn hợp tác với Nhật Bản và tất cả các đối tác cùng chí hướng để “thúc đẩy hòa bình, bảo vệ an ninh chung của chúng ta, đồng thời gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng bạo lực và đe dọa sẽ không được hồi báo”.

Động thái 3: Liên minh mở rộng của NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia

Hôm thứ Tư, 30 thành viên của NATO đã đưa ra quyết định tại một hội nghị thượng đỉnh ở Madrid để chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất về tình hình an ninh của châu Âu trong nhiều thập niên sau khi Nga xâm lược Ukraine buộc hai nước phải từ bỏ quan điểm trung lập truyền thống.

Trung Quốc đã phản đối sự mở rộng của NATO và đã cảnh báo về sự hiện diện của NATO và Mỹ ở châu Á.

Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết vào cuối tháng 4: “NATO, tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương, đã tuyên truyền rầm rộ và kích động xung đột ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây”. “NATO đã làm rối tung châu Âu, bây giờ có phải đang muốn làm rối tung khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí cả thế giới?”

Bình luận của ông Uông Văn Bân nhằm đáp lại nhận xét trước đó của Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss, người kêu gọi tăng cường sức mạnh của NATO sau chiến tranh Ukraine và cảnh báo rằng Trung Quốc nên “chơi theo luật”.

Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng lên. Mỹ ngày càng tin rằng xung đột Nga-Ukraine mang lại những lợi thế bất ngờ về lâu dài. Tờ Bloomberg đưa tin vào ngày 10/5 rằng các quan chức Mỹ cho rằng chi tiêu quốc phòng gia tăng ở châu Âu và sự suy yếu của Nga có thể đẩy nhanh sự chuyển hướng an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ tiếp tục coi việc gia tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Âu, cũng như ở Phần Lan và Thụy Điển, là những phát triển tích cực trong việc hai nước trở thành thành viên của NATO, điều này có thể cho phép Mỹ tiếp tục chính sách “xoay trục sang châu Á”. Động thái này được coi là cần thiết khi các giới chính sách của Mỹ ngày càng coi Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối thủ quân sự chính.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới