Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên phóng loạt tên lửa thách thức khả năng chống đỡ...

Triều Tiên phóng loạt tên lửa thách thức khả năng chống đỡ Hàn – Nhật

Loạt tên lửa Triều Tiên phóng những ngày qua cho thấy thách thức với nỗ lực theo dõi của Hàn Quốc và Nhật Bản, ngay cả trong thời bình.

Khó khăn với lá chắn tên lửa Hàn Quốc và Nhật Bản được thể hiện qua những thông tin bất nhất được công bố sau loạt phóng tên lửa của Triều Tiên trong tuần qua.

Chính phủ Nhật Bản sáng 3/11 cảnh báo tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua lãnh thổ, yêu cầu người dân tại ba tỉnh miền trung sơ tán đến hầm trú ẩn, nhưng sau đó đính chính thông tin và nói rằng tên lửa không bay qua đất Nhật. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada thừa nhận thông tin ban đầu bị nhầm lẫn do nước này “mất dấu quả đạn khi nó bay qua biển Nhật Bản”.

Quân đội Hàn Quốc trước đó cũng liên tục thay đổi con số tên lửa được Triều Tiên phóng trong buổi sáng, từ một quả lên ba tên lửa, sau đó nói rằng Bình Nhưỡng đã khai hỏa hơn 10 tên lửa đạn đạo.

Cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng những thông tin bất nhất này không phản ánh năng lực phòng thủ tên lửa của Tokyo hay Seoul. “Hàn Quốc và Nhật Bản đều muốn công bố thông tin càng sớm càng tốt, đôi khi họ đánh đổi độ chính xác để lấy tốc độ thông báo về sự việc”, người này cho hay.

Cựu quan chức Mỹ nói rằng dữ liệu sơ bộ về đường bay tên lửa được công bố cho người dân khác với dữ liệu thời gian thực được quân đội các nước sử dụng cho lá chắn phòng thủ. “Bản báo cáo đầy đủ sẽ cần nhiều thời gian để tính toán dữ liệu, kiểm tra và phân tích. Đó không phải những gì diễn ra trong các trung tâm chỉ huy phòng không, phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh”, ông nói.

Ankit Panda, chuyên gia về các vấn đề vũ khí hạt nhân tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Mỹ, cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản không có vệ tinh cảnh báo sớm trang bị cảm biến hồng ngoại như Mỹ.

“Vệ tinh cảnh báo có độ chính xác cao, đủ sức phát hiện tín hiệu hồng ngoại từ động cơ tên lửa không lâu sau khi nó rời bệ phóng. Mỹ luôn nắm thông tin về các vụ phóng tên lửa tốt hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi hai nước này vẫn phải dựa vào cảm biến trên mặt đất và tàu chiến để theo dõi tên lửa Triều Tiên”, ông nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới