Saturday, September 14, 2024
Trang chủBiển nóngNhật, Mỹ, Philippines thiết lập an ninh ba bên

Nhật, Mỹ, Philippines thiết lập an ninh ba bên

Nhật Bản, Philippines và Mỹ dự định thiết lập một khuôn khổ ba bên với sự tham gia của các cố vấn an ninh quốc gia, trong bối cảnh dấu ấn quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng rõ nét.

Trong một tường thuật ngày 28.3, hãng tin Kyodo dẫn lời ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. , tiết lộ các cuộc thảo luận đầu tiên của ba nước trong khuôn khổ mới có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 4. Ông Ano cho biết ông “sẵn sàng tham dự”, mặc dù thông tin chi tiết, bao gồm việc quốc gia nào sẽ chủ trì, vẫn chưa rõ ràng.

Một trợ lý của ông Ano hôm 24.3 cho hay đề xuất khởi động đối thoại an ninh ba bên đã được Nhật Bản đưa ra. Nhật Bản, cùng với Mỹ, tin rằng việc củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Philippines là điều cần thiết để tăng cường khả năng răn đe và chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng nếu xảy ra ở eo biển Đài Loan .

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Akiba dự kiến sẽ là hai đại diện còn lại trong đối thoại ba bên sắp tới, theo một nguồn tin trong chính phủ Mỹ.

Một nguồn tin khác trong chính phủ Mỹ cho biết cuộc gặp ba bên có thể sẽ diễn ra sau khi Mỹ và Philippines tổ chức “đối thoại an ninh 2+2” với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước tại Washington DC vào ngày 11.4. Đây sẽ lần đầu tiên kể từ tháng 1.2016 Washington và Manila tổ chức đối thoại này, báo hiệu chính quyền ông Marcos tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận khác về chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Ông Duterte, người giữ chức vụ trong sáu năm cho đến tháng 6.2022, đã nhiều lần đe dọa chấm dứt quan hệ an ninh lâu dài giữa Philippines với Mỹ, cũng như thường xuyên phớt lờ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong nỗ lực tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh.

Dưới thời ông Marcos, Philippines đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật Bản và Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Manila cũng thận trọng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào hai nước này. Ông Marcos từng tuyên bố chính quyền của ông sẽ không đi theo “tư duy Chiến tranh Lạnh”, duy trì chính sách đối ngoại độc lập và sẽ không chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi đó, các quan chức Nhật Bản và Mỹ muốn mở rộng khuôn khổ để ba bên không chỉ đối thoại mà còn tiến tới hợp tác quốc phòng và tập trận quân sự chung trong tương lai gần.

Về tình hình quanh eo biển Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ coi Philippines, quốc gia nằm gần Đài Loan cũng như các tuyến đường biển quan trọng, có vai trò quan trọng về chiến lược để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Mặc dù tìm cách để không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, Philippines đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong những tháng gần đây.

Vào tháng 2, ông Marcos đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, nâng số lượng căn cứ mà lính Mỹ có thể sử dụng ở Philippines lên thành 9 căn cứ. Ông cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Manila sau vụ Manila tố tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu laser vào tàu của Philippines ở Biển Đông. Philippines cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận để lực lượng Úc và Nhật Bản cùng tham gia tuần tra chung với Philippines và Mỹ ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới