Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội tỉnh táo và khôn khéo

Hà Nội tỉnh táo và khôn khéo

Chưa tới những ngày chót của tháng 12, tuy nhiên, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình, có thể khẳng định, Việt Nam đã có một mùa ngoại giao 2023 thành công

Ông Nguyễn Phú Trọng mời ông Tập Cận Bình dự tiệc trà sau buổi hội đàm, ngày 12/12/2023.

Trong bang giao quốc tế, số lượng bạn bè, đối tác, hoặc trở thành thành viên các tổ chức quốc tế… là những chỉ số quan trọng. Không chỉ nói lên vị thế, uy tín, chỉ số đó còn thể hiện độ mở, độ hội nhập của quốc gia. Xét theo tiêu chí trên, có thể khẳng định, Việt Nam đã thực sự thành một cái tên ấn tượng trên bản đồ ngoại giao thế giới.

Cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 193/204 quốc gia, năm 2023, lần thứ hai Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025; đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ 77; trúng cử Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) nhiệm kỳ 2022 – 2026…

Tới nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác thương mại song phương và đa phương; trong đó, đã ký kết và thực thi 16 FTA; đang trong quá trình đàm phán và khởi động đàm phán 03 FTA; là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga… FTA là loại hiệp định đáp ứng như cầu thương mại hiện đại, việc chủ động tham gia không chỉ nói lên sự trưởng thành về nhận thức, mà còn khẳng định thành tựu, năng lực phát triển và nỗ lực, quyết tâm hội nhập kinh tế thế giới của quốc gia Đông Nam Á có dân số tới 100 triệu người này.

Chưa hết, những hoạt động tấp nập, đa dạng cũng thể hiện Việt Nam đã thành công trong việc kết nối, làm sâu sắc thêm các quan hệ đối ngoại với các đối tác trên toàn cầu. Ngoài nhiều cuộc điện đàm trực tiếp với lãnh đạo các nước, những nhà lãnh đạo thuộc nhóm “tứ trụ” của Việt Nam đã có nhiều chuyến công du tới các quốc gia láng giềng và các đối tác quan trọng.

Về “đoàn vào”, tiếp theo chuyến thăm “xông nhà” ngày 3/4/2023 của Toàn quyền Australia David Hurley, Hà Nội đã đón trên nhiều đoàn khách, trong đó có các nguyên thủ, như Thủ tướng Australia Anthony Albanese; Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương; Thủ tướng Campuchia Hun Sen Mannet…

Kết quả tốt đẹp của các sự kiện ngoại giao quan trọng đó đã góp phần tăng cường hữu nghị, sự hiểu biết, mở thêm các cơ hội hợp tác; góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, giàu tiềm năng, đang trên hành trình phát triển và hội nhập thành công…

Nhiều chuyên gia quốc tế coi kết quả nêu trên là thành công của đường lối “ngoại giao cây tre” Việt Nam được nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng đề xuất và đúc kết. Nền ngoại giao ấy gắn với nội hàm lấy kiên định mục tiêu làm nguyên tắc; lấy chủ động, linh hoạt, mềm dẻo làm phương pháp; mục tiêu – đó là lợi ích dân tộc, lợi ích đất nươc; nguyên tắc – đó là bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị và lợi ích chính đáng của nhau; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế…

Nhiều nhà lãnh đạo của Hà Nội còn nhấn mạnh, phương pháp đó đã tạo thành “bản sắc nền ngoại giao Việt Nam”: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân…

Nhiều người đánh giá các chuyến công du tới Việt Nam của ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình như hai thí dụ điển hình thành công của đường đối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam trong năm 2023.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hai ngày 10-11/9, trùng dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ “đối tác toàn diện”, đã nâng bang giao Việt Nam và Mỹ lên thành“đối tác chiến lược toàn diện” – mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Ngày 19/9/2023, tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ, trong phát biểu, Tổng thống Mỹ Biden đã coi sự kiện này như bài học chung trong bối cảnh thế giới diễn ra những xung đột căng thẳng, phức tạp: “Trong nhiều thập kỷ, không ai tưởng tượng nổi có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng lịch sử không nhất thiết phải quyết định tương lai của chúng ta”.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ 12-13/12, với kết quả hai bên nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”; trao đổi thẳng thắn về vấn đề Biển Đông; và đặc biệt, ký 36 văn kiện hợp tác ở nhiều lĩnh vực, một số lượng chưa từng có (trong đó có 4 thỏa thuận về chính trị – ngoại giao, 4 thỏa thuận về an ninh – quốc phòng, 24 thỏa thuận liên quan đến kinh tế – đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, 4 thỏa thuận giữa các địa phương), được kỳ vọng sẽ đưa mối bang giao nhiều sóng gió của hai nước láng giềng này tới “điểm khởi đầu của lịch sử mới”…

Ai cũng biết, Việt Nam lâu nay như trong “thế kẹt” giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. Nếu không có một đường lồi ngoại giao phù hợp như định danh là “ngoại giao cây tre”, Hà Nội hẳn đã không thể giữ được ổn định, hòa bình. Cũng vậy, nếu không khai thác, sử dụng hiệu qua “cây tre ngoại giao”, Hà Nội hẳn đã không thể làm được việc hy hữu để Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới, trong năm 2023, đón hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Định kiến tới mấy, cũng không thể không thừa nhận, những gì mà “ngoại giao cây tre” mang lại vừa qua cho thấy Hà Nội đã tỉnh táo và khôn khéo như thế nào trong một thế giới đầy phức tạp và biến động.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới