Thursday, May 2, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngCăng thẳng Biển Đông có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm...

Căng thẳng Biển Đông có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong năm 2024

Năm 2023 chứng kiến tình trạng bế tắc leo thang giữa Philippines và Trung Quốc về các đảo nhỏ và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông. Trong nhiều tháng, các tàu hải cảnh lớn và hiện đại hơn của Trung Quốc thường xuyên đối đầu với các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và tàu đánh cá Philippines, đôi khi đâm vào các tàu này. Trong một vụ việc xảy ra vào đầu năm nay, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng “tia laser cấp quân sự” để làm mất phương hướng của thủy thủ đoàn Philippines.

Bất chấp những hành động cản phá hung hang của Trung Quốc, Philippines vẫn kiên trì tổ chức các đoàn tàu tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Vào tháng 9/2023, Philippines đã khiến Trung Quốc tức giận khi dỡ bỏ hàng rào phao nổi mà hải cảnh Trung Quốc đã dựng trước lối vào đầm phá của bãi cạn Scarborough.

Giới chuyên gia nhận định với việc 5 lần tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và 3 lần đâm va vào các tàu của Philippines trong năm 2023 Bắc Kinh đang tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm. Tiền lệ này có thể được Trung Quốc tiếp tục áp dụng trong năm 2024 để gây sức ép với Philippines và các nước ven Biển Đông khác thúc đẩy yêu sách phi lý “Đường 9 đoạn” đã bị Tòa Trọng tài về Biển Đông bác bỏ để khống chế, thôn tính Biển Đông. Các chuyên gia chỉ ra một số lý do để minh chứng cho lời cảnh báo này:

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Bắc Kinh đã trỗi dậy mạnh mẽ thời gian qua đẩy những tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đi quá xa không thể rút lại được. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn thì giới lãnh đạo Bắc Kinh lại càng phải đẩy chủ nghĩa dân tộc lên cao để xoa dịu những bất đồng trong nội bộ. Liên quan tới tranh chấp Biển Đông và những hành vi hung hăng của Trung Quốc với Philippines, ông Greg Poling, Giám đốc Dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington, nêu rõ: “Đây không phải là về kinh tế hay tài nguyên, mà là về chủ nghĩa dân tộc. Lãnh đạo Trung Quốc từ những năm 1990 đã tạo ra câu chuyện cổ tích lịch sử của riêng mình về ‘quyền lịch sử’ trên các vùng biển này, và giờ đây họ không thể buông bỏ nó dù đã tự thất bại. Trung Quốc tìm cách kiểm soát mọi hoạt động thời bình ở Biển Đông bởi nước này tự cho rằng mình có quyền đó và vì Tập Cận Bình đã nâng cao tầm quan trọng của vấn đề này đối với tính hợp pháp chính trị của ông ta ở trong nước”.

Theo ông Greg Poling, “Trung Quốc hiện đang triển khai hàng chục tàu hải cảnh và hàng trăm tàu dân quân hoạt động suốt ngày đêm trên quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Trung Quốc 1.287 km”. Chuyên gia Poling nhận định: “Căng thẳng xung quanh BãiCỏ Mây, và ở mức độ thấp hơn là ở bãi cạn Scarborough, đã tăng không ngừng trong năm qua khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn mọi hoạt động tiếp tế của Philippines và thực hiện việc đó bằng các chiến thuật nguy hiểm hơn như sử dụng tia laser, vòi rồng, thiết bị âm thanh, và đâm trực diện”. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ mục tiêu của họ ở Biển Đông, tiếp tục đẩy mạnh sử dụng chiến thuật sử dụng hải cảnh và dân quân biển để gây sức ép, bắt nạt láng giềng.

Thứ hai, các yêu sách cạnh tranh ở Biển Đông được coi là mối đe dọa thực sự đối với an ninh và ổn định trên các tuyến đường thủy mang lại hàng nghìn tỷ USD giá trị thương mại toàn cầu. Hải quân Mỹ cùng với các lực lượng hải quân phương Tây khác thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận “tự do hàng hải” ở Biển Đông như một lời nhắc nhở về điều này. Chắc chắn Mỹ và các đồng minh sẽ không cho phép Trung Quốc độc quyền thôn tính Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc nhiều lần cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào Biển Đông, coi lợi ích của phương Tây ở vùng biển tranh chấp này là “thế lực bên ngoài” trong vấn đề châu Á. Trong năm qua, Trung Quốc cũng cho thấy nước này sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn hơn, hoặc ít nhất là tỏ ra như vậy, để thu hút sự ủng hộ trong nước từ những người theo đường lối cứng rắn.

Các quan chức an ninh Philippines lo ngại rằng bước tiếp theo của Trung Quốc có thể là chiếm Bãi Cỏ Mây và xây dựng các cơ sở quân sự ở đó giống như nước này đã làm với Đá Vành Khăn gần đó. Philippines với việc điều các đội tàu tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây bất chấp ưu thế vượt trội về khí tài của Trung Quốc, đang kiểm tra xem Bắc Kinh sẵn sàng đi bao xa và liệu các cuộc tấn công thường xuyên của Trung Quốc vào tàu Philippines trong tương lai chỉ giới hạn ở mức dùng vòi rồng hay còn thêm những hành động nguy hiểm nào khác? Năm 2024 có thể trả lời cho câu hỏi này.

Các nghĩa vụ của Washington theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở Biển Đông trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Philippines. Ông Lyle Goldstein, Giám đốc chương trình Can dự châu Á (Asia Engagement) tại Defense Priorities, nói: “Thật không may, tôi nghĩ rằng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy một cuộc xung đột đang leo thang. Họ (người Trung Quốc) nhận thấy rằng rủi ro đối với họ là rất cao. Tôi tin rằng tất cả căng thẳng này với Philippines là kết quả của căng thẳng với Đài Loan”.

Việc tháng 2/2023, Mỹ đạt thỏa thuận với Philippines về quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có 3 căn cứ ở khu vực eo biển Luzon, nằm ngay phía Nam đảo Đài Loan cho thấy khu vực này ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình chuẩn bị của Mỹ cho một tình huống bất ngờ với Đài Loan khi căng thẳng xuyên eo biển tăng cao đột biến thời gian qua. Ông Goldstein phân tích: “Mỹ đang cố gắng chuẩn bị nền tảng cho ngày họ phải tăng cường lực lượng trên diện rộng vào Luzon”. Để phản ứng trước những diễn biến này, Bắc Kinh đã tìm cách tăng áp lực lên Manila bằng những lời đe dọa và phô trương vũ lực trên biển với “ngụ ý là: nếu bạn định hợp tác với Mỹ trong kịch bản Đài Loan, lợi ích của bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và đó là lý do tại sao hành vi bắt nạt này (nhằm vào Philippines) lại xảy ra”. Tóm lại, những căng thẳng ở Biển Đông hay Eo biển Đài Loan trong năm 2023 đã tạo ra những tiền lệ hết sức nguy hiểm. Nếu chỉ một tính toán sai lầm có thể gây ra hậu quả khó lường, thậm chí xung đột nổ ra. Điều này tạo mối lo ngại chung của khu vực và cả cộng đồng quốc tế trong năm 2024 này.

RELATED ARTICLES

Tin mới