Thursday, May 2, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngNhìn lại Biển Đông trong cạnh tranh Mỹ - Trung năm 2023

Nhìn lại Biển Đông trong cạnh tranh Mỹ – Trung năm 2023

Năm 2023 được coi là năm cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên gay gắt nhất trong những năm qua.

Trong khi Bắc Kinh tiếp tục chính sách cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông mà mũi nhọn được chĩa vào Philippines-một đồng minh hiệp ước lâu đời của Mỹ, thì Washington gia tăng can dự ở Biển Đông và công khai lên án gay gắt Bắc Kinh trước mỗi vụ việc Trung Quốc gây hấn với Philippines ở Biển Đông, đồng thời liên tiếp khẳng định thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Philippines theo Hiệp ước năm 1951. Đặc biệt, trong năm 2023, quân đội Mỹ được quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có căn cứ ở Palawan nằm kề bên Biển Đông, không xa khu vực Bãi Cỏ Mây mà thời gian gần đây thường xuyên xảy ra đối đầu giữa các tàu của Philippines với các tàu Trung Quốc.

Mặc dù, tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương hôm 15/11 tại San Francisco bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý nối lại đối thoại quân sự, song cuộc gặp được chờ đợi từ lâu giữa họ được đông đảo dư luận cho rằng sẽ không làm giảm bớt được căng thẳng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh không có ý định từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình. Giới chuyên gia nhận định cùng với vấn đề Đài Loan, Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng trong cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung tại khu vực.

Bất chấp thiện chí công khai giữa Tập Cận Bình và Biden tại San Francisco, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ không làm thay đổi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc có tranh chấp biển với Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Nguy cơ xảy ra tai nạn chết người, trên biển hoặc trên không, ngày càng gia tăng. Richard McGregor, thành viên cao cấp của Viện Lowy, lưu ý: “Cần nhớ rằng cho dù các biện pháp ngoại giao ngắn hạn nhằm giảm thiểu rủi ro đang được thực hiện, song về cơ bản, những va chạm trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng khó có thể được giải quyết. Trung Quốc có hỏa lực hải quân áp đảo cả về lực lượng hải quân và dân quân biển. Trung Quốc gần như không bao giờ có ý định thỏa hiệp. Bắc Kinh có thể hạ gục Philippines và ngăn Philippines đạt được mục tiêu, cho dù điều đó kéo dài bao lâu”.

Với việc kiên quyết duy trì lập trường của mình, Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn – cho dù bị tổn hại về mặt danh tiếng – từ một cuộc tranh chấp mà Philippines có thể thua về mặt quân sự nhưng sẽ thắng trên mặt trận quan hệ công chúng. Bằng cách thể hiện lập trường ngày càng hung hăng, Bắc Kinh gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các quốc gia ASEAN khác về việc “ai là chủ”. Nguy hiểm hơn, hành động của Trung Quốc còn thử thách giới hạn sẵn sàng can thiệp của Mỹ. Grant Newsham, nhà nghiên cứu cấp cao của Diễn đàn Nhật Bản về Nghiên cứu Chiến lược và cũng là đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định: “Trung Quốc đã thách thức Mỹ ở Bãi Cỏ Mây. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, Philippines sẽ cần đến sự giúp đỡ của Mỹ. Và điều đó có nghĩa là Hải quân Mỹ sẽ phải hợp tác với các tàu Philippines và sau đó sẽ cần liên tục chứng minh rằng ‘chúng tôi sẽ có mặt tại hiện trường hoặc sẵn sàng can thiệp’. Về lý thuyết, điều đó có nguy cơ dẫn đến xung đột nghiêm trọng – va chạm, đâm vào nhau hoặc thậm chí nổ súng – với Trung Quốc. Tuy nhiên, Biden sẽ do dự khi làm như vậy”.

Chỉ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung chưa đầy 3 tuần, ngày 4/12 Chiến hạm USS Gabrielle Gifords của Hải quân Mỹ vào tiến hành thực thi quyền tự do hàng hải (FONOP) lần đầu tiên gần khu vực Bãi Cỏ Mây tranh chấp tại Biển Đông. Động thái này của Mỹ bị Trung Quốc ngay lập tức cho là “phi pháp” với lý do xâm phạm vùng biển của Trung Quốc mà không được sự đồng ý của Bắc Kinh.

Thông cáo của Bộ Tư lệnh Chiến miền Nam thuộc Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc lặp lại luận điệu lâu nay rằng “phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, gây hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định khu vực và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế… Hoạt động như thế chứng tỏ Mỹ là mối nguy lớn nhất cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông”.

Phía Mỹ đáp trả một cách mạnh mẽ rằng chiến hạm USS Gabrielle Gifords tiến hành chiến dịch thường kỳ trong vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp. Theo thông cáo của Hải quân Mỹ thì hàng ngày Hạm đội 7 hoạt động tại Biển Đông như từng diễn ra nhiều thập niên qua. Hoạt động như thế chứng tỏ Mỹ cam kết giữ vững một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và mở.

Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Philippines cho quân đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn BRP Sierra Madre để kiểm soát vùng biển này, là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trong mấy tháng gần đây. Tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc gần như phong tỏa khu vực gần Bãi Cỏ Mây, chiếu laser mức độ quân sự nguy hiểm và phun vòi rồng, thậm chí chủ động đâm va vào tàu của Philippines tiếp tế cho binh sĩ trên Bãi Cỏ Mây. Giới phân tích cho rằng Mỹ đưa chiến hạm USS Gabrielle Gifords tới khu vực Bãi Cỏ Mây là nhằm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của Washington đối với các hành động gây hấn của tàu Trung Quốc ở khu vực này; khẳng định Mỹ luôn sẵn sàng sát cánh cùng Philippines để đối đầu với tàu của Trung Quốc để bảo vệ luật pháp quốc tế.

Trước đó, hôm 25/11/2023, khu trục hạm Hopper của Hải quân Mỹ đã tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc nói rằng đã điều tàu và máy bay đến theo dõi, giám sát, cảnh báo xua chiến hạm Mỹ đi, song Hải quân Mỹ đã bác bỏ các thông tin của phía Trung Quốc. Hạm đội 7 của Mỹ ra thông báo nêu rõ: “Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những ranh giới phi pháp do Trung Quốc, Đài Loan áp đặt (trên Biển Đông)”. Phó Phát ngôn viên của Hạm đội 7, Trung úy Kristina Weidemann nhấn mạnh: “Mỹ thách thức những tuyên bố biển quá mức tại mọi nơi trên thế giới bất kể đó là nước nào. Những tuyên bố chủ quyền rộng khắp và phi pháp ở Biển Đông tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển”.

Các nhà phân tích nhận định tranh chấp Biển Đông không chỉ đơn thuần là giữa các nước ven Biển Đông với Trung Quốc mà sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông liên quan chặt chẽ với cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực. Một số ý kiến còn cho rằng tranh chấp hàng hải ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines được tạo ra bởi căng thẳng Mỹ-Trung. Điều này được thể hiện rõ qua những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và mối quan hệ giữa Mỹ – Philippines – Trung Quốc trong năm 2023.

Theo thỏa thuận tại cuộc gặp ở San Francisco giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình,  Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đối thoại quân sự với cuộc họp trực tuyến giữa Tướng Không quân Mỹ Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và Tướng Liu Zhenli (Lưu Chấn Lập) của quân đội Trung Quốc hôm 21/12/2023. Hai nội dung chính được đề cập trong cuộc họp là Đài Loan và Biển Đông, về cơ bản quan điểm vẫn là chống đối nhau và không thể dung hòa bởi cả 2 vấn đề này liên quan trực tiếp tới lợi ích của mỗi bên trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực. Giới quan sát nhận định việc Bắc Kinh và Washington nối lại đối thoại quân sự có thể giúp giảm bớt căng thẳng phần nào, nhưng những khác biệt cơ bản về Đài Loan và Biển Đông vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến xung đột.

Các chuyên gia cho rằng việc Philippines tăng cường liên minh quân sự với Mỹ bằng việc cho quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự (trong đó có 3 địa điểm đối diện với Đài Loan và 1 địa nằm kề sát Biển Đông) khiến Bắc Kinh hết sức tức tối. Trong khi đó, những sự cố Trung Quốc gây ra với Philippines ở Biển Đông chắc chắn khiến Washington không hài lòng, nhưng chúng dường như chỉ là một cái giá nhỏ phải trả để đáp ứng tham vọng lớn hơn của Mỹ, đó là giữ cho Biển Đông mở cửa cho thương mại quốc tế, tránh các hoạt động leo thang thành xung đột vũ trang. Quan hệ Mỹ-Trung có thể trở nên căng thẳng hơn nếu một sự cố dẫn đến thương vong cho bên thứ ba, nhưng khó có khả năng sẽ xảy ra xung đột quân sự. Một kịch bản tồi tệ hơn Mỹ/hoặc một trong những đồng minh của Mỹ đưa ra tính toán sai lầm với Trung Quốc. Bản chất ngày càng khiêu khích của các hành động gây hấn của Trung Quốc không xoa dịu mối lo ngại của phương Tây, và một tính toán sai lầm nhiều khả năng sẽ gây ra phản ứng quốc tế lớn hơn. Trong ngắn hạn, những chiến thắng mang tính chiến thuật này của Trung Quốc sẽ ít ảnh hưởng đến các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ và do đó khó có thể tác động đến các mục tiêu lớn hơn.

Nhìn một cách tổng thể thì căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Ông Sarang Shidore, Giám đốc Chương trình Phương Nam Toàn cầu cho rằng so với các nước khác, Philippines đã có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông và một phần là do sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ sự tham gia của Mỹ là một lý do lớn bởi thực tế là Washington có mặt trên chiến trường và có cam kết liên minh, khiến tình hình không chỉ là vấn đề của Trung Quốc-Philippines, mà còn là vấn đề của Trung Quốc-Mỹ và đó là lúc mọi thứ thay đổi theo quan điểm của Bắc Kinh”. Ông Shidore cho rằng “vào thời điểm này, người Trung Quốc quan ngại về Mỹ hơn là Philippines. Sự hiện diện của Mỹ đang khiến họ cảm thấy khó chịu và khuyến khích tất cả các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và diều hâu trong cơ cấu của Trung Quốc”.

Theo ông Greg Poling, Giám đốc Dự án Sáng kiến Minh bạch hang hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, D.C., tham vọng của Mỹ trong khu vực đang khiến Philippines phản đối Trung Quốc. Trong một bài đăng trên trang mạng xã hội X vào cuối tháng 12/2023, ông Greg Poling cho rằng “chỉ các cường quốc mới là bên ra quyết định; các quốc gia nhỏ hơn đang thiếu quyền tự quyết và chỉ hành động như một công cụ trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Đây là lý do tại sao Trung Quốc từ chối đàm phán thiện chí về khu vực Biển Đông trong suốt 3 thập kỷ”.

Philippines là một trong nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang buộc phải tính đến cuộc xung đột Mỹ-Trung. Không ai, từ các nhà lãnh đạo đến người dân, muốn chọn bên, nhưng hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã buộc Philippines phải làm như vậy. Sau mối quan hệ thân thiết của chính quyền Duterte với Trung Quốc, chính phủ của Tổng thống Marcos đã khôi phục lại mối quan hệ lịch sử với Mỹ, thừa nhận rằng việc tiếp đón quân đội Mỹ là một bước đi có ý nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền của Philippines và thúc đẩy khả năng răn đe ở Biển Đông. Hơn nữa, điều quan trọng đối với lợi ích của Mỹ là bảo vệ sự ổn định trong khu vực và ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Trung Quốc bằng cách duy trì sự hiện diện ở Philippines.           Tuy nhiên, do chính sách đối ngoại ngày càng mang tính đe dọa của Tập Cận Bình cũng như tham vọng “thu hồi” Đài Loan trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nên hiệu quả của biện pháp ngăn chặn này vẫn chưa rõ ràng. Nói cách khác, mối quan hệ Mỹ-Philippines đang càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc triển khai chiến lược của Washington ở khu vực. Giới chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh Mỹ ngày càng bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, sự bế tắc ở Philippines – chứ không phải Đài Loan – có thể là thử thách đầu tiên cho quyết tâm của Mỹ khi đối mặt với Trung Quốc. Bà Jennifer Parker, Cố vấn cấp cao tại Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia chỉ ra rằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông “không loại trừ khả năng mọi chuyện sẽ đi quá xa và có thể có những tính toán sai lầm ở mức độ nào đó. Không có biện pháp giảm thiểu rủi ro thực sự nào”. Tóm lại, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ, Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2023 phản ánh cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn giữa Mỹ – Trung ở khu vực trong.

RELATED ARTICLES

Tin mới