Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đưa ra phản ứng quyết liệt sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp gói thuế quan 60 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Ảnh: http://www.china-embassy.org)
Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ về “Cuộc điều tra theo Khoản 301”
Nước Mỹ đã dai dẳng tiến hành “vụ điều tra 301” và công bố các biện pháp thương mại liên quan, phớt lờ những tiếng nói lý trí, và bỏ qua lợi ích chung tự nhiên trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như nhận thức chung đạt được giữa song phương về kiểm soát bất đồng một cách có xây dựng thông qua tham vấn. Đây là hành động điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trung Quốc hết sức thất vọng và kiên quyết phản đối hành động như thế.
Luôn khắc ghi những nguyên tắc về tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí trong việc đưa ra những gợi ý hợp lý cho phía Mỹ, và nỗ lực rất lớn để giải trình tình trạng mất cân bằng thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc không không muốn chiến tranh thương mại với bất kỳ ai. Nhưng Trung Quốc không sợ hãi, và sẽ không rút lui trước chiến tranh thương mại. Trung Quốc tự tin có đủ khả năng ứng phó bất kỳ thách thức nào. Nếu chiến tranh thương mại được Mỹ khơi mào, thì Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình bằng mọi biện pháp cần thiết.
Những hành động của Mỹ là tự làm hại mình. Họ sẽ làm tổn hại trực tiếp lợi ích của người tiêu dùng, các công ty và thị trường tài chính của Mỹ. Họ cũng gây nguy hiểm cho trật tự thương mại quốc tế và ổn định kinh tế thế giới.
Chúng tôi thúc giục Mỹ kiềm chế và chấm dứt hành động, đưa ra những quyết định thận trọng và tránh đặt quan hệ thương mại Mỹ-Trung vào vòng nguy hiểm với mục đích làm tổn thương người khác – điều cuối cùng sẽ khiến [Mỹ] tổn hại chính mình.
Thông cáo trên được Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đưa ra vài giờ, sau khi tổng thống Trump “công kích” chính sách của Trung Quốc và đòi Bắc Kinh ngay lập tức giải trình về thâm hụt gia tăng, khiến thị trường bất ổn.
Ngày 22/3 (giờ địa phương), ông Trump đã ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do chống lại việc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ.
Phát biểu trước khi ký sắc lệnh hành pháp về gói thuế quan trên, Trump cho biết ông đã yêu cầu chủ tịch Trung Quốc giảm “ngay lập tức” 100 tỉ USD thặng dư thương mại của nước này đối với Mỹ. Ông Trump coi đây là một phần trong nỗ lực xử lý vấn đề căng thẳng thương mại song phương.
“Chúng ta thấy tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ rất lớn đang diễn ra” ở Trung Quốc – tổng thống Mỹ nói.
Gói thuế quan 60 tỉ USD được ông Trump ký cao hơn so với mức dự kiến 50 tỉ USD mà các quan chức chính quyền Mỹ cập nhật với truyền thông trước đó, chủ yếu nhằm vào các mặt hàng nằm trong khu vực được Trung Quốc định danh trong sáng kiến “Made in Chian 2025”, bao gồm “công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo”, điện, robot, các sản phẩm hàng không và vũ trụ – theo cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
Theo ông Navarro, Trung Quốc “nói với toàn thế giới rằng họ sẽ thống trị công nghệ và tải sản trí tuệ, như một cách để làm Trung Quốc trở nên thịnh vượng và họ làm điều đó thông qua nhiều chính sách công nghiệp – rất nhiều trong số đó trái ngược với hệ thống thị trường tự do thương mại toàn cầu”.
“Trung Quốc hưởng lợi từ quan hệ thương mại Mỹ-Trung vượt xa những gì Mỹ có được. Từ năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước này đã tăng trưởng từ 1.000 tỉ USD GDP lên 8.000 tỉ USD. Trong khi đó, kinh tế Mỹ thì phập phù.”
Sắc lệnh của ông Trump chưa xác định mức thuế mới nào, song Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có 2 tuần để công bố danh sách các sản phẩm Trung Quốc có thể nằm trong diện bị áp thuế mới, trong đó có mức thuế cao tới 25%.
Đề xuất cấm vận chống lại Trung Quốc là hệ quả từ cuộc điều tra được khởi động trên cơ sở Khoản 301 Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974, nhằm vào các quy định của Trung Quốc buộc doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước này phải chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho các đối tác bản địa.