Sunday, April 28, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ đối phó ra sao với 'sát thủ diệt tàu sân bay'...

Mỹ đối phó ra sao với ‘sát thủ diệt tàu sân bay’ của Trung Quốc

DF-21D được coi là “sát thủ diệt tàu sân bay” nhưng khả năng thực sự của tên lửa này vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Một loại vũ khí mới của Trung Quốc đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các quan chức hải quân Mỹ cũng như các chuyên gia quốc phòng trên thế giới, đó là tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) DF- 21D, loại tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, được Trung Quốc trình làng lần đầu tiên trong lễ duyệt binh ngày 3/9, National Interest cho hay.

Khả năng

Là một loại tên lửa đạn đạo, DF-21D được phóng lên từ bệ tên lửa gắn trên xe di động, bay lên quỹ đạo của Trái Đất, và sau đó lao xuống mặt đất với vận tốc gần gấp 10 lần vận tốc âm thanh, dựa vào tín hiệu dẫn đường của các loại radar vượt đường chân trời, vệ tinh và thiết bị bay không người lái để điều chỉnh hành trình, bay về phía những chiếc tàu sân bay của đối phương đang hoạt động trên biển. Tên lửa này còn được tích hợp đầu đạn có khả năng cơ động (MaRV) giúp nó có thể tự tìm mục tiêu.

Một lợi thế nữa của DF-21D là giá thành sản xuất rẻ. Cùng một số tiền để chế tạo tàu sân bay, Trung Quốc có thể sản xuất ra hàng ngàn quả tên lửa đạn đạo diệt hạm kiểu này. Nếu Trung Quốc phóng đồng loạt hàng trăm quả tên lửa DF-21D vào một tàu sân bay, hệ thống tên lửa đánh chặn và phòng không của Mỹ sẽ gần như không thể ngăn chặn được. Chỉ cần bị trúng một trong số hàng trăm tên lửa DF-21D, tàu sân bay của Mỹ sẽ bị hư hại nặng và bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Tàu sân bay hiện nay là xương sống của chiến lược hải quân Mỹ trên toàn cầu, và cũng là biểu tượng cho sức mạnh cũng như khả năng thống trị của Mỹ trên đại dương. Việc một tàu sân bay bị tên lửa phá hủy sẽ khiến hạm đội tàu sân bay hải quân Mỹ mất đi 1/10 sinh lực, và quan trọng hơn, nó sẽ làm suy giảm đáng kể sĩ khí của binh lính, khiến lòng tự hào của họ bị tổn thương sâu sắc.

Bởi vậy, DF-21D được coi là một vũ khí hữu hiệu để Trung Quốc có thể phản công sau đòn tấn công phủ đầu của Mỹ, hoặc để thực hiện chiến lược “chống tiếp cận – chống xâm nhập khu vực” (A2AD) trên các khu vực như Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.

3-4781-1441340803.jpg

DF-21D có khả năng tự thay đổi hành trình bay hướng tới mục tiêu. Đồ họa: Aviationist

Tuy nhiên, khả năng thực sự của tên lửa DF-21D vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Chuyên gia bình luận Andrew Erickson của TNI chỉ ra rằng DF-21D chưa trải qua bất cứ cuộc bắn thử nào vào mục tiêu “phi hợp tác” trên biển, trong khi “mối đe dọa của DF-21D đối với hải quân Mỹ phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của hệ thống xử lý thông tin kèm theo”.

Hệ thống xử lý thông tin kèm theo này chính là trung tâm chỉ huy, điều khiển, các phương tiện liên lạc, máy tính, tình báo, do thám, trinh sát (C4IRS), cũng như khả năng của vệ tinh và các loại máy bay không người lái. Ông Erickson cho rằng “những công nghệ này có vẻ như vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát hiện và theo dõi tàu sân bay Mỹ theo thời gian thực trong điều kiện chiến tranh. Hiện việc cải thiện khả năng C4IRS vẫn là ưu tiên cao trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc”.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay trong năm qua, Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện các tính năng kỹ chiến thuật của DF-21D, và họ tin rằng đến nay hệ thống này ít nhất đã có thể phát hiện một tàu chiến đang di chuyển trên biển và theo dõi tàu chiến đó trong suốt hành trình tên lửa bay đến mục tiêu.

Biện pháp đối phó

Cách đây vài năm, những thông tin ban đầu về việc Trung Quốc phát triển “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D đã khiến các quan chức quốc phòng Mỹ rất lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét, đánh giá ưu nhược điểm của loại vũ khí này, họ đã có cái nhìn tích cực hơn về khả năng sống sót của tàu sân bay Mỹ trong trường hợp bị DF-21D tấn công.

4-3202-1441340803.jpg

Một cụm tàu sân bay chiến đấu của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Điểm yếu rất dễ nhận ra của DF-21D là hiệu quả tấn công tàu sân bay của nó phụ thuộc rất lớn vào hệ thống đi kèm, đó là các radar vượt đường chân trời, vệ tinh định vị hoặc các phương tiện bay không người lái để dẫn bắn, chỉ thị mục tiêu.

Chuyên gia quốc phòng Roger Cliff từng nhấn mạnh: “Radar vượt đường chân trời dùng để phát hiện mục tiêu có thể bị gây nhiễu, bị nghi binh, hoặc bị phá hủy. Vệ tinh chụp ảnh có thể bị “che mắt” bởi màn khói hoặc các biện pháp ngụy trang khác khi đội tàu sân bay chiến đấu đi qua quỹ đạo bay đã được dự đoán trước của nó. Hoạt động liên lạc giữa tên lửa với vệ tinh dẫn đường có thể bị gây nhiễu, và thiết bị tìm kiếm mục tiêu của tên lửa cũng có thể bị đánh lừa hoặc bị gây nhiễu trong quá trình khóa mục tiêu”.

Ngoài ra, các tàu chiến Mỹ còn có thể sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 để có thể tiêu diệt DF-21D khi nó vừa bay lên quỹ đạo và chưa lao xuống với vận tốc khủng khiếp. Nhưng để làm được điều đó, tàu chiến Aegis hộ tống tàu sân bay phải khai hỏa tên lửa SM-3 gần như cùng lúc với thời điểm khai hỏa của DF-21D, hoặc con tàu này phải nằm ngay dưới đường bay của DF-21D.

Một số tàu chiến Mỹ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-2 Block 4 có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo bên dưới quỹ đạo, tuy nhiên DF-21D có vận tốc bay rất lớn và có thể tự điều chỉnh đường bay, thế nên SM-2 Block 4 gần như không thể ngăn chặn được “sát thủ” này.

Ông Cliff chỉ ra rằng các tàu sân bay Mỹ đã là mục tiêu của nhiều loại vũ khí trong suốt hàng chục năm qua, nhưng các nhà hoạch định chính sách hải quân Mỹ đã nỗ lực trang bị cho chúng những biện pháp phòng thủ vượt xa mối đe dọa của các loại vũ khí thông thường.

Vũ khí phản công

Trước mối đe dọa tiềm tàng mà DF-21D có thể gây ra, mới đây, hải quân Mỹ cũng đã đệ trình kế hoạch chi tiết về những loại vũ khí có thể xóa bỏ được lợi thế mà Trung Quốc đang nắm giữ trong lĩnh vực tên lửa diệt hạm tối tân.

Theo kế hoạch này, kể từ năm tài khóa 2017, hải quân Mỹ sẽ bắt đầu chương trình Tác chiến Tấn công Chống Tàu nổi (OASuW) với mục tiêu đưa vào sử dụng một loại tên lửa chống hạm tân tiến hơn thay thế cho tên lửa RGM-84 Harpoons do Boeing chế tạo mà hải quân nước này đã sử dụng trong suốt thời gian dài.

5-7648-1441340803.jpg

Tàu khu trục lớp Aegis của Mỹ khai hỏa tên lửa đánh chặn SM-3. Ảnh: Ainonline

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, phó tư lệnh hệ thống tác chiến hải quân Mỹ (N9), cho biết Tên lửa Chống Hạm Tầm xa (LRASM) sẽ cạnh tranh với tên lửa Tomahawk Block IV mới để trở thành thứ vũ khí diệt hạm thế hệ tiếp theo của hải quân Mỹ trong chương trình này.

LRASM là tên lửa do hãng Lockheed Martin chế tạo, có tầm bắn 500 hải lý, được trang bị đầu đạn xuyên hoặc đầu đạn nổ mảnh. Đây là loại tên lửa được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa của không quân và hải quân Mỹ có thể tồn tại được trong môi trường tác chiến điện tử khốc liệt.

Để đạt được khả năng đó, LRASM sử dụng các cảm biến và hệ thống dẫn đường bán tự động được tích hợp ngay trên thân để giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ thống tình báo, trinh sát và do thám khác cũng như các thiết bị kết nối và định vị GPS bên ngoài. Tên lửa này cũng áp dụng các “công nghệ sinh tồn độc đáo” để có thể tránh được những biện pháp đánh chặn tiên tiến của đối phương mà vẫn đảm bảo đánh trúng vào mục tiêu đã định.

Trong khi đó, tên lửa Tomahawk phiên bản mới nhất do Raytheon chế tạo được trang bị kết nối dữ liệu vệ tinh hai chiều, cho phép tên lửa này có thể được lập trình lại và thay đổi mục tiêu ngay trong khi bay. Với tầm bắn hơn 1.600 km, tên lửa Tomahawk Block IV có thể tồn tại được trong những môi trường tác chiến phức tạp, và được nâng cấp hệ thống liên lạc, được trang bị đầu đạn mạnh hơn cùng thiết bị tìm kiếm mới có thể đánh trúng tàu chiến đang di chuyển của đối phương hoặc mục tiêu trên đất liền trong điều kiện đêm tối hay thời tiết phức tạp.

Trong một thử nghiệm hồi đầu năm, một quả tên lửa Tomahawk Block IV đã “khoan” một lỗ trên chiếc container nằm trên con tàu đang di chuyển, khiến Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work sau đó phải nhận xét rằng cuộc thử nghiệm này là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Với chương trình OASuW II này, hải quân Mỹ hy vọng họ có thể lấp đầy khoảng trống giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hải quân Trung Quốc đang sở hữu những loại tên lửa chống hạm có tầm bắn xa hơn của Mỹ. Điều này khiến các tàu chiến mặt nước của hải quân Mỹ trở nên rất dễ tổn thương trước những cuộc tấn công từ tàu đối phương nằm ngoài tầm bắn của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới