Thursday, November 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội230.000 tỷ đường cao tốc Bắc-Nam: Phải trình Quốc hội

230.000 tỷ đường cao tốc Bắc-Nam: Phải trình Quốc hội

“Chính phủ cần trình QH xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vì đây là dự án có quy mô rất lớn tác động đến vùng miền”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH, khi đề cập đến đề xuất của Bộ GTVT về việc xin xây dựng gấp đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn phía Đông từ Hà Nội – TPHCM, tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17/10.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.

Trước đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu các phương án về quy mô, kinh phí đầu tư để đảm bảo phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư trong đó, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh.

230.000 ty duong cao toc Bac-Nam: Phai trinh Quoc hoi

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Cụ thể, đoạn Hà Nội-Vinh và Phan Thiết-Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn đầu tư quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn.

Đoạn Vinh-Túy Loan, Quảng Ngãi-Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh.

Với phương án này, kinh phí đầu tư cho tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-TPHCM cần khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).

Khi trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội khẳng định: “Nếu việc đầu tư vào công trình hạ tầng giao thông với số vốn lớn như vậy, làm cho kế hoạch tài chính gặp khó khăn thêm thì không nên.

Kế hoạch nào cũng tốt, nhưng có điều phải phù hợp với khả năng tài chính của đất nước, Bộ nào cũng đưa, cũng lý giải các công trình tốt đẹp hết mà không căn cứ vào khả năng đầu tư tài chính của đất nước thì sẽ dẫn đến sự bó nợ, bất trắc.

230.000 ty duong cao toc Bac-Nam: Phai trinh Quoc hoi

Bộ GTVT đề xuất nên xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam

Hơn nữa, đầu tư công trình hạ tầng nhất định phải đi đến thu phí, khi đó nó làm cho giá thành vận tải tăng lên, mà sức mua người dân có hạn. Cho nên, theo chúng tôi đoạn nào trọng điểm làm trước, chứ không lên vạch kế hoạch làm toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc”.

Mặt khác, đầu tư hạ tầng nhưng phải căn cứ vào năng lực tài chính của đất nước, phát triển kinh tế xã hội, khả năng hoàn vốn đầu tư.

Việc cần làm hiện nay, theo ông Liên, là nâng cấp đường sắt tuyến đường sắt Bắc – Nam, mở rộng khổ đường từ 1m lên 1.435mm, để nâng cao tốc độ. Còn tuyến đường QL1 thì mở rộng, nâng cấp, còn đường cao tốc thì để lại, nó chưa phải nhu cầu thiết yếu.

Thế nhưng, ngược lại với ý kiến chuyên gia, lãnh đạo một số địa phương có tuyến đường đi qua lại vô cùng ủng hộ việc thực hiện dự án này.

Chia sẻ quan điểm với Đất Việt, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là tuyến đường vô cùng quan trọng, nó sẽ kết nối các vùng, giúp Quảng Bình kết nối với các tỉnh phía Bắc, phía Nam, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, là trong khi Quảng Bình đang thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng thêm các tuyến du lịch mới, nên đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng với tỉnh Quảng Bình”.

Bên cạnh đó, theo ông Hoài, hiện nay, do chúng ta đang gặp một số khó khăn về mặt phát triển kinh tế, nên cần phải xem xét, cân nhắc, còn về mặt chiến lược, kế hoạch dài hạn rất cần dự án trên.

Cũng là một địa phương có tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua, ông Đặng Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chủ trương về dự án trên là rất tốt, tuyến đường sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung”.

RELATED ARTICLES

Tin mới