Sunday, May 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu Mối quan hệ Nga – Mỹ đã mềm mại?

Liệu Mối quan hệ Nga – Mỹ đã mềm mại?

Nga không nằm trong danh sách ưu tiên quốc phòng của Mỹ nhưng sự kết hợp giữa Nga và Trung Quốc lại là câu chuyện khác.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không còn coi Nga là “mối đe dọa”?

Loại khỏi danh sách “đen”

Tờ Foreign Policy của Mỹ vừa cho đăng tải một biên bản ghi nhớ của Lầu Năm Góc, trong đó phác thảo “các ưu tiên quốc phòng hàng đầu” của Tổng thống đắc cử Donald Trump, và điều đặc biệt nhất của văn bản này là nội dung của nó không đề cập đến Nga.

Theo Foreign Policy, việc Nga không nằm trong danh sách ưu tiên quốc phòng hàng đầu cho thấy chính quyền mới ở Mỹ không coi quốc gia này là mối đe doạ nguy hiểm theo như khuyến cáo từ giới chức quân sự.

Bản ghi nhớ đề ngày 1/12 nói trên cũng đề cập tới việc tăng cường giám sát các chính sách của ông Trump đối với Nga vì Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố sẽ cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia, dù cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cáo buộc Điện Kremlin đứng đằng sau các vụ tấn công mạng và tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Biên bản được quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Brian McKeon soạn thảo với mục đích cập nhật thông tin cho văn phòng của ông sau cuộc họp với nhóm chuyển giao quyền lực hôm 28/11.

Theo một nguồn tin giấu tên từ nhóm chuyển giao quyền lực, biên bản ghi nhớ chưa có danh sách đầy đủ các ưu tiên của ông Trump.

Nguồn tin này nói: “Sẽ là sai lầm và gây ra sự hiểu nhầm nếu truyền thông suy đoán danh sách này đã gồm tất cả những ưu tiên của Tổng thống đắc cử”.

Foreign Policy đánh giá việc Nga vắng mặt trong danh sách sẽ làm nhiều người quan ngại, nhất là trong bối cảnh ông Trump tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Moscow.

Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã không ít lần ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo cương quyết.

Tổng thống đắc cử Trump cũng bác bỏ kết luận của các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Nga đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ, can thiệp vào việc tính phiếu bầu nhằm giúp ông thắng cử.

Ông Trump cũng công khai tuyên bố việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ có lợi cho Mỹ, nhất là trong các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq và Syria.

Quyết định chọn Tổng Giám đốc Điều hành tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng cũng cho thấy dấu hiệu thay đổi trong chính sách đối với Nga.

Ông Tillerson là một trong những người phản đối mạnh mẽ việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Nga sau khi Moskva sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea hồi năm 2014.

Ông Tillerson được xem là người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin và từng được đích thân nhà lãnh đạo này tặng thưởng Huy chương Hữu nghị của Nga vào năm 2013.

Phó Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Gordon Trowbridge từ chối bình luận về danh sách các ưu tiên quân sự của Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, song cho hay nhóm tiếp quản quyền lực đã được báo cáo về các vấn đề liên quan tới Nga.

Ông Steven Pifer, một học giả tại Viện Brookings và đã có 25 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá bản ghi nhớ nêu trên “vừa gây ngạc nhiên, vừa gây lo ngại nếu căn cứ theo những gì người Nga đang làm đối với Ukraine, theo những gì thấy được qua nỗ lực hiện đại hóa quân đội của nước này, giọng điệu hiếu chiến mà chúng ta nghe được từ Moscow trong suốt 3 năm qua và nỗ lực của NATO tăng cường các năng lực quân sự và răn đe thông thường ở khu vực Baltic”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự báo chính sách của Lầu Năm Góc đối với Nga dưới thời Tổng thống Trump.

Chính ông Trump đã lựa chọn Tướng James Mattis, một nhân vật có uy tín và coi Nga là một “mối đe dọa”, vào chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng.

Yếu tố Trung Quốc

Trong khi đó, tờ Diplomat cũng vừa đăng bài phân tích của tác giả Bob Savic làm việc tại Viện Chính sách Toàn cầu thuộc trường Đại học London Metropolitan, nhấn mạnh rằng sự nổi lên của một nước Nga quyết đoán về chính trị-quân sự và một Trung Quốc mạnh về kinh tế và thể chế có thể được mô tả là “hai lực lượng chính” thách thức Mỹ trong việc hoạch định chính sách toàn cầu.

Sự nổi lên của hai nước không chỉ mang tính bổ sung nhất thời mà đã đạt đến sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp các lợi ích chung của nhau.

Ý nghĩa quốc tế ngày càng tăng của hợp tác chính trị và kinh tế trọng điểm giữa Trung Quốc và Nga cần được coi là một yếu tố quan trọng trong hoạch định chính sách toàn cầu của Mỹ.

Thỏa thuận đối tác chiến lược Nga-Trung năm 2014, được ký kết ngay sau khi Moscow sáp nhập Crimea và trong bối cảnh Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, được coi là động thái nhằm tăng cường quan hệ an ninh kinh tế-chính trị sâu sắc nhất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu giữa hai nước.

Từ năm 2014 và đặc biệt trong năm 2015, Nga đã trở thành một trong 5 quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nhất từ Trung Quốc liên quan đến sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” (BRI).

Trong khi đó, năm 2015, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại song phương lớn nhất của Nga bất chấp sự suy giảm thương mại song phương theo tỉ giá đồng USD (chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh giá trị của đồng ruble và đồng nhân dân tệ).

Tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), việc ông Putin và ông Tập Cận Bình đã đề xuất tích hợp BRI của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao đáng kể vai trò của SCO.

Cùng với số lượng đơn xin gia nhập ngày càng tăng, dự kiến hai nước quan sát viên là Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ chính thức trở thành thành viên chính thức của SCO vào đầu năm 2017.

Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Peru hồi tháng 11 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Nga-Trung một lần nữa tái khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ và duy trì thông tin liên lạc về các vấn đề chính sách trên quy mô quốc tế.

Tại hội nghị này, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định lợi ích chung trong việc giữ gìn an ninh và ổn định ở Trung Á, Đông Bắc Á cũng như các vùng lân cận khác.

Theo Diplomat, lợi ích quốc phòng, địa chiến lược của Trung Quốc và Nga đã được gia tăng nhờ sự hỗ trợ an ninh chính thức lẫn nhau và các mối quan tâm chung về quốc phòng, trong đó sự khẳng định nổi bật nhất gần đây là việc cả Bắc Kinh và Moscow cùng phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Cả hai nước đã cảnh báo rằng THAAD có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ gây bất ổn cho khu vực.

Ngoài ra, hai nước còn công khai hoặc bóng gió thể hiện quan điểm ủng hộ lẫn nhau trong hàng loạt vấn đề nóng hiện nay.

Đây chính là điều được giới nghiên cứu Mỹ liên tục cảnh báo trong thời gian qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới